25/04/2024 lúc 07:49 (GMT+7)
Breaking News

Quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong quan hệ với Liên Hợp quốc

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương đưa Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, phải hơn 30 năm sau, năm 1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp quốc.

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương đưa Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, phải hơn 30 năm sau, năm 1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp quốc. Từ đó tới nay, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại Liên Hợp quốc, có những đóng góp quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết tập trung phân tích làm rõ quan điểm, chủ trương của Việt Nam; thành tựu và triển vọng quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Định Quý tại lễ đặt quốc kỳ Việt Nam vào hàng cờ của các nước ủy viên HĐBA

Từ khóa: quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh và Đảng ta về quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc

Sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đề nghị Liên Hợp quốc kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp quốc. Trong Điện văn gửi Tổng thống Mỹ H.Tơruman (tháng 10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh hoan nghênh việc thành lập Ủy ban Tư vấn Viễn Đông thuộc Liên Hợp quốc, cho rằng với nền độc lập đã thực sự giành được, tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Việt Nam cũng như mong muốn được hợp tác với các nền dân chủ trên thế giới của Việt Nam thì Việt Nam xứng đáng được trở thành thành viên của Ủy ban(1).

Để bảo vệ nền độc lập dân tộc­, trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (tháng 10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp tái chiếm miền Nam Việt Nam và khẳng định “Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên Hợp quốc”(2). Người đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể: “(1) Vấn đề liên quan tới Nam Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Tư vấn Viễn Đông. (2) Đoàn đại biểu Việt Nam phải được phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam. (3) Một Ủy ban điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam. (4) Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên Hợp quốc công nhận”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Liên Hợp quốc có vai trò quan trọng vì chủ trương ủng hộ quyền tự do và độc lập của các dân tộc.

Tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đại diện Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc tại Liên Hợp quốc và tha thiết yêu cầu các nước công nhận nền độc lập của Việt Nam và tiếp nhận Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc. Trong Công hàm gửi Chính phủ Trung Quốc, Mỹ, Anh và Liên Xô tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn thông qua Liên Hợp quốc để vạch rõ tội ác xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Như vậy, ngay từ sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia các tổ chức và phong trào quốc tế, tuân thủ tôn chỉ, mục đích, cũng như vận dụng luật lệ của các tổ chức quốc tế để trợ lực cho cách mạng Việt Nam. Dù trong các văn bản chính thức của Việt Nam thời kỳ đó chưa từng đề cập khái niệm “ngoại giao đa phương” hay “đối ngoại đa phương”, song rõ ràng, Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương đưa Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức quốc tế rộng lớn nhất là Liên Hợp quốc và tuân thủ những quy tắc chung trong quan hệ quốc tế(4).       

Trong thời kỳ từ 1975 đến trước Đại hội VI (1986), Đảng ta chủ trương tiếp quản tư cách thành viên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, nhất là Liên Hợp quốc và các định chế tài chính quốc tế. Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt trong đường lối đối ngoại với tinh thần “Mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế,... Mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”(5).

Giai đoạn từ năm 1986 đến 1990, Việt Nam bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại giao chủ yếu tại Liên Hợp quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc và Phong trào Không liên kết, từng bước cải thiện quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ cho Việt Nam. Đại hội VII (1991) nêu rõ nhiệm vụ của công tác đối ngoại là “Góp phần làm cho Liên Hợp quốc phục vụ đắc lực hơn những mục tiêu của nhân loại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hợp tác với các tổ chức tài chính và tiền tệ quốc tế cũng như các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ”(6).

Đại hội XI của Đảng (2011) khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế... Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc...”(7).

Đại hội XII của Đảng (2016) đã có bước phát triển mới về công tác đối ngoại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”(8).

