25/04/2024 lúc 10:44 (GMT+7)
Breaking News

Sa Pa: Vượt dịch phát triển sản xuất

Để giảm thiểu khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chính quyền địa phương thị xã Sa Pa đã đưa ra những giải pháp nhằm giúp đỡ người dân vượt qua giai đoạn khủng hoảng, tiếp tục kiên định vượt dịch để phát triển và xây dựng sản xuất.

Để giảm thiểu khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chính quyền thị xã Sa Pa đã đưa ra những giải pháp nhằm giúp đỡ người dân vượt qua giai đoạn khủng hoảng, tiếp tục kiên định vượt dịch để phát triển và xây dựng sản xuất.

Quang cảnh thị xã Sa Pa - Nguồn ảnh: Zing.vn

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 4 đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với các tháng đầu năm, tại Sa Pa xuất hiện một vài ca dương tính là du khách nước ngoài hoặc du khách ngoại tỉnh, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và khiến cho nhiều nhà hàng, khách sạn phải tạm thời đóng cửa, các hoạt động du lịch cũng vì thế mà bị ảnh hưởng; kéo theo hàng nghìn tấn rau củ quả, hoa màu, thủy sản của các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất bị ùn tắc, ứ đọng không thể tiêu thụ.

Nông sản rớt giá - Nguồn ảnh: Báo Tiền Phong

Trước khi có dịch, tổng lượt khách du lịch mỗi năm tại Sa Pa được ước tính vào khoảng gần 3 triệu lượt, đa số mọi người đều có nhu cầu đến để nghỉ dưỡng, trải nghiệm hoặc khám phá bản làng, văn hóa của các dân tộc tại địa phương. Vậy nên, lượng nông sản, thủy sản tiêu thụ tại chỗ chiếm tỷ trọng khá cao, số lượng còn lại được các nhà hàng, khách sạn, hoặc lái buôn nhập về để buôn bán ở các tỉnh thành khác lân cận, rau trồng đến đâu là hết tới đó, các loại cá tầm, cá hồi được nuôi và bán liên tục nên nên không hề xảy ra tình trạng tồn đọng như trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trang trại cá hồi tại Sa Pa - Nguồn ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bắt đầu từ vụ hè thu, toàn thị xã Sa Pa có khoảng 464 ha rau củ các loại, trong đó phần lớn là su su, chiếm tới 70 ha, tổng sản lượng rơi vào khoảng 8.000 tấn; rau bắp cải là 102 ha với sản lượng khoảng 1.800 tấn; cà chua, cải thảo, củ cải chiếm 192 ha, khoảng 3.000 tấn sản lượng. Giá cá hồi, cá tầm trên thị trường cũng giảm gần 30 - 40% so với trước kia. Về các loại hoa cắt cành, trên toàn thị xã có hơn 150 ha chuyên trồng hoa hồng và hoa ly, với số lượng vô cùng lớn, nhưng do ảnh hưởng của dịch, lượng khách đến Sa Pa giảm mạnh, các đầu mối tiêu thụ ở ngoại tỉnh bị hạn chế về mặt đi lại nên không thể nhập hàng, vậy nên giá hoa, rau và thủy sản nước lạnh bị giảm mạnh, nông dân nuôi trồng chịu cảnh thua lỗ nặng nề.

Giải cứu nông sản ở Sa Pa là vấn đề thiết yếu nhằm đảm bảo nguồn thu cho nông dân - Nguồn ảnh: Bnews.vn

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện tại, chính quyền địa phương thị xã Sa Pa đã nhận định rõ những trở ngại mà người dân đang gặp phải, từ đó triển khai kế hoạch khắc phục với các doanh nghiệp, nhà vườn, lái buôn để nhằm đánh giá tình hình thực tế và xây dựng phương án thực tiễn giúp người nông dân tiêu thụ hoa màu. Các phòng ban chuyên môn về kinh tế, nông nghiệp phải liên tục kêu gọi, tuyên truyền, quảng bá để tìm ra nguồn tiêu thụ nông sản mới; thực hiện phương án xúc tiến thương mại; giúp người dân hiểu rõ về bản chất cũng như cách sử dụng phần mềm thương mại điện tử. 

Được mùa nông sản Sa Pa - Nguồn ảnh: baodantoc.vn

Ngoài ra, người dân thuộc tỉnh Lào Cai cũng cần tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành địa phương để theo dõi tình hình giá cả, đẩy mạnh nguồn cung ứng nội tỉnh, tiến hành thực hiện kế hoạch “giải cứu mùa vụ”, “giải cứu hoa màu” để hỗ trợ nông dân Sa Pa giảm thiểu gánh nặng kinh tế.

Hiện nay, thị xã Sa Pa đang đề xuất một số yêu cầu đặc biệt với tỉnh để hỗ trợ và giảm gánh nặng cho người dân, bằng cách điều tiết, phân luồng nông sản chủ lực tại Sa Pa tới điểm tiêu thụ của các tỉnh, thành phố nằm trong tuyến đầu chống dịch; đồng thời hỗ trợ tiền cước vận chuyển; vận động người dân tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi. Mặt khác, Ủy ban thị xã cũng đề nghị UBND tỉnh cùng các ngân hàng xem xét đẩy lùi thời hạn trả nợ; miễn hoặc giảm lãi vay đối với các tổ chức hoặc hộ gia đình đã vay vốn để sản xuất nông nghiệp; xây dựng các chiến lược cho vay ưu đãi, đồng hành và giúp đỡ nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Trước khí thế lạc quan, nỗ lực trong việc tuyên truyền của ban lãnh đạo thị xã Sa Pa, phần lớn người nông dân đã lựa chọn phối hợp, không từ bỏ nuôi trồng mà vẫn tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp. Thay vì trồng trọt nhiều như trước, hiện nay người dân đã tìm ra cách để điều tiết sản lượng, phù hợp với sức mua và giá cả lên xuống theo từng tuần, từng tháng của mùa vụ, phải làm sao cho chi phí nuôi trồng giảm xuống càng thấp càng tốt, tuy lãi ít nhưng vẫn đảm bảo không bị lỗ. Chỉ khi không bỏ hoang đất trồng, vượt qua thời kỳ “xuống đáy” của đại dịch thì quá trình hồi phục mới diễn ra nhanh và toàn diện hơn. Đây cũng được coi là những bước cơ sở đầu tiên trên hành trình lột xác và khắc phục nền kinh tế nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19./.