28/03/2024 lúc 20:49 (GMT+7)
Breaking News

Quy định về việc xử lý tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc

VNHN - Điều 57 của của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đánh dấu điểm nhấn sáng tạo trong việc xử lý tài sản tham nhũng được thu hồi, đó là việc định đoạt và trả lại tài sản.

VNHN - Điều 57 của của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đánh dấu điểm nhấn sáng tạo trong việc xử lý tài sản tham nhũng được thu hồi, đó là việc định đoạt và trả lại tài sản.

Theo đó, Công ước trao cho các quốc gia thành viên quyền định đoạt, kể cả trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp trước đó của tài sản bị tịch thu. Quy định này về nguyên tắc ghi nhận nghĩa vụ của nước được yêu cầu thu hồi phải định đoạt và hoàn trả tài sản tịch thu được và khẳng định quyền của chủ sở hữu hợp pháp sẽ được trao trả tài sản.

Ảnh minh họa

Theo Khoản 1 Điều 57 Công ước, việc xử lý tài sản có liên quan đến tội phạm tham nhũng đã bị tịch thu theo Điều 31 hoặc Điều 55, bao gồm cả việc trả lại chủ sở hữu hợp pháp, sẽ do quốc gia thành viên đã tiến hành tịch thu tài sản đó thực hiện theo quy định của Công ước và pháp luật quốc gia đó.

Khoản 2 Điều 57 Công ước quy định các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp cần thiết khác để cho phép cơ quan có thẩm quyền của mình trả lại tài sản bị tịch thu khi hành động theo yêu cầu của quốc gia thành viên khác.

Để thực thi Khoản 1 và 2, Khoản 3 Điều 57 Công ước quy định về các trường hợp và nghĩa vụ trả lại tài sản bị tịch thu:

Trong trường hợp tham ô công quỹ (Điều 17) hoặc tẩy rửa tài sản có được do tham ô công quỹ (Điều 23), khi việc tịch thu được thực hiện theo Điều 55 của Công ước và trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu cầu (quốc gia được yêu cầu có thể miễn điều kiện này), quốc gia được yêu cầu phải trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu. Như vậy, khi điều kiện về nội dung (Điều 17, Điều 23) và về thủ tục (Điều 55) được đáp ứng, quốc gia đã tiến hành tịch thu tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cho quốc gia đã yêu cầu tịch thu;

Khi việc tịch thu tài sản có được do phạm các tội quy định tại Công ước được thực hiện theo Điều 55 của Công ước và trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu cầu (quốc gia được yêu cầu có thể miễn điều kiện này) và quốc gia yêu cầu chứng minh được quyền sở hữu trước đó của mình đối với tài sản hoặc nếu quốc gia được yêu cầu coi thiệt hại đối với quốc gia yêu cầu là căn cử để trả lại tài sản, thì quốc gia được yêu cầu phải trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu;

Trong các trường hợp khác, việc trả lại tài sản bị tịch thu cho quốc gia yêu cầu hoặc chủ sở hữu hợp pháp trước đó của tài sản hoặc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của tội phạm sẽ được quốc gia tịch thu coi là ưu tiên khi xem xét xử lý tài sản đó.

Quốc gia được yêu cầu có thể khấu trừ các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để dẫn đến việc trả lại hay xử lý tài sản bị tịch thu theo Điều 57.

Việc trả lại tài sản cho nước gốc theo quy định tại Điều 57 của Công ước là một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp xét trên nhiều khía cạnh: kỹ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội…Vì vậy, Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên dành “sự quan tâm đặc biệt” nhằm đi đến các thoả thuận hoặc dàn xếp đối với từng vụ việc cụ thể để đưa ra quyết định xử lý cuối cùng đối với tài sản bị tịch thu.