20/04/2024 lúc 00:22 (GMT+7)
Breaking News

Quy định cụ thể thời hạn giám định tư pháp

VNHN - Một trong những lý do của các trường hợp giám định kéo dài, gây khó khăn cho công tác điều tra, tố tụng hình sự là vì Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định về thời hạn giám định đối với những vụ án, vụ việc. Chỉ ra tồn tại này, tại cuộc Tọa đàm về “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức”, do Ủy ban Tư pháp tổ chức, các đại biểu cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp lần này cần khắc phục khoảng trống pháp lý về thời hạn giám địn

VNHN - Một trong những lý do của các trường hợp giám định kéo dài, gây khó khăn cho công tác điều tra, tố tụng hình sự là vì Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định về thời hạn giám định đối với những vụ án, vụ việc. Chỉ ra tồn tại này, tại cuộc Tọa đàm về “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức”, do Ủy ban Tư pháp tổ chức, các đại biểu cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp lần này cần khắc phục khoảng trống pháp lý về thời hạn giám định tư pháp.

Bảo đảm tính đồng bộ, tương thích

Thiếu tướng Trần Thanh - Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời gian điều tra có hạn nhưng lại không quy định thời hạn giám định tư pháp. Tất nhiên, trong thực tế, điều tra viên có trao đổi với giám định viên tư pháp nhằm xác định thời hạn giám định nhưng trên thực tế cũng vẫn có những vụ án, vụ việc mà cơ quan được trưng cầu giám định chậm ra quyết định cử giám định viên, khiến nhiều vụ án phải gia hạn, thậm chí có những vụ án buộc phải tạm đình chỉ vì chưa có kết luận của hai bên. Đây là điều gây khó khăn nhất cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra tố tụng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại buổi tọa đàm Ảnh: Mai Thoa

Cơ bản thực tiễn thực hiện giám định chưa đáp ứng được quy định như trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định”.

Trên thực tế, giám định viên đều giữ chức danh kiêm nhiệm nên vẫn phải thực hiện các công việc chuyên môn và cùng một thời điểm có thể tiến hành giám định nhiều vụ án, vụ việc khác nhau. Các giám định viên có chuyên ngành hẹp khác nhau, vì vậy, để bảo đảm công việc chuyên môn của giám định viên, chuyên ngành hẹp phù hợp với nội dung cần giám định, cơ bản các quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra không ghi rõ họ tên người được trưng cầu giám định, mà chỉ trưng cầu giám định viên của cơ quan chủ quản tiến hành giám định. Và cũng vì chưa biết giám định viên là ai nên cơ quan điều tra chưa thể bàn giao tài liệu, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho giám định viên, đại diện Bộ Công an cho biết.

Do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể thời hạn giám định nên không có cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của giám định viên trong việc hoàn thành kết luận giám định đúng thời hạn, dẫn đến kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Nêu vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có những vụ cơ quan điều tra trưng cầu giám định, thời hạn cơ quan được trưng cầu phải gửi kết quả giám định trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 5 - 10 ngày, gây khó khăn cho giám định viên trong quá trình giám định, dẫn đến kết quả không được như mong muốn.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có chế tài đối với cơ quan được trưng cầu giám định chậm cử ra giám định viên. Nếu bổ sung quy định cơ quan được trưng cầu giám định phải chịu trách nhiệm vì chậm cử giám định viên thì ai là người chịu trách nhiệm? Cơ quan chủ quản hay giám định viên? Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Đào Thịnh Cường đề nghị, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lý các lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể, đối với từng loại giám định trong quy trình giám định nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ra quyết định trưng cầu giám định cũng như cử ra giám định viên.

Hạn chế tối đa ảnh hưởng quá trình tố tụng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp lần này nhằm khắc phục cơ bản tình trạng thời hạn giám định bị kéo dài, dẫn đến quá thời hạn tố tụng. Thực tế, muốn giới hạn thời hạn giám định thì trước hết cơ quan giám định cần khoanh vùng, xác định đối tượng giám định. Ít nhất cơ quan trưng cầu giám định phải có định hướng rõ ràng, nhất định để cơ quan được trưng cầu giám định tiến hành giám định.

Dự thảo Luật lần này đã có bước tiến là quy định thời hạn giám định, cụ thể, bổ sung Điều 26a quy định: “Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp ngoài trường hợp giám định bắt buộc theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự là 3 tháng, trường hợp phức tạp tối đa là 4 tháng; bộ, cơ quan ngang bộ quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể và việc gia hạn giám định tư pháp phải bảo đảm thời hạn tố tụng theo quy định của pháp luật.”. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đồng thời bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là: “Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định hoặc lợi dụng việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng”.

Tuy nhiên, còn một số ý kiến băn khoăn về quy định thời hạn giám định từ 3 - 4 tháng như dự thảo Luật liệu có bảo đảm hay không? Giải đáp băn khoăn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng, quy định thời hạn tư pháp như dự thảo Luật đã được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, khoa học - công nghệ… Vì vậy, quy định như dự thảo Luật đã khắc phục cơ bản hạn chế, vướng mắc liên quan đến thời hạn giám định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu vấn đề, vẫn còn Khoản 5, Điều 26a trong dự thảo Luật quy định mở ra trường hợp “có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định biết và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định”. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, mặc dù quy định này nhằm áp dụng cho những trường hợp hãn hữu, nhưng các trường hợp có thể áp dụng lại có vẻ không hãn hữu, bởi thực tế sẽ có rất nhiều lý do để nói có vấn đề phát sinh hoặc nhiệm vụ không thể hoàn thành đúng thời hạn. Dự thảo Luật cần nêu rõ thế nào là “có vấn đề phát sinh” và cơ sở nào để xác định là vấn đề phát sinh? Quy định phải bảo đảm chặt chẽ nhằm tránh trường hợp lợi dụng khoản này để kéo dài thời hạn giám định.

Chia sẻ băn khoăn này, Giám định viên Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng Đỗ Văn Hoàn cho biết, tâm lý chung của các giám định viên được phân công nhiệm vụ giám định là “hoàn thành càng sớm càng tốt”. Những hồ sơ, tài liệu gửi đến giám định viên là rất quan trọng với các cơ quan điều tra. “Chỉ cần một chút chậm trễ hay sơ sảy, chẳng may có bất cứ sự cố nào dẫn tới làm thất lạc tài liệu là đã gây nguy hiểm cho giám định viên rồi”, Giám định viên Bộ Quốc phòng cho biết. Dự thảo Luật đang hướng đến việc “khóa lại” những trường hợp làm kéo dài thời hạn giám định thì Khoản 5, Điều 26a dự thảo Luật lại quy định theo hướng “mở ra” là không phù hợp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Trưởng phòng Thanh tra bổ trợ tư pháp và quản lý giám định tư pháp, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Thụy cho rằng, nếu dự thảo Luật bổ sung quy trình giám định, trong đó có quy định chặt chẽ thủ tục, từng bước giám định tương ứng với từng thời hạn thì cơ quan giám định có muốn cũng không thể kéo dài được, thậm chí không thể chạm đến ngưỡng 4 tháng như quy định trong dự thảo Luật. Bà Thụy cũng nêu rõ, nếu bảo đảm tổ chức thực thi; trách nhiệm của các bộ, ban, ngành; quy trình giám định tốt thì vấn đề này sẽ giải quyết được một cách cơ bản.