2. Thực tiễn quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc

Trước năm 1975, mặc dù chưa gia nhập Liên Hợp quốc nhưng Việt Nam luôn coi trọng tổ chức đa phương, rộng lớn và quan trọng này. Đây là diễn đàn để Việt Nam bày tỏ quan điểm, kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, ngày 15-9-1976, Việt Nam tiếp quản vị trí hội viên của chính quyền Sài Gòn tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); ngày 21-9-1976, tiếp nhận ghế chính thức tại Ngân hàng thế giới (WB); ngày 23-9-1976, gia nhập Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Sau nhiều lần Mỹ cản trở Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, ngày 20-9-1977, Mỹ và các nước thành viên khác đã đồng ý kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 149 của Liên Hợp quốc. Ngay sau khi Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc, Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham gia Khóa họp 32 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc với chủ trương “tham gia Liên Hợp quốc và dùng diễn đàn Liên Hợp quốc để tập hợp thêm lực lượng có lợi cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, đồng thời có lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(9). Hoạt động ở Liên Hợp quốc, Việt Nam đã giữ vững đường lối quốc tế của Đảng, luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, đoàn kết các lực lượng XHCN, độc lập dân tộc và dân chủ trong mặt trận đấu tranh chung vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống các chế độ phát xít, đồng thời tranh thủ thêm điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta(10). Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX, mặc dù một số nước tư bản chủ nghĩa cô lập, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á ngừng cấp vốn hỗ trợ, nhưng Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với một số tổ chức quốc tế và có một số lĩnh vực được đẩy mạnh qua việc triển khai tại các diễn đàn đa phương như Phong trào Không liên kết, Liên Hợp quốc và ASEAN nhằm phá vỡ sự bao vây, cô lập. Nhờ vậy, từ tháng 5-1975 đến năm 1986, Việt Nam đã tham gia 33 tổ chức quốc tế và 19 điều ước quốc tế.

Trong giai đoạn này, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế. Liên Hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn về nhiều mặt với tổng viện trợ hơn 500 triệu USD(11).

Các tổ chức của Liên Hợp quốc như: Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển xã hội, trong đó tập trung cho giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình. Hợp tác với Liên Hợp quốc đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời, trong bối cảnh bị bao vây cấm vận, việc hợp tác với Liên Hợp quốc tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây. Từ năm 1978 đến tháng 3-1981, IMF đã cho Việt Nam vay 205,7 triệu USD. Năm 1978, Việt Nam vay của WB 60 triệu USD(12).

Từ năm 1986 đến năm 1991, đối ngoại Việt Nam có nhiệm vụ hàng đầu là “tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc góp phần phá thế cấm vận về kinh tế, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH(13).

Thời kỳ này, các nước phương Tây đã tiến hành bao vây cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam. Chính vì vậy, việc triển khai công tác ngoại giao của Việt Nam giai đoạn này vô cùng khó khăn. Việt Nam bị cô lập tại các hội nghị quốc tế, hoạt động ở Liên Hợp quốc rất khó khăn vì bất kỳ cuộc họp nào,vấn đề Campuchia cũng được nêu ra để công kích ta(14).

Giai đoạn này, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì sự hỗ trợ phát triển của Liên Hợp quốc, khi bị hầu hết các nước phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế gây khó khăn trong phát triển kinh tế. Việt Nam là một trong những nước nhận được viện trợ nhiều nhất của Liên Hợp quốc. Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về tái thiết và phát triển, các tổ chức của Liên Hợp quốc đã vượt ra khỏi chức năng hỗ trợ kỹ thuật để cung cấp viện trợ không hoàn lại cho các dự án đầu tư và nhập các vật tư, trang thiết bị thiết yếu (chiếm tới 80% nguồn vốn Liên Hợp quốc dành cho Việt Nam, trong khi đối với các nước chậm phát triển khác thì tỷ lệ này chỉ là 15%)(15). Đầu những năm 1990, khi nguồn viện trợ từ các nước XHCN giảm đột ngột thì Liên Hợp quốc là nguồn viện trợ gần như duy nhất, góp phần đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của đất nước, đồng thời tạo cơ sở quan trọng về năng lực thể chế, khoa học kỹ thuật cho những năm  sau này.

Việt Nam cũng tranh thủ được sự ủng hộ của các nước đối với Chương trình hành động toàn diện để giải quyết vấn đề người tị nạn ở Đông Nam Á. Đến năm 1991, vấn đề này được giải quyết về cơ bản, được Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn  (UNHCR) và các nước đánh giá cao. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã tham gia 8 công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền, các công ước Giơnevơ về bảo vệ tù binh và nạn nhân chiến tranh, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động chung của Liên Hợp quốc về nhân quyền và xã hội(16).

