20/04/2024 lúc 12:12 (GMT+7)
Breaking News

Sự việc ở Chư Sê cần sự nghiêm minh của pháp luật và trách nhiệm của các cấp quản lý

VNHN – Hiện nay số người gửi đơn tố cáo bà Phạm Thị Dung có dấu hiệu lừa dối, chiếm đọat tài sản, đã lên đến hàng chục người, với nhiều tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được chính quyền và cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng. Phải chăng vì tín nhiệm, lòng tốt đặt nhầm chỗ mà bao người phải lâm vào cảnh cùng quẫn, khó khăn ? Còn những kẻ được ban ơn vẫn nhởn nhơ hưởng thụ ngoài vòng pháp luật. Công lý tới khi nào mới được thực hiện ở Chư Sê ?

VNHN – Hiện nay số người gửi đơn tố cáo bà Phạm Thị Dung có dấu hiệu lừa dối, chiếm đọat tài sản, đã lên đến hàng chục người, với nhiều tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được chính quyền và cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng. Phải chăng vì tín nhiệm, lòng tốt đặt nhầm chỗ mà bao người phải lâm vào cảnh cùng quẫn, khó khăn ? Còn những kẻ được ban ơn vẫn nhởn nhơ hưởng thụ ngoài vòng pháp luật. Công lý tới khi nào mới được thực hiện ở Chư Sê ?

Nhà xe Thu Trang và khách sạn Gia Huy do vợ chồng bà Phạm Thị Dung điều hành

Liệu rằng sự việc này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?

Trong bài “Gia Lai: Phòng giao dịch Chư Sê, ngân hàng BIDV có tiếp tay để thất thoát tiền của nhà nước?”, Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã nêu về sự việc của bà Vũ Thị Toan và chồng là ông Đinh Công Tắc có đơn tố cáo bà Phạm Thị Dung và chồng là ông Trịnh Văn Dũng, bà Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung) và chồng là ông Phan Văn Khải, cùng một số cán bộ ngân hàng đang làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung trong bài viết nêu rõ những dấu hiệu hành vi lừa dối của bà Phạm Thị Dung và bà Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung).  Bà dung thống nhất với bà Toan, ông Tắc là: “Bà Toan, ông Tắc đồng ý thế chấp tài sản để bảo lãnh cho bà Phạm Thị Dung vay số tiền 300 triệu đồng tại ngân hàng BIDV”. Nhưng bà Dung đã lừa dối bà Toan, ông Tắc ký vào hợp đồng với nội dung “bảo lãnh cho bà Phạm Thị Bảy vay 1,8 tỷ”, không đúng với ý chí của bà Toan, ông Tắc. Bà Toan, ông Tắc đã cung cấp chứng cứ để chứng minh bà bị lừa dối. Trong khi chủ sở hữu tài sản không hề biết, vậy nhưng Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Gia Lai – phòng giao dịch Chư Sê vẫn giải ngân. Ngoài ra, bà Toan còn tố cáo Ngân hàng BIDV cung cấp cho tòa án tài liệu giả (biên bản họp gia đình) để hợp thức hóa nội dung lừa dối trong hợp đồng bảo lãnh. Đến nay ngân hàng đang khởi kiện, chủ sở hữu có nguy cơ mất nhà, ngân hàng có nguy cơ mất tiền. Còn người lừa dối và người được ủy quyền cho vay thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chiêu trò cũ - nỗi đau mới…

Bên cạnh việc nhận được đơn thư của gia đình bà Toan tố cáo bà Phạm Thị Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tòa soạn Tạp chí Việt Nam Hội nhập tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của người dân trên địa bàn huyện Chư Sê và một số huyện lân cận kêu cứu, tố cáo bà Phạm Thị Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cùng thủ đoạn hết sức tinh vi, và số lượng đã lên tới hàng chục gia đình, với số tiền và tài sản trị giá nhiều tỷ đồng, khiến nhiều gia đình nơi đây đang lâm vào cảnh khó khăn, khổ sở.

Hơn nữa, việc bà Dung thực hiện hành vi này không phải chỉ một lần với một đối tượng mà nhiều lần với nhiều đối tượng khác nhau. Cơ quan Công an điều tra đã mở rộng điều tra vấn đề này hay chưa ? Mặc dù có rất nhiều người dân bị bà Phạm Thị Dung lừa đã gửi đơn thư tố cáo đến chính quyền và các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu sao cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Đơn thư kêu cứu của bà Nguyễn Thị Kiều Sương

Cụ thể như bà Phạm Thị Kiều Sương (trú tại 958 Đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) gửi đơn tố cáo bà Phạm Thị Dung có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đơn thư tố cáo, ngày 21/01/2017 (tức ngày 24/12 âm lịch, giáp tết) bà Dung đề cập với bà Kiều Sương đưa tiền cho bà Dung để mua số lượng hàng theo thỏa thuận là 2.158.300.000 đồng, nhưng bà Dung không giao hàng theo đúng thời hạn. Bà Kiều Sương nhiều lần gọi điện để đòi hàng nhưng không được. Bà Dung hẹn từ ngày này qua ngày khác, cũng không thấy trả lại hàng hay tiền cho bà Sương. Bà Kiều Sương còn cho biết thêm, trong một lần bà Kiều Sương một mình tới nhà bà Dung để hỏi về việc trên thì bị chồng bà Dung là ông Trịnh Văn Dũng hành hung, xông vào bóp cổ bà Kiều Sương, chính người giúp việc nhà bà Dung can ngăn và chứng kiến mọi sự việc.

