25/04/2024 lúc 12:54 (GMT+7)
Breaking News

Soán ngôi Mỹ, Singapore trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

VNHN - Vượt qua cả Mỹ và Hong Kong, đảo quốc sư tử đã lần đầu chiếm vị trí số một trong nhóm các nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất toàn cầu trong vòng 9 năm qua.

VNHN - Vượt qua cả Mỹ và Hong Kong, đảo quốc sư tử đã lần đầu chiếm vị trí số một trong nhóm các nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất toàn cầu trong vòng 9 năm qua.

Theo bảng xếp hạng thường niên của Viện Kinh doanh IMD (Thuỵ Sĩ) được hãng thông tấn Bloomberg trích dẫn, Singapore nắm giữ ngôi đầu nhờ sở hữu hạ tầng công nghệ tiên tiến, lực lượng lao động lành nghề, luật di trú thuận lợi và chính sách thành lập doanh nghiệp hiệu quả.

Ngược lại với Singapore, Mỹ tụt hai hạng trong năm nay do cú huých từ chương trình cắt giảm thuế của chính quyền Trump đã dần mất đi tác dụng và xuất khẩu công nghệ cao suy yếu.

Các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương sở hữu năng lực cạnh tranh đặc biệt tốt, với 11/14 nền kinh tế góp mặt trong bảng xếp hạng của IMD đều duy trì hoặc có sự cải thiện thứ bậc.

Xếp thứ hai trên bảng tổng sắp, Hong Kong có thứ hạng không thay đổi, nhờ những ưu đãi về thuế và chính sách kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng với nguồn tài chính.

Bảng xếp hạng của IMD được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1989, với 63 nền kinh tế được đánh giá dựa trên 235 chỉ số. Trong đó, dữ liệu định lượng bao gồm tình trạng thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế, chi tiêu của chính phủ vào y tế, giáo dục cùng các dữ liệu định tính từ một khảo sát trên các nhà điều hành doanh nghiệp thế giới về mức độ gắn kết xã hội, toàn cầu hoá, và tham nhũng. 

Top 10 nền kinh tế sở hữu năng lực cạnh tranh lớn nhất thế giới 2019 - Nguồn: IMD

 

Nền kinh tế được xếp hạng

Xếp hạng 2019

Xếp hạng 2018

 

Singapore

1

3

 

Hong Kong 

2

2

 

Mỹ

3

1

 

Thuỵ Sĩ 

4

5

 

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 

5

7

 

Hà Lan 

6

4

 

Ireland

7

12

 

Đan Mạch 

8

6

 

Thuỵ Điển 

9

9

 

Qatar

10

14

 

Các nền kinh tế được đánh giá theo 4 yếu tố là năng lực kinh tế, cơ sở hạ tầng, hiệu quả quản lý của chính phủ và điều kiện kinh doanh.

Theo bảng xếp hạng, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - nổi bật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi thăng 11 bậc, lên vị trí thứ 32, nhờ sự cải thiện ở 3 trên 4 tiêu chí. Thái Lan tăng 5 hạng, lên vị trí thứ 25 nhờ nguồn vốn FDI và năng suất tăng mạnh.

Trong một diễn biến khác, Nhật Bản sụt 5 hạng vì tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nợ chính phủ cao và điều kiện kinh doanh kém thu hút. Còn Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - xếp vị trí thứ 14, giảm 1 bậc so với năm ngoái.

Tại châu Âu, bức tranh có phần đa dạng hơn, khi nước Anh rớt xuống vị trí thứ 23, tụt 3 hạng so với năm ngoái, do những bất ổn từ Brexit, theo IMD. Na Uy tuột khỏi nhóm 10 nước dẫn đầu bảng xếp hạng, trong khi Đan Mạch và Hà Lan đều tụt 2 bậc nhưng vẫn còn trụ được trong top 10. 

Ireland vươn lên hạng 7 và Thụy Sĩ tăng thêm một bậc, đứng thứ 4 - củng cố cho vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất châu  Âu.

Năm nay, Ả Rập Saudi là quốc gia thăng hạng lớn nhất, tăng 13 bậc lên vị trí thứ 26 nhờ nguồn đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục. Venezuela - nơi đang vật lộn với khủng hoảng, xếp cuối cùng, sau Mông Cổ và Argentina.