25/04/2024 lúc 16:07 (GMT+7)
Breaking News

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội theo hướng hiện đại

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh vùng miền, thổ nhưỡng; xây dựng các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo nhu cầu thị trường… là những giải pháp mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tích cực triển khai. Việc tái cơ cấu mạnh mẽ đã tạo bước đột phá mới giúp ngành Nông nghiệp Thủ đô duy trì tăng trưởng, hướng đến hiện đại, khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh vùng miền, thổ nhưỡng; xây dựng các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo nhu cầu thị trường… là những giải pháp mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tích cực triển khai. Việc tái cơ cấu mạnh mẽ đã tạo bước đột phá mới giúp ngành Nông nghiệp Thủ đô duy trì tăng trưởng, hướng đến hiện đại, khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha đến 300ha/vùng) với tổng diện tích hơn 40.000ha; 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ; gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao… Hiện tại, diện tích cây ăn quả của thành phố đã lên tới 21.800ha, tăng 5.180ha so với năm 2017, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản, đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu… Mặt khác, việc tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất. Hà Nội đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hà Nội Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có sự chuyển dịch lớn. Từ việc đầu tư chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, sản lượng thịt lợn, gia cầm, thủy sản bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường. Đáng chú ý, từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố đã có 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi…

Để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Theo đó, Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn...

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho hay: Thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha. Cùng với đó là mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; hoa, cây cảnh từ 8.500ha lên 9.000ha. Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150-160 nghìn con, đàn lợn lên 1,8-2 triệu con...; đồng thời trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương. Thành phố cũng sẽ chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích chăn nuôi thủy sản từ 24.000ha đến 25.000ha, trong đó diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như trắm đen, cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh…

Trong đó huyện Đông Anh đã quy hoạch 2 vùng sản xuất cơ bản. Vùng phía Tây phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, chuyên canh hóa những sản phẩm gắn với nhu cầu đô thị như: Rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả… Vùng phía Đông phát triển nông nghiệp gắn với ngành nghề nông thôn. Huyện sẽ xây dựng chính sách tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những khu vực có diện tích lớn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân thuê lại để tổ chức sản xuất.

Về huyện Ứng Hòa, huyện tiếp tục chủ động tích cực chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung. Huyện cũng tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa có giá trị, chất lượng cao; sản xuất rau an toàn...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác... Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, thời gian tới, Hà Nội sẽ tạo đột phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.