24/04/2024 lúc 09:31 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ninh: “Đánh thức” tiềm năng du lịch Bình Liêu

VNHN – Với lợi thế về phong cảnh miền núi tươi đẹp, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, Bình Liêu là địa phương có sẵn những lợi thế khác biệt, thu hút du khách bốn phương tới khám phá mảnh đất và con người nơi đây. Khai thác lợi thế du lịch Bình Liêu sẽ tạo ra bước đột phá về dịch vụ, đưa nền kinh tế - xã hội của huyện miền núi biên giới lên một tầm cao mới.

VNHN – Với lợi thế về phong cảnh miền núi tươi đẹp, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, Bình Liêu là địa phương có sẵn những lợi thế khác biệt, thu hút du khách bốn phương tới khám phá mảnh đất và con người nơi đây. Khai thác lợi thế du lịch Bình Liêu sẽ tạo ra bước đột phá về dịch vụ, đưa nền kinh tế - xã hội của huyện miền núi biên giới lên một tầm cao mới.

Bình Liêu mang vẻ đẹp nguyên sơ với những ngôi nhà sàn, nhà trình tường bên những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín

Tiềm năng tạo cơ hội

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh. cách thành phố Hạ Long 108km với đường biên giới giáp với Trung Quốc dài nhất tỉnh. Là địa phương biên giới, Bình Liêu có Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu kinh tế đa ngành. Cửa khẩu Hoành Mô được công nhận là cửa khẩu chính đóng vai trò quan trọng trong mô hình “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai điểm đột phá” của tỉnh Quảng Ninh; nằm trên tuyến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đây là những điều kiện thuận lợi, tiềm năng rất lớn để các nhà đầu tư đến đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu với nước bạn Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á.

Cửa khẩu Hoành Mô – Đòn bẩy hội nhập kinh tế vùng cao biên giới

Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu trong lành, mát mẻ; cấu trúc địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên miền núi tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang, cao nguyên trù phú, những rừng hồi, rừng quế, rừng sở thơm ngát; vẻ đẹp tự nhiên của các danh thắng như: thác Khe Vằn, bãi đá thần đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm...,đường biên giới hùng vĩ với những cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia.

Thác Khe Vằn là một trong những thắng cảnh tự nhiên đang được huyện tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư để khai thác tốt các giá trị tiềm năng, đi đôi với bảo tồn tự nhiên

Mùa cỏ lau đẹp trắng cả một vùng trời miền biên viễn

Trắng tinh khôi mùa hoa sở

Bên cạnh đó, với diện tích đất lâm nghiệp lớn, Bình Liêu có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế rừng với các loại cây công nghiệp, cây dược liệu như: Hồi, quế, sở, trẩu, thông, keo, sa mộc, cây dược liệu... Đây là nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm nghiệp.

Núi Cao Xiêm – nóc nhà của Quảng Ninh, nơi giao thoa đất trời vùng Đông Bắc

Cùng với điều kiện tự nhiên, Bình Liêu có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú.  Huyện có khoảng 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ). Phong tục tập quán trong sinh hoạt, sản xuất của đồng bào cùng cảnh quan thiên nhiên các bản làng là điều kiện thuận lợi để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Kiêng gió của người dân tộc Sán Chỉ, xã Húc Động, hội hát Soóng cọ (dân tộc Sán Chỉ), hát then (dân tộc Tày), hát Pả Dung (dân tộc Dao)...

Chị em dân tộc Sán Chỉ chơi đánh quay tại lễ hội đình Lục Nà năm 2019

Bình Liêu cũng là địa phương còn giữ được nét văn hóa bản địa đặc sắc của những bản làng dân tộc với những mái nhà đơn sơ, mộc mạc, những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ tại các bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Cao Thắng (xã Lục Hồn). Nhiều bản làng còn hoang sơ như bản Đồng Thanh (xã Hoành Mô)... vẫn còn gìn giữ, bảo tồn được những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Bản Đồng Thanh đẹp như một bức tranh với cuộc sống bình yên bên những ngôi nhà cổ

Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn luôn có ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc. Hòa trong cảnh sắc thiên nhiên đó là cuộc sống êm đềm, giản dị, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tất cả đã tạo nên giá trị khác biệt của huyện Bình Liêu, là nguồn tài nguyên vô giá để huyện phát triển những loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biên giới với bản sắc riêng, tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh Quảng Ninh.

Sống lưng khủng long hùng vĩ, đường đến với cột mốc 1305, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc

Sáng tạo, đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở khai thác những điều kiện, tiềm năng để phát triển du lịch, từ năm 2014, Cấp ủy, chính quyền huyện đã luôn cố gắng phát huy nội lực, những tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, đưa ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế.  Huyện xác định mục tiêu trong năm 2019 phấn đấu đưa ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng tâm của huyện với tốc độ tăng giá trị sản xuất trong năm 2019 đạt trên 16,5%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Với mục tiêu trên, huyện tiếp tục duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống, nếp sinh hoạt và văn hóa đặc sắc các dân tộc; nâng cao chất lượng các dịch vụ phụ trợ phục vụ phát triển du lịch như hệ thống nhà hàng, khách sạn gắn với cung ứng các sản phẩm OCOP địa phương.

Song, thực tế hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, manh mún.  Để khai thác tối đa thế mạnh, huyện tích cực đẩy mạnh các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, nghỉ dưỡng trên địa bàn thông qua triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các chương trình đồng hành, tháo gỡ khó khăn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời, tăng cường huy động vốn và đầu tư, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào lĩnh vực dịch vụ; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị... Thêm nữa, nâng cao chất lượng dịch vụ công và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, đối với Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, việc hoàn thành xây dựng, nâng cấp cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung (Trung Quốc) có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại, du lịch giữa Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Thời gian tới, huyện tập trung phát triển dịch vụ logistics, xây dựng bến bãi hạ tầng, góp phần hoàn thiện các khu chức năng trong khu vực cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, kiểm tra xuất khẩu hàng hóa.

Bằng những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, tin tưởng Bình Liêu sẽ có bứt phá mạnh mẽ trong những ngành dịch vụ thế mạnh, sẵn sàng hân hoan hướng tới chào mừng lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và 70 năm ngày giải phóng huyện Bình Liêu, với niềm vui to lớn trước những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện trong thời gian qua./.