Gia đình bà Đặng Thị Lê (trú tại thôn Hòa Phú, thị trấn Nhơn Hòa, Gia Lai) cũng là nạn nhân bị bà Phạm Thị Dung lừa. Bà Lê với bà Dung có quen biết do cùng buôn nông sản trước đó. Bà Lê có đưa tiền cho bà Dung để mua nông sản số tiền là 995.750.000 đồng, nhưng sau đó bà Dung không trả hàng cũng không trả tiền.

Đơn thư kêu cứu của chị Đỗ Thị Ngọc Hằng

Chị Đỗ Thị Ngọc Hằng (trú tại 05B – đường Wừu – Chư Sê – Gia Lai) gửi đơn kêu cứu, tố cáo bà Phạm Thị Dung cũng lừa dối, chiếm đoạt tài sản. Bà Dung có quen biết với mẹ của chị Hằng là bà Trần Thị Lệ. Qua bà Lệ, bà Dung vay chị Hằng số tiền 1,9 tỷ đồng để kinh doanh, sau đó cũng không trả.

Sau những sự việc trên, bà Kiều Sương, bà Lê, chi Hằng có gửi đơn tố cáo bà Phạm Thị Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản tới cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay đều chưa được giải quyết thỏa đáng.

Không giao hàng cũng không trả lại tiền, sự việc đó cho đến nay nhiều năm rồi vẫn chưa được giải quyết. Cơ quan điều tra công an huyện Chư Sê đã điều tra như thế nào đối với những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tương đối rõ ràng này ?

Nước mắt bao giờ mới thôi rơi?

Tất cả những người bị hại gửi đơn kêu cứu đều có mối quan hệ lòng tin với vợ chồng bà Dung, sau đó bị vợ chồng bà Dung dụ dỗ đưa vào vòng luẩn quẩn này, cuối cùng là tiền mất tật mang; nhiều gia đình thông qua sự lèo lái của bà Dung, đã đưa tài sản của mình vào ngân hàng để thế chấp đến nay không lấy lại được.

Chính vì những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng lòng tin của bà Phạm Thị Dung đã khiến cho rất nhiều người dân phải sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần chồng chất, phải bán nhà đi để trả nợ, ruộng nương cũng không còn…Trong khi đó, bà Dung (là con nợ) lại đang sống một cuộc sống sung túc, đầy đủ, còn những người dân kia (là chủ nợ) lại phải sống trong cảnh “gối rách áo ôm”. Thử hỏi: công bằng ở đâu? Công lý ở đâu? Chính quyền địa phương đã thật sự quan tâm đến đời sống của người dân hay chưa ?

Chị Đỗ Thị Ngọc Hằng cùng bà Trần Thị Lệ (mẹ) kể lại sự việc với PV

Chỉ vì đặt lòng tin vào bà Dung mà biết bao người lâm vào cảnh họa nạn. Chị Đỗ Thị Ngọc Hằng, người bị lừa mất số tiền 1,9 tỷ đồng. Hoàn cảnh gia đình của chị Hằng hiện hết sức khó khăn, chồng bị tai nạn gãy chân, một mình chị là lao động chính trong gia đình quanh năm với việc nương rẫy, tự cáng đáng mọi thứ để nuôi 4 đứa con thơ, cháu nhỏ nhất mới chỉ 7 tháng tuổi. Vừa rồi chị đã phải bán nhà để trả nợ và hiện giờ phải ở nhà đi thuê.

Được biết hoàn cảnh gia đình của bà Lê cũng rất khó khăn. Chồng bà mất cách đây 5 năm, một mình bà nuôi 6 người con với khoản nợ hiện nay còn thiếu là gần 1 tỷ đồng, không có khả năng trả. Công việc chính của bà là bán thuốc nam và làm thuê, ai thuê làm gì bà làm cái đó. Trước đó, con của bà Lê đã phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền. Năm nay bà đã phải bán căn nhà đang ở để trả nợ và sửa sang lại nhà kho để làm nơi ở tạm bợ.

