19/04/2024 lúc 21:22 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ninh: Không chủ quan với bão số 3

VNHN - Trước diễn biến phức tạp và khả năng bão số 3 (WIPHA) sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp ứng phó...

VNHN - Trước diễn biến phức tạp và khả năng bão số 3 (WIPHA) sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp ứng phó...

Để ứng phó kịp thời với bão số 3, ngày 31/7, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn về chủ động các biện pháp phòng chống. Trước đó, ngày 30/7, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có văn bản số 15/BCĐ, tiếp đó là văn bản số 16/BCĐ (ngày 31/7/2019) về chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3 gửi đến các ngành, địa phương. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển khẩn trương thông báo cho các thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của bão; tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền đang di chuyển trong vùng nguy hiểm trên Biển Đông để hướng dẫn phòng tránh.

Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại khu vực sông Ka Long

Được biết hiện nay, số tàu thuyền của tỉnh đăng ký hoạt động là 8.460 tàu, trong đó tàu thuyền gần bờ là 8.202 chiếc. Đến thời điểm 8h, ngày 1/8/2019, 100% số tàu bè đánh bắt gần và xa bờ đã nhận được thông tin về bão, trở về neo, đậu tại các bến cá, các khu nuôi thủy sản trên biển, các bến sông và các khu neo đậu của 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các bến: Cát Bà, Đồ Sơn (TP Hải Phòng).

Cùng với đó, 14/14 địa phương trên địa bàn tỉnh đã sớm ban hành các công văn, văn bản triển khai phương án đối phó kịp thời. Tại Tiên Yên, chiều 31/7, huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp liên quan đến nội dung phòng chống cơn bão số 3. Ngoài ra, huyện còn yêu cầu các xã, thị trấn, dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung nhân lực đối phó với cơn bão này. Cũng trong sáng 1/8, huyện đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại 12/12 xã, thị trấn.

Ông Lục Văn Long, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên cho biết: Qua kiểm tra và rà soát đến nay, huyện đã kêu gọi toàn bộ 311 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân các xã về bến bãi tránh trú bão an toàn. Hiện tại, ban ngày tranh thủ nước thủy triều xuống một số cống thoát nước trong đê đang điều tiết xả nước trước tránh ngập úng nơi trũng thấp. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường lực lượng tại chỗ bảo vệ 2 tuyến đê trọng yếu là Đồng Rui và Hải Lạng.

Cũng như huyện Tiên Yên, các địa phương, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời chủ động rà soát, bổ sung phương án phòng, chống bão. Phương án đối phó với bão số 3 mà các địa phương đang triển khai đều tập trung vào những vị trí xung yếu, kêu gọi tàu thuyền vào vị trí tránh trú bão an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho dân. Riêng đối với huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn đang khẩn trương rà soát khách du lịch trên các đảo để triển khai phương án sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khách du lịch trên các đảo.

Hải đội 2 biên phòng tuyên truyền, vận động ngư dân vào bờ tránh bão

Tính đến 8h ngày 1/8/2019, toàn tỉnh có 364 khách du lịch trên các tuyến biển đảo; trong đó, huyện Cô Tô có 287 khách. Theo đó, đối với những khách có nhu cầu về đất liền, huyện đã bố trí tàu về trước 10h ngày 1/8. Đối với những du khách có nhu cầu ở lại, địa phương cũng chuẩn bị phương án sắp xếp chỗ ăn, ở chu đáo, an toàn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 3 sẽ gây mưa lớn vào đêm 2/8 và cả ngày 3/8/2019 tại khu vực Đông Bắc. Trước tình hình đó, các khu vực miền núi như Ba Chẽ, Bình Liêu đang khẩn trương rà soát khu dân cư ven sông, ven suối vùng trũng, ngầm, tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động cảnh báo, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Đối với khu vực nội thị của TP Hạ Long thường xuyên bị ngập úng cục bộ khi có mưa lớn, địa phương đang phối hợp, yêu cầu chủ đầu tư các dự án đang thi công có những biện pháp hạn chế tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường và khu vực dân cư khi có mưa lớn, đồng thời có trách nhiệm xử lý ngay hậu quả do dự án gây ra; rà soát xử lý không để xảy ra các điểm ngập úng, trong đó có phường Bạch Đằng, Hồng Hà, Hà Tu, Hà Khánh, Cao Thắng, Bãi Cháy.

Hiện nay, toàn tỉnh có 10.261 ô lồng nuôi thủy sản, tập trung tại các vùng trọng điểm: Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long, theo dự báo, mưa, gió lớn nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực nuôi trồng thủy sản trên. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương thông tin, hướng dẫn các chủ lồng phương pháp chằng chống, gia cố an toàn.

Tàu, thuyền đánh cá khu vực TP Hạ Long về nơi tránh trú bão an toàn.

Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tính đến ngày 31/7/2019, dung tích 25 hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 218/296 triệu m3 (đạt 73,6% dung tích thiết kế), các hồ chứa nước đang được vận hành an toàn. Hiện, mực nước tại các hồ chứa lớn có cửa van điều tiết đều thấp hơn mực nước được trữ theo quy trình vận hành. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ, đập, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo theo dõi thường xuyên mực nước các hồ chứa, sẵn sàng phương án tháo nước đệm khi cần thiết. Các trạm bơm tiêu lớn tại Đông Triều như: Đạm Thủy, Việt Dân, Hồng Phong, Kim Sơn và Đức Chính với tổng công suất 147.000m3/h đã sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.