Về văn hóa, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO ra nghị quyết công nhận Hà Nội là “Thành phố vì Hòa bình” và Hà Nội đã được chọn là địa điểm tổ chức Lễ phát động Năm quốc tế Văn hóa hòa bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Hà Nội. Như vậy, giai đoạn 1986-1991, Liên Hợp quốc và Phong trào Không liên kết là hai diễn đàn quan trọng để Việt Nam đề cao chính sách đối ngoại độc lập và yêu chuộng hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới, đấu tranh với những chống phá của các thế lực thù địch, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách bao vây, cấm vận(17).

Tiếp đó, chúng ta đã nỗ lực khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Tại Liên Hợp quốc, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 1997, thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 1997-2000, Ủy ban Nhân quyền giai đoạn 2001-2003, Hội đồng Chấp hành UNDP/UNFPA giai đoạn 2000-2002, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giai đoạn 1991-1993, giai đoạn 1997-1999, và giai đoạn 2003-2005. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tham dự nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp quốc (1995), Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ (tháng 9-2000), các hội nghị quốc tế về môi trường, an ninh lương thực, tài chính cho phát triển, nhân quyền, dân số và phát triển, phụ nữ, trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, phòng chống HIV/AIDS,...

Song song với việc tham gia các chương trình hành động của các hội nghị quốc tế, Việt Nam đã triển khai ở trong nước các chính sách và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo việc thực hiện các chương trình hành động quốc tế. Từ năm 1995, Việt Nam tham gia và báo cáo đều đặn cho cơ chế đăng kiểm vũ khí của Liên Hợp quốc; từ năm 1996 bắt đầu tham gia đóng góp vào ngân sách cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và từ năm 2014 bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Ngay từ thập niên 90 thế kỷ XX, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm đối với nỗ lực gìn giữ hòa bình thông qua việc đóng góp tài chính, triển khai lực lượng theo hình thức cá nhân là những điều phối viên, quan sát viên, sỹ quan liên lạc, sỹ quan tham mưu tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Năm 2019 đánh dấu mốc tròn 5 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã cử hàng trăm quân nhân tham gia, trong đó có 43 lượt sỹ quan đi làm nhiệm vụ trên cương vị cá nhân và 126 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc biên chế của 2 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành huấn luyện và triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẽ thay thế cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan; Liên Hợp quốc đã trao tặng cán bộ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình.

Từ 2006 đến nay, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm thành công các vị trí: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (2008-2009), Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị (2009), Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (2013-2014), thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), tiếp tục được bầu vào cơ quan lãnh đạo của một số quỹ, chương trình, tổ chức chuyên môn của Liên Hợp quốc như Chương trình phát triển/ Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNDP/ UNFPA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thức 132 (2015).

 Ngày 2-1-2020, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, mở đầu nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an 2020-2021, thông qua chương trình làm việc tháng 1-2020 do Việt Nam đề xuất. Theo đó, dự kiến Hội đồng Bảo an có 12 cuộc họp công khai, 15 cuộc họp kín thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libya, Trung Á và Síp. Các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an sẽ có nhiều cuộc họp về các vấn đề như các lệnh trừng phạt, chống khủng bố, tòa án, trẻ em và xung đột vũ trang... Việt Nam đã đề xuất tổ chức thảo luận mở, thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, hợp tác giữa Liên Hợp quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, và đã nhận được sự tán thành cao của các thành viên. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên Hợp quốc, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Mặc dù đang chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam quyết định đóng góp 50.000 USD vào Quỹ Ứng phó COVID-19 của WHO. Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, WHO hoàn toàn nhất trí với 4 đề xuất của Việt Nam nêu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao về COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh Chủ nghĩa Đa phương về ứng phó với COVID-19, là cần “Đoàn kết, Chia sẻ, Ngăn chặn và Kích thích” nền kinh tế hậu COVID-19; ủng hộ đề xuất của Việt Nam về sự cần thiết có Ngày quốc tế Đoàn kết Toàn cầu Ứng phó với dịch bệnh(18).

3. Triển vọng quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc

Định hướng đối ngoại của Việt Nam đến năm 2025 là một bộ phận cấu thành và phục vụ định hướng hội nhập quốc tế, trong đó có Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7-1-2016. Theo đó, mục tiêu tổng quát của định hướng đối ngoại từ nay đến năm 2025 là đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; tăng cường sức mạnh tổng hợp của tất cả các mặt trận đối ngoại (gồm quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân) trên các diễn đàn, trong các cơ chế, các mối quan hệ đa phương; góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta xác định đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng vững mạnh. Mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân... Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”(19). 

