24/04/2024 lúc 17:57 (GMT+7)
Breaking News

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN: Củng cố và nâng tầm liên kết

VNHN - Có câu nói rằng cách tốt nhất để hình dung về tương lai chính là kiến tạo tương lai. Tương lai của ASEAN vẫn luôn được hình dung như vậy, qua những bản lộ trình rõ ràng và cụ thể ở từng giai đoạn như Chương trình Hành động Hà Nội (1998-2004), Chương trình Hành động Vientiane (2004-2010), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) và giờ đây là Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025.

VNHN - Có câu nói rằng cách tốt nhất để hình dung về tương lai chính là kiến tạo tương lai. Tương lai của ASEAN vẫn luôn được hình dung như vậy, qua những bản lộ trình rõ ràng và cụ thể ở từng giai đoạn như Chương trình Hành động Hà Nội (1998-2004), Chương trình Hành động Vientiane (2004-2010), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) và giờ đây là Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025.

ASEAN 2025: Tự tin chuyển mình cùng thời đại 

Vào ngày 1/1/2016, khi cả thế giới đón chào năm mới, ASEAN cũng khởi đầu một hành trình mới tràn đầy quyết tâm và tự tin xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các quốc gia thành viên. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nêu rõ cam kết của các lãnh đạo ASEAN sẽ xây dựng ASEAN vào năm 2025 là “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”, “một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình”; “các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động” và “một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới”.

Trên cơ sở những định hướng chung này, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cụ thể hóa thành các định hướng theo đặc trưng của từng trụ cột, khắc họa bức tranh toàn cảnh về Cộng đồng ASEAN trong thập kỷ tới với ba mảng màu xanh, vàng và đỏ, đại diện cho hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc

.

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN: Màu xanh của hòa bình bền vững 

Tầm nhìn về Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng đoàn kết và tự cường, mang lại cho người dân một cuộc sống an bình trong môi trường hài hòa. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa qua 5 đặc trưng, đó là một ASEAN vận hành theo luật lệ trên cơ sở tuân thủ triệt để các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử hòa bình giữa các quốc gia và thúc đẩy các giá trị như về dân chủ, pháp quyền, quản trị theo tinh thần thống nhất trong đa dạng; một ASEAN tự cường với khả năng ứng phó hiệu quả và kịp thời với các thách thức; một ASEAN đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm chung, đóng vai trò chủ đạo trong các vấn đề chiến lược ở khu vực; một ASEAN rộng mở tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác, tích cực tham gia và đóng góp vào các vấn đề toàn cầu; và một ASEAN với thể chế hiệu quả để luôn nhạy bén và chủ động trước các cơ hội và thách thức trong thập kỷ tới.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Màu vàng của thịnh vượng lâu dài

Liên kết kinh tế ASEAN sẽ sôi động và sâu sắc hơn trong thập kỷ tới nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2025 với 5 đặc trưng, đó là một nền kinh tế thống nhất và liên kết cao với các cam kết sâu hơn về thương mại hàng hóa, dịch vụ, sự lưu chuyển của đầu tư, lao động lành nghề, doanh nhân và vốn; một nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh thúc đẩy tăng trưởng theo năng suất, sáng tạo và ứng dụng công nghệ, tri thức trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; một nền kinh tế tăng cường kết nối và liên kết theo ngành với các chính sách hội nhập sâu rộng hơn trong 9 ngành trọng điểm là giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, năng lượng, thực phẩm và nông-lâm nghiệp, du lịch, chăm sóc sức khỏe, khoáng sản và khoa học công nghệ; một cộng đồng tự cường và chú trọng tới người dân với trọng tâm là mang lại phát triển kinh tế đồng đều thông qua việc tăng cường vai trò của các doanh nghiệpsiêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), khu vực tư nhân, đối tác công-tư, thu hẹp khoảng cách phát triển và sự góp sức của các nhóm/giới khác cho các nỗ lực hội nhập khu vực; và một ASEAN toàn cầu sẽ hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do và các Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện (FTAs/CEPs) cùng với vai trò và tiếng nói chung được tăng cường tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN: Màu đỏ của hạnh phúc đủ đầy

Những mục tiêu văn hóa - xã hội đề ra đến năm 2025 thể hiện đậm đà tính nhân văn của một Cộng đồng ASEAN tận tâm vì người dân qua 5 đặc trưng, đó là một cộng đồng gắn kết với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp trong xã hội; một cộng đồng dung nạp mang lại lợi ích thiết thực và các cơ hội phát triển đồng đều hơn cho người dân và bảo đảm tốt hơn các quyền lợi của người dân; một cộng đồng bền vững nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả thế hệ hôm nay và mai sau; một cộng đồng tự cường sẽ bảo vệ tốt nhất cho người dân trước các thách thức, kể cả trong những trường hợp xảy ra thiên tai hay thảm họa; và một cộng đồng năng động khuyến khích và tạo điều kiện cho sự nghiệp “học tập suốt đời”, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên nền tảng bản sắc chung của ASEAN vừa để quảng bá giá trị ASEAN qua các “thương hiệu” ASEAN vừa đóng góp làm giàu thêm các giá trị toàn cầu.

