19/04/2024 lúc 03:57 (GMT+7)
Breaking News

Quản lý hay Lãnh đạo?

VNHN - Chúng ta ai cũng đã từng một lần có thắc mắc này hoặc đặt ra câu hỏi: “Quản lý và Lãnh đạo khác nhau ra sao?” nhưng các câu trả lời đều không có được sự cô đọng và súc tích nhất định. Vậy đâu là những điểm khác biệt rõ ràng và cơ bản nhất giữa hai khái niệm này? Và làm cách nào để bạn có thể cải thiện được các kỹ năng cần thiết ở vai trò quản lý lẫn lãnh đạo?

VNHN - Chúng ta ai cũng đã từng một lần có thắc mắc này hoặc đặt ra câu hỏi: “Quản lý và Lãnh đạo khác nhau ra sao?” nhưng các câu trả lời đều không có được sự cô đọng và súc tích nhất định. Vậy đâu là những điểm khác biệt rõ ràng và cơ bản nhất giữa hai khái niệm này? Và làm cách nào để bạn có thể cải thiện được các kỹ năng cần thiết ở vai trò quản lý lẫn lãnh đạo?

 

Trở lại với câu hỏi đặt ra đầu bài, nhiều tài liệu đã đưa ra cách phân biệt hai khái niệm này theo hướng quản lý thì tập trung vào việc vận hành và kiểm soát vận hành còn lãnh đạo thì tập trung vào thay đổi và đột phá. Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng không ít người mặc dù giữ chức vụ lãnh đạo nhưng chưa thực hiện được đúng vai trò lãnh đạo mà chỉ dừng ở mức độ quản lý. Do đó, bạn nên nắm bắt được những khác biệt cơ bản nhất giữa hai khái niệm này và phản ánh với thực tế vị trí hiện tại của mình để xác định mình nên chú trọng phát triển hơn khía cạnh nào. Sau đây là 3 yếu tố giúp bạn phân biệt quản lý và lãnh đạo.

Lãnh đạo là người đưa ra ý tưởng, quản lý là người thực thi ý tưởng

Lãnh đạo là người có nhiệm vụ nghĩ ra và đưa những ý tưởng mới vào kế hoạch của công ty trong giai đoạn tiếp theo. Nhà lãnh đạo phải luôn có tầm nhìn, đồng thời không ngừng phát triển các chiến lược và chiến thuật mới. Do đó họ cần phải có hiểu biết về các xu hướng, các nghiên cứu và cập nhật kỹ năng mới nhất. Trong khi đó, nhà quản lý sẽ duy trì và vận hành những gì đã được thiết lập để đảm bảo hoạt động suôn sẻ như kế hoạch. Nhà quản lý phải luôn để mắt tới nhân viên cấp dưới và duy trì kiểm soát thường xuyên để đảm bảo hoạt động của các bộ phận trong công ty. Vì trực tiếp làm việc với nhân viên nên họ am hiểu nhân viên của mình, biết rõ ai là người phù hợp nhất với những nhiệm vụ cụ thể.

Lãnh đạo củng cố niềm tin, quản lý giám sát và dẫn dắt về mặt công việc

Lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên. Nếu mọi người hào hứng với ý tưởng của bạn thì đó chính là bởi họ đã được bạn truyền “lửa” và niềm tin. Còn ở vai trò nhà quản lý, họ có nhiệm vụ duy trì kiểm soát đối với nhân viên để nhân viên phát huy khả năng lớn nhất nhằm tạo ra sản phẩm và tăng lợi nhuận cho công ty. Để làm việc này một cách hiệu quả, nhà quản lý cần phải am hiểu các xu hướng hành vi, sở thích, đam mê và kỳ vọng về phúc lợi của cấp dưới.

Lãnh đạo hỏi “cái gì và tại sao”, quản lý hỏi “như thế nào và bao giờ”

Nếu công ty phạm phải sai lầm nào đó thì lãnh đạo sẽ là người đặt ra câu hỏi: “Chúng ta học được gì từ sai lầm này?” và “Tại sao trong kế hoạch ban đầu không cân nhắc đến trường hợp này?” Tuy nhiên, nhà quản lý thì lại không chú trọng vào những sai lầm. Nghề của họ là hỏi “như thế nào” và “bao giờ” để đảm bảo kế hoạch sẽ được thực hiện như dự định.

Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn rằng lãnh đạo là vai trò “cao quý” và cần được tập trung phát triển hơn quản lý. Trên thực tế, thành công vẫn phụ thuộc phần lớn vào công tác vận hành, kiểm soát dựa trên các hệ thống, quy trình và sự ổn định. Và tất cả những công việc này đều là trách nhiệm của quản lý. Nếu không có nhà quản lý, mọi ý tưởng của nhà lãnh đạo chỉ là những giấc mơ thôi! Do vậy, sau khi phân biệt rõ hai khái niệm này, bạn phải tiến hành xem xét để phát triển khía cạnh cần thiết của quản lý và lãnh đạo trong những người đứng đầu của tổ chức mình.

Nên nhớ rằng để đứng vững và thành công, tất cả các đội nhóm và doanh nghiệp phải kết hợp giữa duy trì và thay đổi. Họ phải vừa vận hành vừa đổi mới, vừa giữ vững hướng đi đã đặt ra nhưng vẫn phải sẵn sàng thay đổi. Lý tưởng hóa lãnh đạo và xem nhẹ quản lý chỉ khiến cho các thử thách mà doanh nghiệp phải đối mặt trở nên khó khăn hơn.