29/03/2024 lúc 01:09 (GMT+7)
Breaking News

Quốc gia đầu tiên châu Á sắp yêu cầu vlogger phải xin giấy phép mới được đăng video

VNHN - Với quy định mới, những người muốn đăng video lên YouTube, TikTok,...tại Malaysia đều buộc phải có giấy phép.

VNHN - Với quy định mới, những người muốn đăng video lên YouTube, TikTok,...tại Malaysia đều buộc phải có giấy phép.

Tờ Channel News Asia đưa tin, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia - ông Saifuddin Abdullah, đã đưa ra quy định yêu cầu mọi loại phim ảnh, dù được phát hành ở định dạng nào hay đưa lên mạng xã hội, đều phải có giấy phép mới được xuất bản.


Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia - ông Saifuddin Abdullah. (Ảnh: Bernama)

"Không ai được tham gia sản xuất phim, phân phối, phát hành hay gộp cả ba chức năng trên mà không có giấy phép", ông Malaysia Saifuddin Abdullah trả lời một thành viên thuộc Nghị viện Malaysia trong phiên họp quốc hội vào sáng 23/7.

Theo ông Saifuddin Abdullah, tất cả những bên sản xuất phim đều phải có giấy phép và chứng nhận từ Tập đoàn Phát triển phim quốc gia Malaysia (FINAS).


Tất cả những bên sản xuất phim đều phải có giấy phép và chứng nhận từ Tập đoàn Phát triển phim quốc gia Malaysia (FINAS). (Ảnh: TheEdgeMarkets)

"Bên làm phim phải có giấy phép sản xuất phim và giấy phép quay phim, cho dù họ là cơ quan truyền thông chính thống hay chỉ là phương tiện truyền thông cá nhân, để đưa video lên mạng xã hội hoặc các kênh truyền thống", ông Saifuddin cho biết thêm.

Khi được yêu cầu định nghĩa chính xác về từ "phim", ông Saifuddin trả lời bằng cách trích dẫn luật định nghĩa: Phim là bản ghi trên bất kỳ tài liệu nào, bao gồm phóng sự, phim ngắn, quảng cáo phim, phim tài liệu và các phim thương mại khác được xem bởi công chúng.


Như vậy, những người muốn đăng video lên tất cả các mạng xã hội tại Malaysia đều phải có giấy phép. (Ảnh: The Quick Brown Fox)

Như vậy, quy định này buộc những người muốn đăng video lên tất cả các mạng xã hội, bao gồm những nền tảng phổ biến tại Malaysia như Instagram, YouTube, TikTok hay Facebook đều phải có giấy phép.

"Chính phủ khuyến khích tất cả mọi người, trẻ hay già, cá nhân hoặc tổ chức sản xuất bất kỳ hình thức phim nào, như tôi vừa đề cập, miễn là nó tuân thủ luật pháp", ông Saifuddin nói.


Theo ông Saifuddin Abdullah, chính phủ Malaysia khuyến khích mọi người sản xuất phim miễn là tuân thủ pháp luật. (Ảnh: FBNV)

Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia đã ngay lập tức nhận nhiều sự phản đối của giới trẻ, các hãng tin và vlogger trong nước.

Bởi theo hướng dẫn đơn xin cấp phép làm phim trên trang web của FINAS, người muốn được cấp phép buộc phải là chủ sở hữu 1 doanh nghiệp với mức phí 50.000 ringgit, tương đương 11.700 USD (khoảng 272 triệu đồng).


Giấy phép làm phim tại Malaysia yêu cầu người được cấp phép phải là chủ doanh nghiệp, với mức phí lên tới 50.000 ringgit. (Ảnh: Lowyat)

“Chẳng lẽ tôi phải có 50.000 ringgit (272 triệu đồng) để xin một cái giấy phép quay video cảnh tôi nhảy nhót linh tinh à?", một người cho biết.

Một số người dùng mạng Malaysia cũng đã phản đối quy định này, bằng cách đăng những video vô hại lên mạng xã hội, kèm theo những bình luận châm chọc: “Đây là một video làm cơm rang chưa xin phép!”, “Video này chưa có giấy phép đâu, các bạn đi báo cáo đi!”,...


Quy định này được cho là không chỉ gây trở ngại cho YouTuber tại Malaysia. (Ảnh: LiveAtPC)

Mà còn có thể gây khó khăn đối với các mạng xã hội dựa nhiều vào video như TikTok, YouTube hay Facebook. (Ảnh: Unsplash)

 

Bộ trưởng Bộ thanh niên và Thể thao Malaysia, Syed Saddiq, cho rằng quyết định này sẽ giết chết ngành sáng tạo nội dung tại Malaysia.


Bộ trưởng Bộ thanh niên và Thể thao Malaysia, Syed Saddiq. (Ảnh: Alexio)

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng giáo dục Malaysia, ông Maszlee Malik, cũng cho rằng số tiền để được cấp giấy phép là quá cao đối với những sinh viên, học sinh phải làm phim như một bài tập và tải lên các nền tảng học trực tuyến.

Nếu quy định này chính thức có hiệu lực, Malaysia sẽ là nước đầu tiên ở châu Á (và có lẽ cả trên thế giới) yêu cầu cả những người sáng tạo nội dung video trên mạng xã hội phải xin phép trước khi ghi hình.