ASEAN 2025: Những điểm nhấn quan trọng

Một bức tranh thành công thu hút người xem khi tạo được những điểm nhấn đặc biệt. Tầm nhìn ASEAN 2025 nhận được sự quan tâm của người dân ASEAN và cộng đồng quốc tế cũng chính bởi những kỳ vọng và sự trông chờ về những thay đổi mà Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại trong thời gian tới.

 Người dân - tâm điểm của mọi chính sách

Mục tiêu hình thành một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN năm 2007 và nhiều tuyên bố chính trị sau đó. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 xác định một cách hệ thống và cụ thể các nội hàm của mục tiêu này với sự lưu tâm đầy đủ và thấu đáo tới mọi khía cạnh đời sống của người dân nói chung, từ những vấn đề bao quát, rộng lớn như duy trì môi trường hòa bình, không có chiến tranh hay xung đột, những vấn đề ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cho tới những vấn đề thường nhật như học tập, việc làm, du lịch, đi lại, tiêu dùng.

Tầm nhìn ASEAN 2025 và hàng trăm biện pháp đề ra trong các Kế hoạch Tổng thể của 3 trụ cột sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cụ thể, chạm tới mọi tầng lớp trong xã hội. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng và chi phí phù hợp với mình. Học sinh, sinh viên, kỹ sư hay doanh nhân có thể tìm thấy các cơ hội học tập, giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các nhóm yếu thế sẽ luôn được quan tâm, thúc đẩy và bảo vệ. Lao động lành nghề trong 8 lĩnh vực đã có thỏa thuận công nhận lẫn nhau (kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch) có cơ hội trải nghiệm việc làm tại tất cả các nước trong ASEAN và có thể kỳ vọng trong tương lai rằng các thỏa thuận như vậy sẽ tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng sang nhiều ngành nghề khác.

Song song với mang lại lợi ích cho người dân, Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng thúc đẩy sự tham gia, cam kết và trách nhiệm của người dân trong tiến trình xây dựng Cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả người dân trong khu vực cảm nhận được sự hiện hữu của Cộng đồng ASEAN, sự gắn bó với Cộng đồng ASEAN và ý thức mình là thành viên của Cộng đồng ASEAN. Theo đó, trong 10 năm tới, người dân ASEAN sẽ được tạo điều kiện tham gia từ khâu định hình chính sách, đánh giá chính sách, xây dựng chương trình triển khai cũng như phản hồi về tác động của chính sách. Sự tham gia trên tinh thần trách nhiệm cũng sẽ giúp gắn kết người dân với nhau và với Cộng đồng ASEAN, tạo nền tảng cho một bản sắc chung ASEAN đậm đà và bền vững.   

Luật lệ - nền tảng cho hoạt động của Cộng đồng ASEAN

Bất kỳ xã hội nào cũng cần pháp luật để vận hành có trật tự và nề nếp. Hợp tác ASEAN từ những buổi đầu thành lập đều dựa trên thiện chí và dần đi vào khuôn khổ sau khi có Hiến chương ASEAN, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về văn hóa thực thi trong ASEAN. Bước vào giai đoạn phát triển mới với tên gọi mới Cộng đồng ASEAN đòi hỏi ASEAN phải nâng cao hơn nữa yếu tố luật lệ và mức độ ràng buộc về pháp lý trong các hoạt động của Cộng đồng để sợi dây liên kết giữa các nước thành viên được bền chặt hơn. Xây dựng một Cộng đồng ASEAN vận hành theo luật lệ sẽ tiếp tục là định hướng xuyên suốt của ASEAN trong 10 năm tới và những năm tiếp theo.

Trong chính trị-an ninh, ASEAN sẽ tiếp tục đề cao và nhân rộng giá trị của các chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không Vũ khí Hạt nhân (SEANFWZ), Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xem xét, hình thành một văn kiện ràng buộc pháp lý về quan hệ ứng xử giữa các quốc gia ở cả trong và ngoài khu vực. Các nguyên tắc về dân chủ, pháp quyền, quản trị, liêm chính sẽ được lan tỏa và lồng ghép vào chính sách và thực tiễn hoạt động của Cộng đồng ASEAN để thu hẹp dần khác biệt và gia tăng sự tương đồng trong nhận thức giữa các nước thành viên. Trong kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc và quy định về quản trị tốt và minh bạch, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp sẽ là nội dung ưu tiên của trụ cột này trong thời gian tới. Trong văn hóa-xã hội, ASEAN sẽ dần thể chế hóa việc tham vấn với người dân trong tất cả các khâu hoạch định chính sách, bảo đảm tốt hơn sự tham gia cũng như lợi ích sẽ mang lại cho người dân trong tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Nâng cao vai trò, vị thế và đóng góp ở cả khu vực và toàn cầu

