19/04/2024 lúc 19:08 (GMT+7)
Breaking News

Quy chế xử lý thí sinh vi phạm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

VNHNO - Bộ Giáo dục khằng định sẽ hủy kết quả thi và buộc thôi học nếu bài thi của thí sinh có đủ bằng chứng gian lận

VNHNO - Bộ Giáo dục khằng định sẽ hủy kết quả thi và buộc thôi học nếu bài thi của thí sinh có đủ bằng chứng gian lận

Mùa tuyển sinh năm 2018 vừa qua đã phát hiện những dấu hiệu sai phạm ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Trong đó, với kết quả công bố tuyển sinh của các trường,  những thí sinh đỗ điểm cao vào các trường tốp đầu cả nước như công an, quân đội, y dược lại đa phần có “xuất thân” từ các tỉnh này. Do đó, các trường đại học lúng túng không biết xử lý thế nào để lọc được thí sinh gian lận.

Trả lời với báo chí về quy chế xử lí thí sinh vi phạm trong kì thi THPT Quốc gia năm nay, ông Trần Anh Tuấn - Vụ phó Giáo dục Đại học cho biết: “Đối với những bài thi của thí sinh có nghi vấn gian lận, cơ quan chức năng đang rà soát, xác minh. Những thí sinh có đủ bằng chứng gian lận sẽ bị xử lý theo quy chế và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi chưa có đầy đủ bằng chứng kết luận, thí sinh vẫn được xét tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký. Đến nay, quá trình xét tuyển đợt 1 gần như đã hoàn tất, các trường phải nhập lên hệ thống danh sách thí sinh xác nhận nhập học trước ngày 12/8 và gửi lên Bộ Giáo dục”.

Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Việc xét tuyển là trách nhiệm của trường, đặc biệt là các trường khối an ninh và quốc phòng ngoài quy định của quy chế tuyển sinh còn phải tuân thủ thêm những quy định của ngành. Quan điểm của Bộ Giáo dục là không chỉ đối với trường trong khối an ninh quốc phòng hay trường thuộc tốp trên, nếu thí sinh đã nhập học dù ở đại học nào mà phát hiện gian lận đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh và quy định của pháp luật.”

“Khi chưa chứng minh được thí sinh gian lận thì phải trả điểm thật cho các em. Khi có bằng chứng chứng minh thí sinh móc nối với bị can thì sẽ xử lý theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT” – ông cho biết.

Nguồn: Internet

Dưới đây là toàn văn về quy định việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi theo Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT:

Điều 49: xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi

Mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh.

1. Khiển trách đối với những thí sinh phạm lỗi một lần: nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác. Hình thức này do CBCT quyết định tại biên bản được lập.

2. Cảnh cáo đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách;

b) Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác;

c) Chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo do CBCT quyết định tại biên bản được lập, kèm tang vật (nếu có).

3. Đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo;

b) Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi;

c) Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.

d) Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi;

đ) Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.

CBCT trong phòng thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Trưởng Điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu Trưởng Điểm thi không nhất trí thì báo cáo Trưởng ban Coi thi quyết định.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho CBCT và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm.

4. Trừ điểm bài thi

a) Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn đó.

b) Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của môn đó.

c) Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài.

d) Cho điểm 0 (không):

- Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi;

- Có hai bài làm trở lên đối với một bài thi hoặc một môn thi thành phần;

- Bài thi có chữ viết của hai người trở lên;

- Những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.

đ) Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi hoặc môn thi thành phần nào sẽ bị điểm 0 (không) bài thi hoặc môn thi thành phần đó; không được tiếp tục dự thi các bài thi hoặc môn thi thành phần tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

e) Việc trừ điểm bài thi nêu tại điểm c và d khoản 4 của Điều này do Trưởng ban Chấm thi quyết định căn cứ báo cáo bằng văn bản của Trưởng môn chấm thi.

5. Huỷ bỏ kết quả thi đối với những thí sinh:

- Có hai bài thi trở lên bị điểm 0 (không) do phạm lỗi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;

- Viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi;

- Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

Căn cứ báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng thi, Giám đốc sở GDĐT ra quyết định hủy bỏ kết quả thi.

6. Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích;

b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp;

c) Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức;

d) Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác;

đ) Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp;

e) Có bằng chứng về vi phạm quy chế thi mà không thực hiện đúng quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 47 Quy chế này.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền dự thi trong hai năm tiếp theo.

7. Đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định; đối với các trường hợp vi phạm khác, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định tại Điều này.