25/04/2024 lúc 22:45 (GMT+7)
Breaking News

Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng cao

VNHN - Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT: Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản (NLTS) thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%.

VNHN - Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT: Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản (NLTS) thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%.

DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp giúp nhiều đặc sản xuất khẩu có giá trị cao hơn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Bộ NN&PTNT, cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể, năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng NLTS.

Năm 2019, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tuy vậy, toàn ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá và đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Theo đó ước tính, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2% (trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%).

Năm 2019, điểm đáng chú ý trong hoạt động của Bộ NN&PTNT là đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ví dụ điển hình như, đối với lĩnh vực sản xuất lúa, tỉ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và việc cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo có nhiều chuyển dổi mạnh mẽ; tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu. Điều này đã giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019.

Ngoài ra, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) được phổ biến nhân rộng. Năm 2019, diện tích được chứng nhận VietGAP là 39,3 nghìn ha.

Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm theo chuỗi (tăng 93 địa điểm).

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT chiều nay 23/12, tại Hà  Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáng chú ý, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…

“Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản”, vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp đánh giá.

Ngay trong biến động về chăn nuôi lợn, cũng có nhiều DN đã bắt tay vào xây dựng các chuỗi thực phẩm từ sản phẩm thịt lợn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm: Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.

Ngoài các nội dung nêu trên, điểm đáng chú ý là năm 2019, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại NLTS được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng...

Nhờ vậy đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Saudi Arabia.

13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới (xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Australia...)