19/04/2024 lúc 20:49 (GMT+7)
Breaking News

Quyền sáng tạo có “bảo hiểm”

VNHN - Câu chuyện “nhân tài” và chính sách đãi ngộ lại vừa tiếp tục trở thành chủ đề nóng khi các nhà lập pháp tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong khuôn khổ phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

VNHN - Câu chuyện “nhân tài” và chính sách đãi ngộ lại vừa tiếp tục trở thành chủ đề nóng khi các nhà lập pháp tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong khuôn khổ phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Ảnh minh họa - TL

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, khái niệm về người có tài năng trong hoạt động công vụ được quy định trong dự thảo Luật là “người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được”. Đồng thời, chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ cũng đã được chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tiễn. Cũng đã có sự phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức. Đối với địa phương, căn cứ vào quy định của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể chính sách, UBND cấp tỉnh quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý…

Tuy nhiên, khái niệm “người có tài năng” được nhiều thành viên UBTVQH coi là vẫn còn khá mơ hồ, cần được định lượng.

Quan trọng hơn, tuyển dụng rồi thì sử dụng như thế nào? Chuyện một số tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài sau khi vào làm ở cơ quan nhà nước ít lâu đã chóng vánh chia tay vì không được bố trí công việc đúng sở trường, không có điều kiện để cống hiến đúng năng lực được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc đến với nhiều tiếc nuối.

Nhưng mà, “người tài” đâu chỉ là những người đi học nước ngoài về với bằng cấp sáng chói? Có rất nhiều cán bộ tốt với những ý tưởng sáng tạo trong công việc đã và đang “không dám” phát huy hết năng lực của mình, do bị kiềm tỏa trong “chiếc áo” chật hẹp - khung khổ pháp luật hiện hành. Trong khi doanh nghiệp và người dân được quyền làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm, thì công chức chỉ được làm những gì mà luật pháp quy định.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số kéo theo những thay đổi xã hội, khác xa những lối mòn đã biết, những điều đã ổn định, được kiểm chứng và luật hóa (đó là chưa kể rất nhiều điều đã luật hóa, đã được đưa vào các văn bản pháp quy vẫn có thể sai), thiết tưởng công chức cần được trao quyền sáng tạo. Nếu quá sợ hãi, e dè thì không bao giờ có sáng tạo nói chung và sáng tạo trong thi hành công vụ, nói riêng. Ngược lại, chấp nhận sáng tạo thì đồng thời phải chấp nhận rủi ro ở một chừng mực nào đó - một vài phép “thử và sai” đã được “mua bảo hiểm”. Tất nhiên, ở trường hợp các công chức thi hành công vụ, sự sáng tạo cần đi đôi với những công cụ để phòng ngừa rủi ro - đó là những quy định về minh bạch, giám sát, thanh tra, kiểm tra… để ngăn chặn lạm quyền, tư lợi, tham nhũng.

Mạnh dạn chấp nhận điều đó, chúng ta mới có thể có những cải thiện mang tính đột phá trong quản trị xã hội.