29/03/2024 lúc 18:06 (GMT+7)
Breaking News

Sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính: Đề xuất tăng mức trần phạt tiền theo lĩnh vực phải có đủ căn cứ

VNHN - Trao đổi về đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 42, có ý kiến cho rằng quy định này cần được cân nhắc làm rõ căn cứ thực tiễn, khoa học và tổng kết, đánh giá tác động một cách đầy đủ.

VNHN - Trao đổi về đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 42, có ý kiến cho rằng quy định này cần được cân nhắc làm rõ căn cứ thực tiễn, khoa học và tổng kết, đánh giá tác động một cách đầy đủ.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung sửa đổi của dự án Luật là đề xuất tăng mức phạt tối đa ở một số lĩnh vực.  

Sửa đổi theo đề xuất của các Bộ

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực gồm giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực: Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực: tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng) và sửa đổi tên của một số lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Lý giải về việc sửa đổi, bổ sung nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết về tăng phạt, chủ yếu là theo đề xuất của các bộ. Bộ Tư pháp cho rằng, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực và mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm cơ bản đã phù hợp với tình hình đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Nhưng thực tế áp dụng thời gian qua cho thấy, trong một số lĩnh vực thì mức phạt tiền đối với từng hành vi còn chưa tương xứng tính chất, mức độ hậu quả vi phạm.

Qua tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành cho thấy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 80.000.000 đồng với cá nhân, đồng thời điều chỉnh tỉ lệ % phạt tiền so với mức phạt tiền tối đa của các chức danh. Lý giải cho đề xuất này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng hiện nay mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40.000.000 đồng đối với cá nhân, mức xử phạt này thấp hơn so với mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ không ít nguy hiểm hơn so với hai lĩnh vực nêu trên. Mặt khác, theo quy định các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức phạt tiền rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh (đây là các chức danh trực tiếp chỉ đạo lực lượng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trên đường) dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt, làm chậm và phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung tăng mức xử phạt vi phạm hành để tăng tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm trong một số lĩnh vực đặc biệt liên quan đến sức khỏe con người, đạo đức xã hội như: mỹ phẩm, dược, trang thiết bị y tế, bảo hiểm xã hội, lao động, an toàn, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đề nghị tăng mức xử phạt tối đa là 100 triệu đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực báo chí lên 250.000.000 đồng do mức phạt hiện nay là thấp, chưa tương xứng với mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật về báo chí.

Bộ Xây dựng: Mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực đất đai là 500.000.000 đồng, tuy nhiên mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 150.000.000 đồng là chưa tương xứng với mức độ, hậu quả vi phạm, chưa bảo đảm sức răn đe, đặc biệt các dự án kinh doanh bất động sản lớn. Kiến nghị tăng mức phạt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại điểm e khoản 1 Điều 24 lên 500.000.000 đồng.

Bộ Công an đề nghị nghiên cứu tăng mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực như giao thông đường bộ, môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.v.v… nhằm bảo đảm tính răn đe, giáo dục, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Bộ Quốc phòng để nghị bổ sung quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới quốc gia đến 01 tỷ đồng.

Chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tối đa trong dự thảo Luật

Qua xem xét hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình có thể nhận thấy ngoài những ý kiến đề xuất cụ thể của các Bộ thì các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa. Đề cương dự thảo Luật khi Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Báo cáo đánh giá tác động không có nội dung này. Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ dự án Luật chỉ nêu chung chung là “để bảo đảm tính răn đe, giáo dục”, “tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm”….

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 26

Qua thẩm tra, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

Thực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt vi phạm hành chính là thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm hành chính  phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính  gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Hơn nữa, một số góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.

Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.

Cần tổng kết, đánh giá các lĩnh vực áp dụng hết mức trần Luật cho phép

Trao đổi với phóng viên về đề xuất này của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền bày tỏ quan điểm đối với những lĩnh vực được đề xuất tăng mức trần phạt tiền cần phải được xem xét đầy đủ căn cứ cả về thực tiễn và khoa học. Hiện nay, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định về mức trần phạt tiền và Chính phủ đã ban hành các Nghị định để cụ thể hóa từng lĩnh vực.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để có căn cứ xem xét, Chính phủ cần phải có tổng kết đánh giá thi hành từng Nghị định, từng lĩnh vực để chỉ rõ những vướng mắc, lĩnh vực nào mức trần quá thấp không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, không bảo đảm tính răn đe. Đồng thời cũng phải chỉ rõ các văn bản cụ thể hóa Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định hết mức trần mà Luật cho phép hay chưa.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng Chính phủ cần có thêm số liệu tổng kết, đánh giá việc xử phạt trong thời gian qua, cụ thể có bao nhiêu trường hợp vi phạm hành chính đã bị xử phạt ở mức tối đa, đã thực hiện đầy đủ hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả nhưng vẫn không hiệu quả, khi đó mới đề xuất sửa đổi.

Trao đổi về ý kiến cho rằng cần thiết tăng mức phạt tiền dẫn từ hiệu quả của Nghị định 100/2019/NĐ - CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng phân tích mặc dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng mức phạt tối đa đối với nhiều hành vi nhưng vẫn nằm trong mức trần mà Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định.

Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông quy định. Trong đó, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Trong khi đó, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là  40.000.000 đồng, đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, vấn đề là ở các hướng dẫn chi tiết thi hành Luật của Chính phủ đã sử dụng hết mức phạt trần mà Luật cho phép hay chưa. Thời gian vừa qua, một số hành vi quấy rối tình dục gây bức xúc trong dư luận nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng là do Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” (điểm a khoản 1 Điều 5). Trong khi quy định đối với hành vi quấy rối tình dục thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì có thể quy định phạt đến 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng lưu ý, trước thực trạng phần lớn các quyết định xử lý vi phạm hành chính không thi hành được thì việc sửa đổi các quy định cần được xem xét, đánh giá giữa tính khả thi, hiệu quả xử lý với thực tiễn chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân. Khi xử phạt với mức độ cao nhưng khả năng thực thi, chấp hành ở mức độ nào cũng cần được đánh giá.

Mặt khác, xử phạt tiền là một hình phạt trong khi xử phạt vi phạm hành chính không chỉ có hình phạt tiền mà còn các hình phạt chính, hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, tước giấy phép hành nghề hay buộc khắc phục hậu quả… mà ở một số lĩnh vực thì các hình phạt này có tính răn đe, nghiêm khắc hơn cả hình phạt tiền.

Nhấn mạnh việc sửa quy định về mức trần phạt tiền là đặt ra cho cả một giai đoạn dài sau này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng đề xuất tăng mức trần phạt tiền theo lĩnh vực cần được giải trình cụ thể./.