20/04/2024 lúc 19:00 (GMT+7)
Breaking News

Sự khác biệt giữa những nguy cơ xảy ra nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C và 2 độ C

Mức 0,5 độ C có thể là không nhiều, nhưng các chuyên gia về khí hậu cho rằng việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên 1,5 hay 2 độ C so với nhiệt độ trung bình ghi nhận vào thế kỷ 19 cũng gây ra những tác động rất khác biệt giữa sự sống và cái chết. 

Mức 0,5 độ C có thể là không nhiều, nhưng các chuyên gia về khí hậu cho rằng việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên 1,5 hay 2 độ C so với nhiệt độ trung bình ghi nhận vào thế kỷ 19 cũng gây ra những tác động rất khác biệt giữa sự sống và cái chết. 

Ảnh minh họa

Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ), nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C, số người phải đối mặt với các đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ tăng lên gấp đôi. Khoảng 250 triệu người nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Hiện tượng Bắc Băng Dương không có băng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, 10 năm một lần thay vì 100 năm một lần. 

Nhiệt độ cao nhất tại một số khu vực sẽ tăng 3 độ C nếu hành tinh nóng lên 1,5 độ C, và sẽ là 4 độ C nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C. Các đợt sóng nhiệt vốn xuất hiện 1 lần/1 thập kỷ hiện nay sẽ tăng gấp 4 lần nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và gần 6 lần ở mức tăng 2 độ C. Số người phải hứng chịu các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt ít nhất 1 lần trong 5 năm cũng tăng từ 14% nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C, và tăng lên 37% nếu tăng thêm 0,5 độ nữa.

Về các cơn bão, sự ấm lên toàn cầu sẽ gây ra nhiều mưa hơn tại những nơi ở vĩ độ cao hơn, phía Bắc và phía Nam của đường xích đạo, cũng như ở những vùng nhiệt đới và một số khu vực nhiệt đới gió mùa. Trong khi đó, lượng mưa ở những vùng cận nhiệt đới có thể giảm đi, làm tăng nguy cơ hạn hán. Hiện nay, hiện tượng mưa cực đoan đã tăng gấp 1,3 lần và cường độ mạnh hơn 7% so với thời điểm trước khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên. Nếu Trái Đất nóng lên 1,5 độ C, hiện tượng mưa cực đoan, mưa tuyết hay những hiện tương mưa bất thường khác sẽ tăng 1,5 lần và cường độ mạnh hơn 10%.

Tại những khu vực dễ bị hạn hán, các đợt khô hạn sẽ tăng gấp 2 lần nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, và gấp 4 lần nếu tăng ở mức 4 độ C. Nếu giới hạn được sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, thế giới có thể ngăn chặn được kịch bản thêm 200-250 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Hạn chế được tình trạng hạn hán có thể giảm nguy cơ xảy ra các thảm họa liên quan như cháy rừng.

Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, 7-10% đất nông nghiệp sẽ không còn canh tác được nữa. Năng suất cây trồng cũng sẽ giảm, sản lượng ngũ cốc những vùng nhiệt đới ước tính giảm 3% nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C và giảm 7% nếu mức tăng là 2 độ C.

Mực nước biển cũng sẽ tăng lên 0,5m trong thế kỷ 21 nếu hành tinh này nóng lên 2 độ C, và có nguy cơ tăng lên gần 2m vào năm 2300, gấp đôi so với dự báo của IPCC đưa ra vào năm 2019. Do không thể dự báo chính xác về các tảng băng, các nhà khoa học không thể loại trừ khả năng mực nước biển tăng 2m vào năm 2100 trong kịch bản xấu nhất là không kiểm soát được tình trạng phát thải. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C sẽ giảm mực nước biển dâng khoảng 10cm.

Tất cả những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trên cũng đều ảnh hưởng đến sự tồn tại của thực vật và động vật trên hành tinh. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C sẽ tác động tiêu cực đến 7% hệ sinh thái, và nếu tăng ở mức 2 độ C, tỷ lệ này sẽ tăng gần gấp đôi. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C, một nửa số loài trên Trái Đất sẽ gặp nguy hiểm.

Các quốc gia ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu là dưới 2 độ C, và nếu có thể sẽ ở mức lý tưởng 1,5 độ C. Hiện nhiệt độ Trái Đất đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.