20/04/2024 lúc 14:13 (GMT+7)
Breaking News

Sắc diện mới nơi vùng đất ven đô

VNHN-Nghi Lộc là một huyện ven biển nằm ở phía Đông nam của tỉnh Nghệ An. Trong tiến trình lịch sử, huyện Nghi Lộc đã trải qua nhiều danh xưng, như: Dương Thành, Dương Toại, Phố Dương, Tân Phúc, Nghi Chân, Chân Phúc, Chân Lộc và Nghi Lộc.

VNHN-Nghi Lộc là một huyện ven biển nằm ở phía Đông nam của tỉnh Nghệ An.  Trong tiến trình lịch sử, huyện Nghi Lộc đã trải qua nhiều danh xưng, như: Dương Thành, Dương Toại, Phố Dương, Tân Phúc, Nghi Chân, Chân Phúc, Chân Lộc và Nghi Lộc. Nhưng, năm ra đời thực sự của đơn vị hành chính cấp huyện Nghi Lộc được xác định là năm Kỷ Sửu (1469), khi vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước, trong đó có huyện Nghi Lộc. 550 năm thành lập Huyện và 125 năm danh xưng Nghi Lộc (1894 - 2019) là bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất Nghệ An nói chung, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc nói riêng, luôn được trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Khu biệt thự ven biển Nghi Lộc

Lịch sử 550 năm qua của huyện Nghi Lộc gắn liền với biết bao thăng trầm, biết bao biến cố của vùng quê nghèo và của cả dân tộc. Nhưng đó cũng chính là chặng đường dài làm nên bề dày truyền thống hào hùng và rất đáng tự hào của Đất và Người Nghi Lộc hôm nay.

Trong hành trình phát triển, mặc dù vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhưng Nghi Lộc là huyện có nhiều lợi thế, như: Vị trí thuận lợi trong giao thương kinh tế, văn hóa với tỉnh, với các địa phương phụ cận, các tỉnh trong nước và quốc tế bằng cả đường không, đường biển, đường bộ và đường sắt. Không chỉ có 10 xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, Nghi Lộc còn nằm ngay sát Thành phố Vinh - đô thị loại I - trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ, lại gần với Thị xã du lịch Cửa Lò, đều là các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, cùng kết hợp với Nghi Lộc tạo thành tam giác phát triển kinh tế, có sức lan toả và tạo điều kiện kích thích kinh tế - xã hội cùng phát triển. Bên cạnh đó, Nghi Lộc là miền quê có truyền thống cách mạng, năng động trong phát triển kinh tế, văn hóa; có nguồn lao động dồi dào, cần cù chịu khó và nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn. Những yếu tố đó đã và đang được Nghi Lộc phát huy trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Hướng tới kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và 125 năm Danh xưng Nghi Lộc được tổ chức trong năm 2019, ngay từ năm 2018, Huyện đã tổ chức các phong trào thi đua, triển khai nhiều hoạt động văn hóa, xã hội ý nghĩa; đặc biệt là quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của năm. Nhờ nỗ lực rất lớn của các các cấp ủy Đảng và Chính quyền, cố gắng của các cấp, các ngành và của các tầng lớp nhân dân, trong năm 2018 Nghi Lộc tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng: đã có 23/26 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, phong trào xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh; ngành thương mại dịch vụ tiếp tục có sự tăng trưởng nhanh; hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện với quyết tâm cao nên đạt kết quả tốt; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác cải cách hành chính được quan tâm nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn…Kết quả cụ thể về nhiều mặt đạt cao: Giá trị sản xuất cả năm đạt 13.310 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), đạt 100,11% KH. Trong đó, giá trị SX Công nghiệp - Xây dựng đạt 9.641 tỷ đồng, đạt kế hoạch được giao; giá trị ngành TMDV đạt 2.081 tỷ đồng (112,0% KH); giá trị SX nông lâm ngư nghiệp đạt 1.588 tỷ đồng (101,57% KH); Thu ngân sách trên địa bàn đạt 246,980 tỷ đồng (119,5% dự toán). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Giá trị ngành Nông lâm ngư nghiệp chiếm 17,9%; Công nghiệp-xây dựng chiếm 54,3%; Dịch vụ chiếm 27,8%. Tốc độ tăng trưởng chung đạt 13,26% so với 2017; trong đó tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng là 14,8%. Đặc biệt, các dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An trên địa bàn Nghi Lộc được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn, như Khu Liên hợp sản xuất gạch ngói Trung Đô tại xã Nghi Văn, Nhà máy dệt may tại xã Nghi Lâm, Nhà máy may Halotexco tại xã Phúc Thọ, Nhà máy may thời trang Perseption USA tại xã Nghi Diên… đã được chấp thuận đầu tư. Huyện đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, lồng ghép với chương trình xây dựng NTM. Tổng giá trị đầu tư xây dựng đạt 380 tỷ đồng… Phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực: bình quân các xã trong toàn huyện đạt 16,7/19 tiêu chí (tăng 1,2 tiêu chí so với năm 2017), có thêm 2 xã là Nghi Phong và Nghi Đồng đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của toàn huyện là 14 xã.

Một cơ sở sản xuất rau an toàn ở xã Nghi Long

Song song phát triển kinh tế, huyện Nghi Lộc luôn quan tâm phát triển các hoạt động văn hóa, xã hội. Trong đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục được duy trì. Về giáo dục, chất lượng phổ cập tiếp tục đạt kết quả tốt; năm 2018 có thêm 5 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn của huyện là 73/91 trường. Nhiều trường trong huyện đạt thành tích cao trong dạy và học. Một trong số đó là trường THPT Nguyễn Duy Trinh - tiền thân của trường THPT Nghi Lộc I. Nhà trường luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT huyện Nghi Lộc nói riêng, của ngành GD&ĐT Nghệ An nói chung. Từ mái trường này, đã có hàng ngàn học sinh trưởng thành và thành đạt trong mọi lĩnh vực phục vụ quê hương đất nước. Trong đó có 7 cựu học sinh nhà trường được phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; có 7 cựu học sinh nhà trường được phong hàm cấp Tướng; hàng trăm người là sĩ quan cao cấp trong LLVT, là những doanh nhân thành đạt, những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, những nhà khoa học, nhà giáo ưu tú… Điển hình như GS.TS - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông… Trường THPT Nghi Lộc I đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được chăm lo, huyện tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh và đẩy nhanh tiến độ xây dựng với mục tiêu đưa bệnh viện huyện Nghi Lộc trở thành Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Công tác cải cách hành chính được quan tâm, trong đó có việc xây dựng Đề án CCHC giai đoạn 2018 - 2021; tích cực triển khai các chính sách lao động và an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm (năm 2018 đã giải quyết việc làm cho 5.526 lao động); Công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định… Những thành quả phát triển của huyện Nghi Lộc trong những năm qua rất đáng trân trọng.

Về Nghi Lộc hôm nay thực sự là về với một miền quê đang đổi mới từng ngày. Diện mạo mỗi làng quê như được khoác trên mình một tấm áo mới đẹp và văn minh hơn; các khu cụm công nghiệp mọc lên làm đổi thay cả một vùng đất nghèo xưa kia; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện không ngừng được nâng lên, càng tự hào hơn với truyền thống và bề dày lịch sử 550 năm thành lập huyện,125 năm Danh xưng Nghi Lộc. Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và nhân dân trong huyện quyết tâm xây dựng Nghi Lộc ngày một giàu đẹp, văn minh hơn, trong đó người dân chính là những chủ thể thực sự trong suốt hành trình dựng xây và phát triển.  

Nguyệt Hằng