25/04/2024 lúc 11:37 (GMT+7)
Breaking News

Quá trình xem xét luận tội Tổng thống Donald Trump của Hạ viện Mỹ

VNHN - Cuộc bỏ phiếu ngày 18/12 là bước ngoặt trong quá trình xem xét luận tội Tổng thống Donald Trump của Hạ viện Mỹ. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

VNHN - Cuộc bỏ phiếu ngày 18/12 là bước ngoặt trong quá trình xem xét luận tội Tổng thống Donald Trump của Hạ viện Mỹ. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Sau nhiều tuần điều trần công khai, sáng ngày 18/12 (theo giờ địa phương), Ủy ban Quy định Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự thảo quy định về tiến trình luận tội của Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Cuộc bỏ phiếu quyết định liên quan đến hai điều khoản chính trong dự thảo về luận tội sẽ diễn ra vào cuối buổi chiều. Mỗi điều khoản này sẽ được bỏ phiếu riêng rẽ và nếu được thông qua, ông Trump sẽ chính thức bị Hạ viện cáo buộc phạm tội nghiêm trọng.

Hạ viện cũng sẽ bỏ phiếu, cho phép Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bổ nhiệm người chủ trì tiến trình luận tội. Những nhân vật này sẽ đóng vai trò công tố viên và chuyển kết quả điều tra của Hạ viện trong quá trình xem xét luận tội tới Thượng viện. Sau khi xem xét, các Thượng Nghị sỹ sẽ điều trần và quyết định xem nên buộc tội, bãi nhiệm hay tuyên bố trắng án với Tổng thống. Liệu đã đến lúc Tổng thống Donald Trump “rùng mình” trước khả năng trở thành Tổng thống thứ 3 bị luận tội trong chiều dài 240 năm lịch sử của nước Mỹ?

Lời buộc tội

Trước hết, cần tìm hiểu rõ nội dung của hai điều khoản trong dự thảo luận tội được bỏ phiếu trong chưa đầy 24 giờ tới. Đầu tiên, dự thảo khẳng định Tổng thống Donald Trump đã phạm tội nghiêm trọng, qua đó kích hoạt Điều II, khoản 4 Hiến pháp Mỹ, theo đó “Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc sẽ bị bãi nhiệm khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác”. Cụ thể, Điều I dự thảo khẳng định, ông Donald Trump đã “lạm dụng quyền hạn Tổng thống” tác động trực tiếp và gián tiếp nhằm thuyết phục Ukraine điều tra ông John Biden, đối thủ chính trị trong Bầu cử Tổng thống năm 2020.

Hành động thao túng, có ý trì hoãn viện trợ 391 triệu USD cho Ukraine (được Quốc hội phê chuẩn) vì lợi ích cá nhân gây nguy hại tới an ninh quốc gia và tiến trình dân chủ đất nước. Theo dự thảo, sau khi bị phát giác, Tổng thống Donald Trump đã buộc phải thông qua viện trợ, song vẫn nhằm can thiệp và kêu gọi Ukraine thực hiện mục đích riêng. Điều II khẳng định, ông Donald Trump đã chỉ đạo cơ quan, văn phòng và quan chức Hành pháp không tuân thủ các trát hầu tòa hợp pháp, từ chối cung cấp tài liệu phục vụ điều tra hay tham gia điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Đây là hành động vi hiến, đi ngược quyền hạn Tổng thống, tồn tại của chính phủ hợp hiến, lợi ích người dân Mỹ. Do đó, ông Trump cần bị bãi nhiệm.

Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì trước áp lực từ Hạ viện Mỹ? 

Mũi nhọn cuối cùng

Bản Dự thảo luận tội này có một số điểm đáng chú ý đó là thứ nhất, Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đang cố gắng làm nổi bật những “vi phạm” của ông Donald Trump với tư cách Tổng thống, cho rằng sự hiện diện của ông trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ gây tổn hại an ninh quốc gia và lợi ích người dân.

Thứ hai, dự thảo nhấn mạnh tính tiếp nối các vi phạm của ông Trump, khi Tổng thống chỉ thông qua khoản viện trợ 391 triệu USD cho Ukraine sau khi có áp lực từ Hạ viện và không chấm dứt các hành động giao thiệp bất hợp pháp. Thứ ba, dự thảo cho rằng nếu không bị bãi nhiệm, ông Trump sẽ tiếp tục làm tổn hại tới an ninh quốc gia và Hiến pháp. Đây là cách đảng Dân chủ lập luận vi phạm của Tổng thống cần bị xử lý ngay, thay vì đợi đến cuộc Bầu cử Tổng thống 11 tháng tới theo lập trường của đảng Cộng hòa.

Thứ tư, dự thảo lập luận rằng bản thân việc cản trở quá trình xem xét điều tra cũng đáng bị luận tội. Theo Đảng Cộng hòa, ông Trump có thẩm quyền giữ bí mật một số quyết định và chỉ Tòa án mới có thể đưa ra phán xét cuối cùng, song rõ ràng đảng Dân chủ đã không đợi được nữa. Đây là nỗ lực cuối cùng và đáng kể nhất của đảng này nhằm hạ uy tín, bãi nhiệm ông Donald Trump, đương kim Tổng thống, ứng cử viên số một của đảng Cộng hòa trong Bầu cử Tổng thống tới.

Tổn hại uy tín

Trước mối đe dọa đó, ông Trump không thể làm ngơ. Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ đã gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện nhằm phản đối cuộc “thập tự chinh” tiến hành bởi các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện. Bức thư dài nhất mà ông Trump từng viết mở đầu bằng phủ nhận cáo buộc “lạm dụng quyền lực” và “cản trở Quốc hội” được nêu bởi dự thảo, trước khi quay sang chỉ trích, tố cáo ngược rằng chính lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện mới là mối nguy với an ninh quốc gia và lợi ích Mỹ. Tương tự, đảng Cộng hòa tiếp tục ủng hộ ông Donald Trump.

Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện, Thượng Nghị sỹ Mitch McConnell khẳng định Tổng thống sẽ không bị buộc tội và đang hợp tác chặt chẽ với Nhà Trắng. Thượng Nghị sỹ Lindsey Graham khẳng định ngay cả khi tới được Thượng viện, cuộc luận tội “sẽ chết yểu và tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo điều đó”. Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa chiếm đa số và chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ quay lưng lại với ông Trump. Quan trọng hơn, ông là Tổng thống của đảng Cộng hòa và tấn công chính trị vào thành viên đảng, dù ít hay nhiều, sẽ tác động tới uy tín của toàn đảng ngay trước thềm bầu cử.

Như vậy, ngay cả khi được Ủy ban Quy định Hạ viện, dự thảo luận tội nhiều khả năng sẽ chết yểu tại Thượng viện. Tuy nhiên, dù có thất bại tại Thượng viện, dự thảo luận tội Tổng thống vẫn khiến uy tín của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa tổn hại nặng nề. Khảo sát của CNN cho thấy 45% số người được hỏi tin ông Trump cần bị luận tội và bãi nhiệm, giảm 4% so với giữa tháng 11; con số phản đối là 49%.

Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đã tăng trở lại, từ 41% (10/12) tới 43% (17/12) do diễn biến tích cực của nền kinh tế. Như vậy, chính trường hay cử tri Mỹ đều chia rẽ trong luận tội Tổng thống và tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn thời gian tới. Chia rẽ bởi bất đồng quan điểm, đấu đá chính trị nội bộ, dù kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 18/12 có như thế nào, nước Mỹ năm 2020 và tương lai ông Donald Trump hậu sự kiện này đều sẽ khó đoán định hơn bao giờ hết.