25/04/2024 lúc 12:06 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ninh – Hướng tới mô hình tăng trưởng xanh kiểu mẫu

VNHN – Với mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại vào năm 2020, thời gian qua, bằng những bước nhảy vọt mạnh mẽ, Quảng Ninh luôn đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất cả nước, trở thành điểm đến lý tưởng, là nơi đáng sống, đáng đến để đầu tư và phát triển kinh doanh, gắn bó lâu dài. Quảng Ninh đã và đang tạo ra những giá trị khác biệt, khẳng định thế cạnh tranh

VNHN – Với mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại vào năm 2020, thời gian qua, bằng những bước nhảy vọt mạnh mẽ, Quảng Ninh luôn đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất cả nước,  trở thành điểm đến lý tưởng, là nơi đáng sống, đáng đến để đầu tư và phát triển kinh doanh, gắn bó lâu dài. Quảng Ninh đã và đang tạo ra những giá trị khác biệt, khẳng định thế cạnh tranh rất lớn đối với các địa phương khác trong cả nước.

Mảnh đất giàu tiềm năng và thế mạnh

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển với hơn 600 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó, Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là “Di sản thiên nhiên thế giới” về giá trị cảnh quan và địa chất, vừa được vinh danh là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới.

Toàn cảnh TP.Hạ Long

Nằm trong địa bàn động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế xã hội và tạo ra sức lan tỏa trong quá trình phát triển của cả Vùng. Là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận tiện, nhất là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cảng nước sâu Cái Lân, Quảng Ninh có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á và các nước thuộc khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc

Cầu Bãi Cháy – công trình thế kỷ của Việt Nam

Thêm vào đó, nơi đây có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú (trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á) - thuận lợi để phát triển trung tâm khai khoáng, trung tâm nhiệt điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, Quảng Ninh đang đứng trước những thách thức về phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, đối với Quảng Ninh, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh đang là yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững trong tương lai.

Khu tổ hợp giải trí Sun World HaLong Complex

Hành trình đến với nền kinh tế xanh

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch số 3741/KH-UBND ngày 9/7/2014 và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Quảng Ninh là một trong ba tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh từ tháng 7/2015.

Song song với triển khai các quy hoạch chiến lược, Quảng Ninh bắt tay ngay thực hiện 3 đột phá chiến lược: Phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, tạo động lực, đòn bẩy thực hiện tăng trưởng xanh một cách nhanh, mạnh, bền vững hơn.

Với những nỗ lực “xanh hóa”, đến nay Quảng Ninh đã từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã tăng từ 39,3% năm 2010 lên  44,8% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 là 48%; công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 49,2% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 47%; nông nghiệp giảm từ 8,7% năm 2010 xuống còn 6% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 5%.

Tuyến đường bao biển Bãi Cháy

Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đầy màu sắc sôi động ở Bãi Cháy

Lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp xanh này bằng nhiều giải pháp, như phát triển hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào du lịch, chính sách đầu tư cởi mở, tạo đà cho du lịch phát triển mạnh mẽ. Du khách đến với Quảng Ninh cũng tăng ngoạn mục, với những luồng khách mới từ rất nhiều quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc... cho tới Anh, Pháp, Đức, Mỹ...

Vịnh Hạ Long – điểm đến thu hút khách du lịch

Năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón trên 12 triệu lượt khách du lịch, đạt 102% so với kế hoạch, tăng 24% so với năm 2017. Lượng khách du lịch 1 năm gấp 10 lần dân số của tỉnh. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, đạt 105% kế hoạch, tăng 22,1% so với năm 2017; bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Quảng Ninh là 9,6 triệu lượt, đạt 69% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch 7 tháng đầu năm đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Ngành du lịch tạo ra khoảng trên 198.000 việc làm (119.000 việc làm trực tiếp, 79.000 việc làm gián tiếp).

Quảng Ninh đã bắt đầu gặt hái những "trái ngọt" từ sự quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ chưa bền vững sang bền vững, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ. TP Hạ Long được coi là minh chứng sống động cho điều này. Ngày càng nhiều các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo. Trong đó phải kể đến các dự án du lịch, nghỉ dưỡng do các nhà đầu tư tên tuổi, thương hiệu lớn đầu tư trong những năm qua, góp phần tạo nên diện mạo mới đẳng cấp cho thành phố bên bờ di sản, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, như: Khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long Bay Resort; tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex; Quần thể FLC Hạ Long với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf đẳng cấp; khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu...

