19/04/2024 lúc 14:16 (GMT+7)
Breaking News

Sẽ phong tỏa tài khoản để lấy lại tài sản cho khách khi chuyển tiền nhầm

VNHN - Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định về việc phong tỏa tài khoản thanh toán trong trường hợp người chuyển tiền nhầm lẫn về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.

VNHN - Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định về việc phong tỏa tài khoản thanh toán trong trường hợp người chuyển tiền nhầm lẫn về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.

Ảnh minh họa

Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những nội dung đáng chú ý được bổ sung là trong trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản, ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản đã nhận tiền để lấy lại tiền cho khách hàng.

Các dịch vụ chuyển tiền trong nhiều năm qua đã giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc muốn chuyển khoản cho người thân hoặc thanh toán mua bán. Nếu trước đây khách hàng chỉ chuyển tại quầy thì những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, khách hàng có thể chuyển trên máy ATM và ứng dụng Ebanking của ngân hàng.

Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng rơi vào tình huống trớ trêu là ghi nhầm số tài khoản, hệ quả là tiền chuyển sai người và gặp muôn vàn khó khăn khi muốn lấy lại. Sai sót ngày càng xảy ra nhiều hơn khi thanh toán giao dịch trực tuyến ngày một phổ biến. Trong trường hợp phát hiện sớm, khách hàng thường gọi điện đến ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ lấy, tuy nhiên cơ chế xử lý của các ngân hàng cũng khác nhau do có những ràng buộc nhất định.

Cụ thể, nếu chuyển nhầm tiền, tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống ngân hàng mà có quy trình xử lý khác nhau. Trường hợp tài khoản nhận khác ngân hàng, ngân hàng chuyển sẽ báo cho phía ngân hàng nhận về giao dịch nhầm này và phải chờ 3 - 5 ngày để phía ngân hàng nhận đưa ra hướng xử lý. Trường hợp tài khoản nhận cùng hệ thống, chủ tài khoản chuyển nhầm phải đến quầy của ngân hàng để yêu cầu tra soát chứng từ.

Trong những trường hợp này, khách hàng thường yêu cầu ngân hàng hoàn trả tiền lại vào tài khoản. Tuy nhiên, theo quy định của NHNN, ngân hàng sẽ không được phép khoanh số tiền tài khoản nhận nhầm nên sẽ không thể trích lại ngay tiền từ tài khoản này trả người chuyển. Điều này nhằm tránh trường hợp đã xảy ra trong thực tế, là người chuyển và nhận có giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ với nhau, sau đó người chuyển tiền đến thông báo là chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán.

Sau khi tiếp nhận, nhân viên ngân hàng sẽ liên hệ với chủ tài khoản thụ hưởng, thông báo về việc chuyển nhầm tiền và đề nghị người nhận chuyển trả lại số tiền cho người chuyển nhầm. Trường hợp người nhận không đồng ý trả lại tiền, ngân hàng sẽ thông báo cho người chuyển để có biện pháp xử lý tiếp theo, như trình báo công an về việc chuyển nhầm tiền này. 

Khi có yêu cầu từ cơ quan công an, ngân hàng mới được thực hiện khoanh tiền trên tài khoản người nhận để xử lý. Dù vậy, việc xử lý thường mất rất nhiều thời gian, do phụ thuộc vào việc liên hệ được với chủ tài khoản nhận sớm hay trễ. Trong một số trường hợp, chủ tài khoản này còn không hợp tác dẫn đến việc thu hồi tiền lại cho khách hàng gặp rất nhiều khó khăn, trong khi khách hàng có những lúc mong muốn lấy lại tiền nhanh chóng vì cần cho những công việc khác.

Để giải quyết những vướng mắc trên, trong dự thảo Nghị định mới, NHNN đã đề xuất bổ sung một số quy định về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.

Ngoài ra, trong bối cảnh tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thanh toán ngày càng gia tăng, khó kiểm soát cũng như diễn biến phức tạp với những hành vi và thủ đoạn mới tinh vi hơn, việc bổ sung quy định nói trên là cấp thiết để có thể ngăn chặn tội phạm rút tiền sau khi lừa đảo thành công. Tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung. 

Trong các trường hợp này, phong tỏa tài khoản sẽ chấm dứt khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật; khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung đã được giải quyết.

Bên cạnh đó, NHNN cũng quy định việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.