Bà Đỗ Thị Thanh Mai và chồng

Thương tâm hơn là gia đình bà Đỗ Thị Thanh Mai (trú tại 341 Hùng Vương – thị trấn Chư Sê – huyện Chư Sê – tỉnh Gia Lai), số tiền 310 triệu đồng bà chắt chiu, không dám ăn, không dám mặc, dành dụm để xây nhà cũng bị bà Phạm Thị Dung lừa vay không trả. Hoàn cảnh gia đình bà Mai hết sức éo le, chồng bị tật cả hai tay không thể lao động, lại thường xuyên ốm đau, cậu con trai bị bệnh tâm thần đã hơn chục năm nay, không có khả năng lao động, nên mọi gánh nặng đều chất lên đôi vai của bà. Bà Mai chủ yếu chỉ chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn để nuôi cả gia đình. Căn nhà ọp ẹp đợi bà Dung trả tiền để tu sửa lại cũng trong vô vọng. Bà Mai tâm tình: “Thấy nhiều người cũng bị bà Dung lừa, số tiền lớn gấp mấy lần mình mà chính quyền cũng không ai giải quyết, cho nên tôi cũng chịu vậy, không gửi đơn tố cáo vì không biết kêu ai”. Với bà Phạm Thị Dung có thể số tiền đó không đáng là bao, nhưng với một người phụ nữ cùng cực như bà Mai, phải chăm lo miếng cơm, manh áo cho cả gia đình thì đó là cả một gia tài lớn bị mất đi.

Ngoài ra, còn rất nhiều gia đình khác cũng bị bà Dung chiếm dụng, như gia đình bà Đinh Thị Thúy, bà Vũ Thị Chín, Nhữ Thị Luận... có lần bà Thúy đến nhà bà Dung đòi tiền thì bị vợ chồng bà Dung dùng dép ném, mắng chửi, đuổi về.

Theo thông tin từ chính quyền cho biết, vợ chồng bà Phạm Thị Dung hiện nay đang kinh doanh nhiều xe vận tải và hệ thống nhà nghỉ, khách sạn. Đến nay, các hoạt động đó vẫn đang hoạt động bình thường. Vậy không có lý nào bà Dung lại không đủ khả năng trả nợ ? Hơn nữa, đây là trách nhiệm, là đạo lý, là lương tâm con người, liệu xã hội, rối các cấp, các ngành và chính quyền có thể để mặc vậy sao ?

Động cơ của bà Dung ở đây là gì? Qua các vụ việc có thể thấy, bà Dung sử dụng cùng một hình thức, thủ đoạn tương tự như nhau để lừa lấy tiền của mọi người sau đó không trả. Cơ quan Công an địa phương đã điều tra, mở rộng điều tra và đi đến tận cùng của vụ việc có dấu hiệu lừa đảo này hay chưa ?

Từ rất nhiều vụ việc trên cho thấy có dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có hệ thống. Xin được nhắc lại, bà Dung không phải chỉ dùng thủ đoạn tinh vi này đối với một hay hai người mà con số bị bà Dung lừa lấy tiền lên đến hàng chục gia đình.

Để thông tin phản ánh khách quan, hai chiều, PV đã rất nhiều lần liên hệ với bà Phạm Thị Dung, ông Trịnh Văn Dũng (chồng bà Dung), bà Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung), ông Trịnh Văn Thanh (con trai bà Dung) – những người liên quan trực tiếp tới đơn thư tố cáo của người dân. Tuy nhiên, những ông bà trên đều né tránh. Phải chăng, những thông tin phản ánh của người dân hoàn toàn là sự thật nên các ông bà trên mới không dám gặp và trả lời cơ quan báo chí ?

Về sự việc trên, Cơ quan báo chí Việt Nam Hội nhập đã nhiều lần đặt lịch và làm việc với Cơ quan điều tra của Công an huyện Chư Sê, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai và phía Ngân hàng BIDV, nhưng vẫn chưa nhận được thông tin trả lời thỏa đáng. Lần sau cùng làm việc, Cơ quan điều tra huyện, tỉnh và ngân hàng đã hứa sẽ trả lời bằng văn bản về cho cơ quan báo chí. Vậy đề nghị phía cơ quan điều tra sớm có thông tin trả lời thỏa đáng để sự việc trên được sáng tỏ.

Đề nghị UBND tỉnh, HDND tỉnh, Ban kiểm tra Tỉnh ủy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Công an Tỉnh Gia Lai, cùng các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ vấn đề trên, đảm bảo tài sản của Nhà nước (Ngân hàng), lấy lại sự công bằng cho người dân, cũng như đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và ổn định tình hình an ninh, chính trị địa phương.

Với trách nhiệm của một cơ quan báo chí gắn nghiên cứu với thực tiễn thực thi pháp luật quản lý, chúng tôi cần có sự hợp tác nghiêm túc của các cơ quan, các cấp, các ngành ở Tỉnh Gia Lai và huyện Chư Sê (mà phóng viên đã đến và làm việc) trong sự việc đã nêu ở bài viết này để toà soạn trả lời đơn thư công dân trong thời gian sớm nhất./.