Toàn tuyến đường bao núi Bài Thơ giai đoạn 2 được thiết kế 6 làn xe

FLC Hạ Long – Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế

Không chỉ Hạ Long, các địa phương TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, TX Quảng Yên, đến các huyện miền núi vùng cao như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ cũng đang dần chuyển đổi phát triển mô hình kinh tế xanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Trong đó, chú trọng chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao và phát triển bền vững.

Quảng Ninh cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có những nhà đầu tư tầm cỡ. Đến nay, tỉnh đã thu hút được vốn đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 120 dự án FDI còn hiệu lực pháp lý với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,5 tỷ USD. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng ngày một xuất hiện nhiều hơn ở tỉnh đến từ các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu… cùng với đó là hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton.

Cầu Bạch Đằng, công trình tiêu biểu cho hình thức đối tác công tư, niềm tự hào của người dân Quảng Ninh

Một trong những nhà đầu tư chiến lược tại Quảng Ninh là Sun Group đã song hành với tỉnh, đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển cả 3 đường “không-thủy-bộ” với các công trình điển hình gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam); tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cả những công trình quan trọng khác vẫn đang được triển khai như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Sân bay quốc tế Vân Đồn tiếp sức cho du lịch Quảng Ninh bứt phá

Những chuyến tàu khách quốc tế lớn cập bến tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Bên cạnh đó, tỉnh ngày càng giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện. Vấn đề môi trường được quan tâm, xử lý theo hướng bền vững hơn. Nhằm cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra, tỉnh đã chi trên 157 tỷ đồng lắp đặt 27 trạm quan trắc môi trường tự động; triển khai các dự án cải tạo ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long; ngành Than triển khai xây dựng trên 40 trạm xử lý nước thải mỏ, thực hiện cải tạo hoàn nguyên môi trường trên 800ha bãi thải mỏ tại khai trường khai thác than, vận chuyển than bằng hệ thống băng tải kín, đầu tư công nghệ tuyển nổi và xoáy lốc huyền phù trong chế biến, sàng tuyển than.

Nhằm cải tạo môi trường, ngành than triển khai xây dựng trên 40 trạm xử lý nước thải mỏ

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%.

Giá sự khác biệt của chiến lược tăng trưởng xanh

Với những chiến lược phát triển khác biệt để bền vững, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn thuộc top đầu của cả nước về tăng trưởng kinh tế. Nhìn lại 5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh đã cho thấy giai đoạn tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm lần lượt là 11% năm 2015, 10,1% năm 2016, 10,2% năm 2017 và 11,1% năm 2018. Năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 11,6%. Nếu năm 2013 GDP bình quân đầu người đạt 2.958 USD/người thì năm 2018 con số này đã tăng gần gấp đôi với 5.110 USD/người.

Để đạt được những thành tựu đó, Quảng Ninh đã xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ khối tư nhân để phát triển. Với những nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, Quảng Ninh không chỉ là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành công trong thu hút đầu tư tư nhân mà còn 2 năm liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) vào năm 2017 và 2018.

Với quan điểm phát triển du lịch Quảng Ninh bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, Quảng Ninh đã tập trung xác định các chiến lược đột phá về thu hút đầu tư, lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách quản lý nhằm giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển du lịch.

Những quan điểm, nghị quyết, chỉ thị liên quan đến tăng trưởng xanh của Quảng Ninh đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng và thực tiễn địa phương, Quảng Ninh đã sáng tạo những cách làm mới, mô hình mới, thậm chí là chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam. Qua đó, khẳng định sự đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị địa phương; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng…

Giáo sư Đặng Hùng Võ từng khẳng định: “Hạ Long - Quảng Ninh đang ở thời kỳ hoàng kim của bất động sản nghỉ dưỡng, khi hàng loạt dự án được đầu tư chuyên nghiệp, quy mô và đồng bộ, hứa hẹn tạo đà thu hút khách du lịch vượt trội”. “Ngôi vương” của Quảng Ninh đang rất gần, bởi đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh là những con “sếu đầu đàn” của ngành du lịch Việt.