24/04/2024 lúc 09:52 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Nam: Khắc phục điểm nghẽn về thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, chủ đầu tư

Tại Quảng Nam, chính quyền quyết định khắc phục tình trạng giải ngân ì ạch, không đưa hết vốn vào nền kinh tế bằng hàng loạt giải pháp. Các chủ đầu tư không khoán trắng cho địa phương bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại Quảng Nam, chính quyền quyết định khắc phục tình trạng giải ngân ì ạch, không đưa hết vốn vào nền kinh tế bằng hàng loạt giải pháp. Các chủ đầu tư không khoán trắng cho địa phương bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo UBND tỉnh đủ thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C, giảm bớt quy trình, thủ tục, thời gian, tăng trách nhiệm, chủ động của chính quyền...Các dự án hoàn thành tất cả thủ tục đầu tư năm 2021 để đầu năm 2022 chính thức triển khai. Không giao kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án nhóm C đến ngày 30/11/2021 chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và nhóm B chưa trình HĐND tỉnh.

Các sở chuyên ngành được yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Kiểm soát năng lực tư vấn, chất lượng hồ sơ.

Kế hoạch cắt, giảm, điều chuyển dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án chậm tiến độ sang 00 dự án khác trở thành thông lệ. Những công trình khởi công mới năm 2022 đã được HĐND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư, UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện dự án sẽ bị điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 nếu đến ngày 31/3/2022 chưa có quyết định phê duyệt dự án. Những công trình đã được HĐND tỉnh thống nhất tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh (khóa X) đến ngày 31/5/2022 chưa phê duyệt dự án sẽ bị cắt giảm kế hoạch vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh; ngân sách nhà nước ngày càng hạn chế. Mỗi đồng vốn được phân bổ phải có giá trị thúc đẩy sự phát triển. Việc lựa chọn nhà thầu không đúng năng lực sẽ bị loại bỏ. Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán về hiệu quả sử dụng vốn. Có thể ít dự án khởi công mới, nhưng là lựa chọn để có tỷ lệ giải ngân tốt.

Sự mới mẻ, khác biệt này đều cần thiết. Nhưng, nguồn lực nhiều hay ít hay cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới, loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết... không quá quan trọng bằng việc làm cách gì để tiêu hết vốn, đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% vào năm 2022?

Kế hoạch cắt, giảm, điều chuyển dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án chậm tiến độ sang 00 dự án khác trở thành thông lệ.

Các ban quản lý đầu tư cấp huyện có thêm chức năng làm dịch vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chính quyền sẽ mở những cuộc thanh tra về đấu thầu, đánh giá hồ sơ năng lực thực tế, lựa chọn tư vấn, nhà thầu chất lượng, xử lý những nhà thầu yếu năng lực, không đảm bảo tiến độ theo cam kết hợp đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết; các sở chuyên ngành được yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Kiểm soát năng lực tư vấn, chất lượng hồ sơ.

Người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và chất lượng của hồ sơ, thủ tục dự án. Sẽ xem xét, kỷ luật đối với các chủ đầu tư, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn của các dự án... cần tính đến chuyện chủ đầu tư để mất vốn chuyển sang dự án khác phải chịu kỷ luật áp dụng vào thực tiễn được không?

Số liệu giải ngân từng đơn vị, mọi thông tin về đấu thầu (mời thầu, dự thầu, trúng thầu...) sẽ được cập nhật thường xuyên trên một phần mềm quản lý thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư. Kiểm điểm trách nhiệm hay thi đua không quan trọng bằng sự chỉ đạo quyết liệt. Khắc phục điểm nghẽn về thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, chủ đầu tư... thực sự là giải pháp mạnh hơn những chế tài khác. Có thể hy vọng kể từ năm 2022, tỷ lệ giải ngân sẽ ngày càng được cải thiện. Cơ quan quản lý cần rà soát, thẩm định chặt chẽ sự bức thiết, quy mô, tổng mức, hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh.

Vốn ngân sách sẽ tạo xung lực dẫn dắt, thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, nguồn ngân sách địa phương dành phần lớn cho dự phòng, đối ứng các dự án ODA, bội chi và trả nợ vay đến hạn, phân bổ cho cấp huyện, cho các dự án cấp tỉnh và hỗ trợ cấp huyện. Tổng vốn đầu tư công năm 2022 theo dự kiến của UBND tỉnh khoảng 7.169 tỷ đồng. Thế nhưng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 sẽ giảm hơn 1.565 tỷ đồng so với dự kiến của địa phương.

Không chỉ nguồn ngân sách trung ương giảm hơn 1.044 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương cũng bị “cắt” đến hơn 520,3 tỷ đồng. Con số được ấn định đầu tư chỉ khoảng 5.604 tỷ đồng, bao gồm hơn 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương và nguồn ngân sách trung ương (chưa tính 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 1.404 tỷ đồng).

Kế hoạch vốn dự kiến sẽ được bố trí cho các dự án quyết toán hoàn thành, hoàn thành trước năm kế hoạch, các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành năm kế hoạch (khoảng 70 - 80% tổng mức đầu tư phần ngân sách tỉnh), dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành sau năm kế hoạch. Kế hoạch vốn còn lại dành cho 72 dự án khởi công mới năm 2022 chỉ khoảng 384 tỷ đồng (dự án nhóm B khoảng 8%, nhóm C khoảng 24%).

Nguồn vốn trong nước ngân sách trung ương dành phần lớn cho các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 (hơn 542,2 tỷ đồng), cho các dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025 hơn 296,7 tỷ đồng (dự án hoàn thiện đường ven biển 129 chiếm đến hơn 190,5 tỷ đồng). Nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối vốn trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn dự báo nhưng số dự án các ngành, địa phương đề xuất khá nhiều nên phải tính toán cụ thể.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Quang Thử cho hay; khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, tạo quyền chủ động cho cấp huyện, xã. Vốn ngân sách sẽ tạo xung lực dẫn dắt, thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án khởi công mới năm 2022 hay dự án chuẩn bị đầu tư năm 2023 sẽ được cân nhắc, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý.

Một cuộc khảo sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh tại 17/18 địa phương từ ngày 9/9 đến ngày 2/11/2021 ghi nhận danh mục dự án khởi công mới 2022 cần thiết, phù hợp. Nhưng cũng không ít dự án chưa rõ tính cấp thiết, thiếu quy hoạch ngành, tổng mức đầu tư cao, chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn, rập khuôn các hạng mục của nhiều dự án. Trong khi đó, một số công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão hoặc các công trình cần thiết khác phải được đầu tư sớm lại chưa được đề xuất vào danh mục đầu tư năm 2022./.