Theo đuổi chính sách hướng ngoại và rộng mở, ASEAN vẫn được xem là kì tích về một tập hợp các nước vừa và nhỏ đã thu hút thành công  những đối tác quan trọng bậc nhất ở toàn cầu tham gia và đóng góp vào hợp tác ở khu vực. Nhưng theo logic thông thường, thành phần tham gia càng đa dạng, luật chơi càng phức tạp, và sân chơi ASEAN vì thế đầy hấp dẫn nhưng không ít thách thức. Do vậy, thành công của ASEAN cũng như thành công của mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý hài hòa tất cả các mối quan hệ giữa các nước ở khu vực. Trong bối cảnh đó, ASEAN đạt nhất trí cao rằng sẽ tiếp tục củng cố vững chắc đoàn kết, thống nhất, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm, tiếng nói chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý các vấn đề chiến lược, trong quan hệ với các đối tác và trong định hình cấu trúc khu vực. 

Một điểm nhấn nữa trong chính sách hướng ngoại của ASEAN là tăng cường đóng góp vào những vấn đề toàn cầu. Với thế và lực đang lên và vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực, ASEAN có đủ cơ sở và điều kiện để tham gia và mở rộng ảnh hưởng ở những không gian rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, khu vực này đã có sự hiện diện của hầu hết các thách thức an ninh phi truyền thống mà thế giới đang phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, di cư. Do đó, việc ASEAN tham gia đóng góp tích cực ở cấp độ toàn cầu, một mặt giúp ASEAN ứng phó và xử lý hữu hiệu hơn các vấn đề cấp bách đó, mặt khác nâng cao hình ảnh, uy tín và vị thế quốc tế của ASEAN.

Việt Nam trong ASEAN: Tiếp tục đồng hành tới tương lai

20 năm tham gia ASEAN đã đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích to lớn và thiết thực, phục vụ trực tiếp sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như tạo cầu nối cho các nỗ lực hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. 20 năm tham gia cũng ghi nhận nhiều dấu ấn đóng góp đậm nét của Việt Nam cho sự phát triển lớn mạnh của ASEAN và gần đây nhất, trong quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, chúng ta đã tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực và sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm hàng đầu trong nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đứng trước nhiều vận hội mới nhưng cũng không ít trở ngại cần vượt qua. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta lúc này là chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết vì tương lai phát triển của ASEAN và cũng là của Việt Nam.

Hành trang về nhận thức. Đây là hành trang quan trọng nhất bởi chỉ khi có được nhận thức chung của tất cả các nhóm, các giới và người dân nói chung về tầm quan trọng và lợi ích của việc tham gia ASEAN, chúng ta mới khơi dậy sự quan tâm và huy động sự tham gia rộng rãi và đóng góp tích cực của cả xã hội đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. 

Hành trang về thể chế. 20 năm tham gia ASEAN đã giúp chúng ta xây dựng được một bộ máy các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong thời gian tới với tính chất liên ngành và đa ngành ngày càng tăng đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hơn bộ máy tổ chức với sự phân công, phân nhiệm rõ ràng hơn và cơ chế phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng. Cùng với đó là việc rà soát các cam kết, thỏa thuận hợp tác trong ASEAN để có điều chỉnh kịp thời về quy định, chính sách, biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các thỏa thuận của ASEAN. Đây là những yếu tố quyết định hiệu quả “hai chiều” trong tham gia hợp tác ASEAN, tức là mức độ chúng ta tận dụng các cơ hội và lợi ích mang lại và mức độ chúng ta hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một thành viên.

Hành trang về nguồn lực. Hợp tác ASEAN rất đa dạng với hơn 800 cơ chế và 1300 cuộc họp/năm. Các yếu tố nguồn lực và nhân lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm và nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN. Việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và các thỏa thuận hợp tác trong ASEAN đòi hỏi đầu tư và phân bổ phù hợp nguồn lực. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ đáp ứng được các yêu cầu về tham mưu, xây dựng chính sách và dày dạn kinh nghiệm, tham gia chủ động, tích cực và phát huy vai trò dẫn dắt, định hình luật chơi trong những vấn đề quan trọng.

Hành trang về thông tin. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần được cập nhật thông tin về các chính sách, thỏa thuận và cam kết của ASEAN, về những cơ hội và thách thức sẽ đặt ra để có sự chuẩn bị tốt nhất. Công tác tuyên truyền cũng sẽ giúp đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với người dân và trở thành một phần gắn bó với cuộc sống của mỗi người dân.

Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Những nỗ lực và thành công của ASEAN trong suốt nửa thế kỷ qua để vun đắp nên dấu mốc lịch sử này sẽ được phát huy trên chặng đường 10 năm tới và xa hơn nữa. So với nửa thế kỷ của ASEAN, 20 năm tham gia của Việt Nam không phải là quãng thời gian dài, nhưng tạo những cơ sở để chúng ta có thể tin rằng Cộng đồng ASEAN sẽ ngày một vươn xa và trong hành trình ấy, Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng ASEAN vì một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn khu vực.