16/04/2024 lúc 14:15 (GMT+7)
Breaking News

'Sân chơi' bia Việt: Tiềm năng nhưng khó chen chân

VNHN - Dù Việt Nam được cho là thị trường bia có tiềm năng tăng trưởng hiếm hoi, không phải đại gia nào nhảy vào cũng thành công.

VNHN - Dù Việt Nam được cho là thị trường bia có tiềm năng tăng trưởng hiếm hoi, không phải đại gia nào nhảy vào cũng thành công.

Dù doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn về chính sách, thuế tiêu thụ đặc biệt và cạnh tranh mạnh trong năm nay, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát (VBA), mức tăng trưởng chung của ngành vẫn khoảng 5%. 

“Các nước đang chững lại về lượng tiêu thụ bia thì tại Việt Nam lại vẫn còn nhiều tiềm năng”, ông Nguyễn Văn Việt đánh giá tại một hội thảo về ngành đồ uống ở TP HCM.

Ngành bia đang tăng trưởng trên 5% một năm

Ông Việt dẫn chứng, hiện nay tại Trung Quốc và một số nước châu Âu, mức độ tăng trưởng của ngành bia đang đứng yên và thậm chí giảm nhẹ. Còn Việt Nam, với dân số đông, lượng tiêu thụ được dự báo sẽ còn tăng qua nhiều năm. 

"Việt Nam sẽ trở thành thị trường đáng chú ý. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016-2021", báo cáo của Euromonitor về thị trường bia khu vực châu Á Thái Bình Dương viết.

Lượng tiêu thụ rượu bia trung bình trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên gần đây nhưng ở thị trường Việt Nam lại vọt lên theo chiều "thẳng đứng". Năm 2008, Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Tiềm năng là vậy nhưng trong một báo cáo từng công bố, Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia".

Thực tế, nhiều "ông lớn" ngành bia không gặp may dù đã đổ cả núi tiền vào thị trường vốn được xem là một trong số ít có tiềm năng tăng trưởng còn sót lại này.

Nếu những năm 2015-2016, các câu lạc bộ bia "mọc như nấm sau mưa" thì nay rất nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Trong số các ông lớn, chỉ Heineken, Sabeco làm ăn phát đạt, số còn lại kinh doanh èo uột, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Việt. Ngay cả Sapporo, theo ông Nguyễn Văn Việt, lượng tiêu thụ tăng nhưng chi phí cho hoạt động kinh doanh, quảng cáo lại lớn nên lợi nhuận đạt được không mấy khả quan.

Chen chân vào thị trường được 4 năm, ông lớn trong ngành tiêu dùng là Masan, cho ra mắt thị trường sản phẩm bia Sư tử trắng. Thế nhưng, tới nay, trên kệ siêu thị cũng như các đại lý rất ít xuất hiện sản phẩm này. 

Ngoài 2 đại gia trên, trước đó, trên thị trường cũng đã không ít nhà đầu tư thất bại khi tham gia vào “sân chơi” này.

Điển hình là bia Laser của Tân Hiệp Phát. Đây được xem là loại “bia tươi đóng chai lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam”, với mức giá cao hơn Tiger và ngang ngửa với Heineken. Nhưng trải qua rất nhiều chiến lược quảng bá rầm rộ với chi phí lên đến 3 triệu USD, sau gần một năm gia nhập, Tân Hiệp phát đã phải ngừng sản xuất.

Hay với Foster’s sau gần 10 năm (1997 - 2007) cố gắng khẳng định vị thế đã phải chuyển nhượng lại toàn bộ hệ thống ở Việt Nam cho APB với giá trên 105 triệu USD (APB bán lại cho VBL, liên doanh mà APB đang nắm 60% cổ phần).

Cũng thất bại nặng nề, trước đó Sabmiller đã cùng công ty Vinamilk xây nhà máy bia Sabmiller đặt tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít một năm. Nhưng vì sản phẩm quá mới lại khó cạnh tranh với các tên tuổi vốn quen thuộc, tới nay sản phẩm của thương hiệu này vẫn chẳng mấy người biết đến. Còn Vinamilk thì rút khỏi liên doanh sau 2 năm gia nhập.

Theo số liệu Hiệp hội bia, lượng tiêu thụ bia 2017 của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ lít, bình quân mỗi người Việt uống gần 45 lít bia trong năm. Cũng theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, mục tiêu đặt ra của ngành bia là sản xuất được 4,1 tỷ lít bia vào năm 2020 và 5,5 tỷ lít vào 2035./.

Theo Vnexpress.net