28/03/2024 lúc 22:47 (GMT+7)
Breaking News

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Không để lợi ích cục bộ 'đu bám' vào đó

VNHN – Ngày 28/3, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

VNHN – Ngày 28/3, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực quán triệt, giao nhiệm vụ cho Tổ công tác, chiều 28/3 tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Tổ công tác được thành lập, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao. Thủ tướng giao cho Tổ công tác rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Tổ công tác có chức năng, nhiệm vụ được giao rất lớn, nặng nề, nên số lượng các thành viên lên đến 31 người là lãnh đạo của Bộ, ngành Trung ương, cùng Tổ giúp việc và Bộ phận thường trực; các chuyên gia pháp luật, cán bộ pháp chế của các bộ, ngành đều góp mặt để giúp Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ nặng nề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho.

Thủ tướng cũng giao Tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; có ý kiến độc lập về các Báo cáo kết quả rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Đặc biệt, Tổ công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Rà soát chuyên sâu, độc lập 11 nhóm chuyên đề/ lĩnh vực 

Để thực hiện các nhiệm vụ nặng nề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Tổ trưởng Tổ công tác đã giao Tổ giúp việc và Bộ phận thường trực tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi, thảo luận trong Cơ quan thường trực về nội dung, cách thức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

11 nhóm chuyên đề cụ thể gồm: Nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về đăng ký thành lập, hoạt động của doanh nghiệp và điều kiện đầu tư kinh doanh; nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiếp cận nguồn lực tài chính, thuế, bảo hiểm; nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiếp cận đất đai, tài nguyên; nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về lao động, việc làm và an sinh xã hội; nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh; nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành; nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ bổ trợ tư pháp, tiếp cận văn bản pháp luật của doanh nghiệp; nhóm văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (trong đó, lưu ý tới vấn đề chuyển đổi số quốc gia, các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số, khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, thương mại điện tử, tạo dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh số và xác thực điện tử, thanh toán điện tử, quản lý thuế); nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân cấp, phân quyền; nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định về ưu đãi, hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, cụ thể như ưu đãi, hỗ trợ về tiếp cận tài chính, vốn, thuế, phí và ưu đãi, hỗ trợ về lao động, việc làm, bảo hiểm và an sinh xã hội. Tổ công tác cũng phân công 11 nhóm rà soát do 11 thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương làm Trưởng nhóm.

Kiên quyết không để lợi ích cục bộ 'đu bám'

Bày tỏ sự đồng tình cao với hoạt động của Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cho rằng, thời gian gấp gáp nên đòi hỏi sự nỗ lực, khẩn trương, tích cực của các thành viên và Tổ giúp việc thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được.

“Nhân dân thấy Chính phủ họp về vấn đề này thì rất phấn khởi, vì tháo gỡ những khó khăn đang vướng mắc. Đặc biệt, qua đợt rà soát này, chúng ta nhìn nhận rõ đâu là lợi ích bộ ngành có trong đó, đâu là những chồng chéo, mâu thuẫn cần giải quyết ngay. Đây là ý chí của Chính phủ nhưng cũng là ý nguyện của nhân dân. Do vậy, khi phát hiện ra rồi, Tổ công tác phải xử lý ngay, không để lợi ích cục bộ “đu bám” vào đó, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi ngay”, Thứ trưởng Lê Chiêm phát biểu.

Kết luận nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Tổ công tác cần thường xuyên báo cáo những kết quả thực hiện, vướng mắc, khó khăn, nhất là các vấn đề được phát hiện trong quá trình rà soát để Phó Thủ tướng Thường trực có thể triệu tập cuộc họp nhằm tháo gỡ ngay. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo.

Mọi cơ chế, hành lang pháp lý đã đầy đủ để Tổ công tác “ra tay” mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm tình trạng chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Tinh thần là không ngại “va chạm”, nể nang hay né tránh hoặc làm chiếu lệ, qua loa, mà đòi hỏi sự kiên quyết, công tâm, trách nhiệm cao của mỗi thành viên Tổ công tác.