24/04/2024 lúc 04:16 (GMT+7)
Breaking News

Sắp ra mắt cuốn sách quảng bá cho nông sản Việt

VNHNO - Vào cuối tháng 8, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam sẽ cùng phối hợp thực hiện để ra mắt cuốn “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”.

VNHNO - Vào cuối tháng 8, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam sẽ cùng phối hợp thực hiện để ra mắt cuốn “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”.

Trên thế giới, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành chiến lược nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh, phát huy những giá trị di sản được hình thành từ điều kiện tự nhiên và văn hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống. Hiện có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD.

Tại Việt Nam, với sự ưu ái của điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về văn hóa truyền thống, kinh nghiệm, sự cần cù, siêng năng và khéo léo của người dân, Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, gắn với chất lượng đặc thù, danh tiếng và nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong số đó, nhiều sản phẩm là các mặt hàng chủ lực của địa phương được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 

Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp danh tiếng và nét đặc trưng của văn hóa dân tộc (Ảnh: internet)

Tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý

Phát biểu tại lễ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương vào đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận định: “việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản trở thành một yêu cầu cấp bách”.

Cái "bắt tay" của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam (Ảnh: internet)

Theo ông Tạc, một trong những giải pháp bảo đảm phát triển thị trường bền vững cho nông sản là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý. Bởi chỉ dẫn địa lý gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm.

“Ngày nay, chỉ dẫn địa lý trở thành một nội dung ưu tiên trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế. Do đó, việc đưa ra chỉ dẫn địa lý trở thành dấu hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng trên thị trường là rất cần thiết,” ông Tạc nói.

Tại Việt Nam, thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, tính tới 31/7 đã bảo hộ cho 62 chỉ dẫn địa lý quốc gia và 6 chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Hiện đã có 37 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Trong số chỉ dẫn địa lý này, 47% sản phẩm là trái cây; 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% thủy sản, 8% gạo, còn lại là các sản phẩm khác

Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, nước mắm Phú quốc tăng 30-50%, chuối ngự Đại Hoàng tăng 130-150%, bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi đăng chỉ dẫn địa lý.

 

Cuốn sách góp phần quảng bá hình ảnh nông sản - chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế (Ảnh: internet)

Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc bức tranh về chất lượng, danh tiếng, giá trị truyền thống và nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. 

Đồng thời, cuốn sách là tài liệu hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. 

Thúc đẩy hoàn thành cuốn chỉ dẫn địa lý

Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, cho tới nay, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tương đối đầy đủ. Thế nhưng, khi thực thi vẫn còn bộc lộ một số khó khăn.

Theo ông Tạc, ở cấp độ trung ương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ có liên quan nhằm xây dựng những định hướng và nội dung thống nhất để lồng ghép các nguồn lực, phân công lĩnh vực hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, thống nhất về chính sách và giải pháp hỗ trợ cho xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Trong khi đó, ở địa phương, các cơ quan quản lý chưa phối hợp trong xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Đó là từ khâu xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và triển khai các hoạt động khai thác chỉ dẫn địa lý khi được bảo hộ.

Do đó, ông Tạc tin tưởng sự hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương sẽ tạo ra cơ chế phối hợp thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.

Bưởi Đoan Hùng là 1 trong 60 chỉ dẫn địa lý được giới thiệu trong cuốn sách “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt (Ảnh: internet)

Cuốn sách “Chỉ dẫn địa lý - Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” cập nhật và giới thiệu 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố đã được bảo hộ như: Nước mắm Phú Quốc, chè Shan Tuyết Mộc Châu, cà phê nhân Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, hoa hồi Lạng Sơn, vải thiều Thanh Hà, nước mắm Phan Thiết, cam Vinh, gạo tám xoan Hải Hậu, nón lá Huế, thuốc Lào Tiên Lãng, bưởi Phúc Trạch, nho Ninh Thuận, cói Nga Sơn, hạt dẻ Trùng Khánh, hồng không hạt Bảo Lâm, muối Bạc Liêu, cam sành Hà Giang, hoa mai vàng Yên Tử, sâm Ngọc Linh…

Sau những quá trình nghiên cứu và hoàn thiện, cuốn “Chỉ dẫn địa lý - Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” sẽ ra mắt và công bố tới công chúng vào cuối tháng 8 này.