Để phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam cần tham gia đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới tại các diễn đàn toàn cầu, trước hết là Liên Hợp quốc, qua đó góp phần định hình những luật chơi chung nhất, tác động trở lại các cơ chế, tầng nấc đa phương khác ở cấp độ liên khu vực, khu vực và tiểu khu vực.

Sự tham gia “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của Việt Nam tại Liên Hợp quốc thời gian tới: ưu tiên tham gia các vấn đề không thể, chưa làm được hoặc không hiệu quả ở cấp khu vực (như hoạch định chính sách phát triển toàn cầu, giải quyết các thách thức toàn cầu, bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy vai trò của luật pháp quốc tế,...).

Việt Nam tham gia với tư cách là một trong những nước tích cực nhất trong việc giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững, thúc đẩy giải quyết các thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế trước hết bằng các biện pháp hòa bình thuộc Chương 6 Hiến chương Liên Hợp quốc, các hoạt động gìn giữ hòa bình; chủ động chuẩn bị sẵn sàng để khi cần thiết có thể sử dụng các cơ chế, diễn đàn thuộc Liên Hợp quốc để bảo vệ các lợi ích về chủ quyền, biển đảo của Việt Nam. Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình một cách toàn diện và có trách nhiệm, ở mức độ cao hơn.

Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức phát triển thuộc Liên Hợp quốc nhằm phát huy lợi thế của toàn hệ thống Liên Hợp quốc. Tiếp tục vận động Liên Hợp quốc hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, xây dựng năng lực, chuyển giao tri thức. Việt Nam sẽ nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hài hòa với các khuôn khổ hợp tác ký kết với Liên Hợp quốc theo từng giai đoạn. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ và tích cực đóng góp vào các sáng kiến, biện pháp cải tổ nâng cao hiệu quả hoạt động toàn hệ thống phát triển của Liên Hợp quốc trên bình diện toàn cầu, cũng như ở cấp độ quốc gia trong khuôn khổ sáng kiến Thống nhất hành động.

Để thực hiện định hướng trên, Việt Nam cần chuẩn bị và ứng cử tham gia một cách thực chất hơn vào các cơ quan chấp hành của các tổ chức phát triển lớn của Liên Hợp quốc (ưu tiên cao cho Hội đồng chấp hành chung của UNDP/

UNFPA/UNOPS), từng bước tham gia vào các vị trí điều hành của các cơ quan này (Chủ tịch, Phó Chủ tịch).

Việt Nam tham gia vào nhóm những nước đi đầu thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, như Thỏa thuận Pari 2015. Tại các diễn đàn Liên Hợp quốc, Việt Nam phối hợp cùng các nước đồng quan điểm thúc đẩy hoạt động của Liên Hợp quốc theo hướng: tiếp cận một cách toàn diện các nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; kết hợp hài hòa giữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, dân tộc của các quốc gia; tôn trọng và bảo đảm các quyền, trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia, không nước nào có quyền áp đặt mô hình, giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho nước khác. Với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện thái độ hợp tác, đối thoại, sẵn sàng cung cấp các thông tin theo yêu cầu, để giải tỏa các quan tâm từ các phía.


(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.60-61, 80, 82-83.

(4), (12), (13), (16), (17) Xem: Lê Hoài Trung (Chủ biên): Đối ngoại đa phương Việt Nam  trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế,  Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.35, 65, 61-61, 64-66, 66.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.561.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.48.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.138, 236.

(8), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.155, 154-155.

(9), (10) Tài liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao.

(15) Đặng Đình Quý: Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.252.

(11) Nguyễn Hoàng: Quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc: Nhìn lại một chặng đường, 2013, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Quan-he-Viet-NamLien-Hop-Quoc-nhin-lai-mot-chang-duong/181231.vgp.

(14) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/doithoai/30-nam-doi-moi-nhin-tu-nganh-ngoai-giao-toi-van-nho-cam-giac-bi-co-lap-va-suc-ep-nang-ne-322082.html.

(18) http://baodientu.chinhphu.vn/Quocte/Viet-Nam-ung-ho-Quy-ung-pho-voi-COVID19-cua-WHO/393974.vgp.

TS Nguyễn Văn Dương

Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh