29/03/2024 lúc 08:41 (GMT+7)
Breaking News

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

VNHN - Hơn 5 năm kể từ khi Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi chính thức được phê duyệt, thực hiện; tuy đã đạt một số thành công nhất định, song trong quá trình triển khai còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

VNHN - Hơn 5 năm kể từ khi Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi chính thức được phê duyệt, thực hiện; tuy đã đạt một số thành công nhất định, song trong quá trình triển khai còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Ảnh minh họa

Nhiều thách thức được đặt ra

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, song theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi nước ta hiện phải đối mặt nhiều thách thức như: Quy hoạch chăn nuôi ở một số nơi vẫn mang tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu tái cơ cấu. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn khá cao, chăn nuôi trang trại có xu hướng phát triển nhưng vẫn còn tự phát. Số lượng nông dân tham gia chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn lớn, với gần 13 triệu hộ, khiến khả năng áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm gặp khó khăn.

Không chỉ có vậy, theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương, cơ cấu chăn nuôi hiện mất cân đối khi lợn chiếm khoảng 70%, gia cầm khoảng 21%, gia súc ăn cỏ khoảng 9%; trong khi đó ở các nước phát triển, lợn chỉ chiếm từ 20 - 25%, gia cầm khoảng 40% và gia súc ăn cỏ từ 30 - 35%. Năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi (SPCN) còn thấp so với nhiều nước trên thế giới; thí dụ năng suất nuôi lợn, gà của Việt Nam chỉ bằng hai phần ba so với Ðan Mạch rất khó cạnh tranh. Chất lượng và công tác quản lý một số giống vật nuôi còn hạn chế. Phân khúc chế biến và thị trường chưa được chú trọng, thiếu sự kết nối và điều hành tổng thể, việc phân phối - tiêu thụ SPCN còn yếu

Việc Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TĂCN và NL) từ các nước khác cũng là một trong những tác nhân khiến giá SPCN cao hơn so với nhiều quốc gia khác. 

Một vấn đề nữa là từ tháng 2 đến nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành. Hiện toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước xuất hiện dịch, số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 4,7 triệu con, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với lĩnh vực chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. 

 Cần quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp

Ðể ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới mong tháo gỡ được những "nút thắt" nội tại của ngành.

Cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, bảo đảm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường. Ở những vùng có điều kiện phát triển nuôi con khác thì chuyển đổi, không nhất thiết phải chăn nuôi lợn. Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, tới đây sẽ thực hiện chiến lược cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi lợn, tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, hươu, cừu…) theo hình thức trang trại, công nghiệp.

Tiếp tục tái cơ cấu về giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu đi kèm với chất lượng; tăng cường các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) để bảo vệ đàn lợn, nhất là đàn giống lợn cụ kỵ, ông bà, bố mẹ, phục vụ công tác tái đàn sau khi khống chế được DTLCP.

Khuyến khích hộ chăn nuôi tiếp tục tham gia chuỗi, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào (con giống, thuốc thú y, TĂCN), giết mổ, chế biến và các đơn vị bán lẻ. Sự kết hợp này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tại các khâu trong chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chăn nuôi "sạch", truy xuất được nguồn gốc và đầu ra. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn theo tín hiệu thị trường, lấy doanh nghiệp (DN) làm hạt nhân.

Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng bộ phận tập hợp các chuyên gia hiểu biết sâu về sự biến động của thị trường chăn nuôi, dự đoán diễn biến thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp khi giá SPCN biến động. Ðồng thời, tuyên truyền để người nông dân trước khi đầu tư mở rộng chăn nuôi biết được sản phẩm làm ra bán thế nào, giá thành bao nhiêu. Có thêm các chính sách hỗ trợ để thu hút sự tham gia của các DN, trang trại lớn, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tuyên truyền lợi ích chăn nuôi ATSH cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, sớm xem xét lại quy hoạch phát triển ngành TĂCN, cân đối giữa diện tích trồng lúa và diện tích trồng ngô, nguồn nguyên liệu chính để làm TĂCN. Hướng đến sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng lựa chọn DN phù hợp tình hình chăn nuôi ở khu vực để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy sản xuất TĂCN để hưởng ưu đãi về giá, không phải qua khâu trung gian, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành TĂCN, nâng khả năng cạnh tranh. Tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm các phân khúc thị trường. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại hệ thống giết mổ, để từng bước làm tốt khâu chế biến, tạo thói quen cho người chăn nuôi, người giết mổ, chế biến thực phẩm nói không với hóa chất công nghiệp trong SPCN. Kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và giám sát tồn dư hóa chất, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, trứng, sữa và mật ong. Ðẩy mạnh xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản; đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn, sữa chính ngạch và ổn định hơn.

Nếu làm tốt những giải pháp nêu trên cùng với Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật có hiệu lực từ năm 2020 sẽ tạo hành lang pháp lý, điều kiện thông thoáng cho các DN, người dân sản xuất chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả hơn; cùng sự liên kết chặt chẽ giữa: Nhà nông - Nhà nước - nhà đầu tư - nhà khoa học - nhà phân phối - ngân hàng, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục có điều kiện tăng trưởng, tiến tới phát triển bền vững.