29/03/2024 lúc 04:13 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Nam: Sóng lớn gây sạt lở nghiêm trọng tại xã đảo Tam Hải – Núi Thành

VNHN - Trong những ngày qua do ảnh hưởng của bão số 5 (bão Matmo), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, đi kèm với sóng và nước biển xâm thực khiến  gần 1km bờ biển khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải bị sạt lở nghiêm trọng.

VNHN - Trong những ngày qua do ảnh hưởng của bão số 5 (bão Matmo), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, đi kèm với sóng và nước biển xâm thực khiến  gần 1km bờ biển khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải bị sạt lở nghiêm trọng.

Tình trạng sạt lở tại xã đảo Tam Hải diễn ra hơn 10 năm trở lại đây. Hiện nay, trung bình mỗi năm, sóng biển lấn sâu vào bờ biển ở thôn Bình Trung và cửa biển Cửa Lở khoảng 15m.

Do anh hưởng của bão số 5 (Matmo), kèm theo mưa lớn nên những ngày qua, bờ biển khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải bị sóng lớn đánh mạnh, gây sạt lở một khu vực rộng lớn kéo dài gần 1km, ăn sâu vào đất liền đến 10m. Nhiều cây phi lao dọc bờ biển bị sóng đánh bật gốc và năm ao nuôi tôm của người dân bị cuốn trôi, đe dọa hàng trăm ao nuôi tôm khác gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của hơn 200 hộ dân nơi đây.

Ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, sóng biển to đã khiến bờ biển khu vực Cửa Lở ở thôn 4, thôn 6, bờ biển thuộc thôn Thuận An tiếp tục bị sạt lở sâu vào đất liền kéo dài hơn 1 km. Hiện tại, ở khu vực Cửa Lở, nước biển chỉ còn cách khu dân cư chưa đến 200 mét. Sóng biển và triều cường tiếp tục ăn sâu vào đất liền nhiều khả năng sẽ làm hàng chục hồ nuôi tôm của người dân xã Tam Hải bị thiệt hại nặng trong vài ngày tới, nếu trên biển có sóng cấp 6, cấp 7. Khu vực tuyến luồng hàng hải ở thôn 6 chạy lên phía cảng Tam Hiệp xuất hiện tình trạng sạt lở một số nơi.

Sóng biển và triều cường tiếp tục ăn sâu vào đất liền kéo dài hơn 1 km

“Tình trạng sạt lở tại xã đảo Tam Hải diễn ra hơn 10 năm trở lại đây. Hiện nay, trung bình mỗi năm, sóng biển lấn sâu vào bờ biển ở thôn Bình Trung và cửa biển Cửa Lở khoảng 15m. Những rặng dừa, phi lao giờ đã bị sóng biển đánh trơ gốc song song với nhà cửa, ao tôm của người dân vùng ảnh hưởng cũng bị buộc phải di dời. Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã quan tâm, triển khai thực hiện xây dựng tuyến kè cứng bê tông dọc bờ biển  cho 2 thôn Tân Lập và Thuận An. Còn tại thôn Bình Trung, tỉnh cũng đã có chủ trương kè bê tông nhưng hiện chưa có nguồn kinh phí nên hiện tại mới hổ trợ người dân làm các biện pháp tạm thời như cắm cọc tre, gỗ làm kè và đặt bao cát chắn sóng.” - Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết thêm.

Nhiều cây phi lao dọc bờ biển bị sóng đánh bật gốc

Hiện tại để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân ở những khu vực bị sạt lở bờ biển, chính quyền xã Tam Hải đã xây dựng phương án di chuyển dân cư, nhất là những hộ có người già yếu, neo đơn và trẻ em đến ở tạm nhà người thân, nhà sinh hoạt cộng đồng và trụ sở cơ quan để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

Được biết, hiện nay xã Đảo Tam Hải là một trong 3 trụ cột của tam giác kinh tế biển đảo gồm; (Đảo, Cù Lao Chàm - Tam Hải - Lý Sơn). Có lẽ vì địa thế đặc biệt, một mặt giáp biển và ba mặt giáp sông nằm tách biệt với bên ngoài, nên Tam Hải vẫn giữ được một văn hóa sống rất gần gũi, bình dị lưu truyền qua nhiều đời và đâu đó trong cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây, sự mến khách,thân thiện và nhiệt tình đã làm biết bao nhiêu vị khách đi qua đã không khỏi lưu luyến. Tam Hải như hòn ngọc thô của biển đảo Quảng Nam.

“Hiện xã đảo Tam Hải còn đang được tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án trình Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu”.