20/04/2024 lúc 20:39 (GMT+7)
Breaking News

Quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” –Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của khoa học công bố văn kiện

VNHN - Trước lúc đi xa, trong những tháng năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết di chúc để lại cho đời sau. 

VNHN - Trước lúc đi xa, trong những tháng năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết di chúc để lại cho đời sau. 

Xác định đây là một văn kiện lịch sử mang tính “cương lĩnh chính trị” cho Đảng cầm quyền, là di huấn cho về đạo đức cách mạng cho đời sau, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã công bố bản Di chúc ngay sau khi Người mất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nên bản Di chúc được công bố sau khi Bác mất dựa trên cơ sở bản thảo Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969. Đến năm 1989, khi có đủ các điều kiện, Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương đã công bố toàn bộ các bản Di chúc của Người. Từ việc tìm hiểu toàn bộ quá trình công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số tư liệu tài liệu lưu trữ, đồng thời trên cơ sở nghiên cứu các nguyên tắc, phương pháp của khoa học công bố tài liệu văn kiện, chúng tôi xin đưa ra một góc nhìn về quan điểm lịch sử, quan điểm chính trị của Đảng ta trong quá trình công bố văn kiên lịch sử này.

“Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản đánh máy năm 1965

1. “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, văn kiện lịch sử, Di chúc “thiêng liêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật” vào 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 và hoàn tất vào16 giờ chiều ngày 14/5/1965. Sau đó, các năm 1966, 1968, 1969, từ mồng 10/5 đến 20/5, mỗi ngày, Người đều dành trọn 1 tiếng, từ 9 giờ đến 10 giờ, để bổ sung và chỉnh sửa lại. Việc làm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được “giữ bí mật” đến phút chót. Duy nhất có hai người biết đó là đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, người ký chứng kiến vào Bản Di chúc năm 1965 và đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có vinh dự được giữ toàn bộ các bản “Tài liệu tuyệt đối bí mật” trong suốt quá trình khởi thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật” trong bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn biến vô cùng phức tạp. Trong nước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang bước vào giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất. Trên bình diện quốc tế, sự vận động, phát triển của phong trào cộng sản quốc tế đã làm nảy sinh sự bất đồng giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Những bất đồng này chẳng những không được khắc phục, mà ngày càng trở nên sâu sắc. Đặc biệt, mối bất đồng về đường lối, quan điểm, lợi ích giữa hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc đã được đế quốc Mỹ triệt để lợi dụng, nhằm giảm thiểu sự đồng tình, ủng hộ về vật chất và tinh thần của hai nước này cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam.

Khi ý thức được tuổi mình đã cao, sức đã yếu, đồng thời chứng kiến những diễn biến của thời cuộc đang diễn ra vô cùng phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần và trách nhiệm của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Người đã toàn tâm, toàn ý, tập trung thời gian, dồn mọi sức lực và trí tuệ để  truyền tải những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu trong tư tưởng của Người để hoạch địch đường hướng tương lai phát triển cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào trong “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”. Người viết: “Ai mà đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

Toàn văn gốc “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” – hay còn gọi là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm 03 bản, 01 bản đánh máy chính thức năm 1965 và 02 bản viết tay bổ sung các năm 1968, 1969 cụ thể:

- Bản đánh máy chính thức gồm 03 tờ, đề ngày ngày 15/5/1965, được đánh máy chữ mực xanh (đánh máy một mặt) trên giấy thường, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phía cuối trang 3, bên cạnh chữ ký của Bác là chữ ký của người làm chứng (đ/c Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương).

- Bản viết tay bổ sung năm 1968 gồm 04 tờ, đề tháng 5/1968, được viết tay bằng mực xanh, 02 tờ viết 2 mặt, 02 tờ viết một mặt. Xen kẽ là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.

- Bản viết tay bổ sung năm 1969 có 01 tờ, đề ngày 10/5/1969, viết tay bằng mực xanh ở mặt sau của tờ tin tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (trang 15a, ra ngày 3/5/1969). Xen kẽ là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.

Toàn bộ các bản gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thủ tướng Chính phủ Công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012) hiện nay đang được bảo quản theo chế độ đặc biệt tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

Về nội dung, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào các vấn đề lớn, mang tính vận mệnh dân tộc, vì Tổ quốc, vì Nhân dân.

Phần đầu: về sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước là một tất yếu, dù phải kéo dài, dù có thể ta phải hy sinh thêm nhiều của, nhiều người nữa.

Phần thứ hai: Người nói về Đảng, về Đoàn viên và thanh niên, về Nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới.

Nói về Đảng: Người bày tỏ mong muốn sự đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng: Các đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình; Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi; Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; Đảng viên phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Nói về Nhân dân: Người đặt trọn niềm tin vào nhân dân trong vai trò quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Lấy dân làm gốc mới có thể giành được thắng lợi trong việc xây dựng đất nước; Phải thực hành dân chủ rộng rãi, dân chủ thực sự trước hết trong và gắn với dân chủ ngoài xã hội, với cấp độ toàn xã hội. Người cũng nhắn nhủ: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Nói "về việc riêng:  Người đề nghị sau khi qua đời: Không tổ chức đám linh đình, lãng phí thời gian và tiền bạc của dân.

Phần kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Và mong muốn của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

2. Quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, góc nhìn từ khoa học công bố văn kiện

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chiều ngày 03/9/1969, Bộ Chính trị (khóa III) quyết định triệu tập Hội nghị bất thường họp để bàn và đi đến quyết định tổ chức Lễ quốc tang Hồ Chủ tịch với nghi thức trọng thể nhất, đồng thời quyết định công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” với tên gọi là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 09/9/1969, Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. “Tài liệu tuyệt đối bí mật”-  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được Bộ Chính trị công bố.

Cùng với việc công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật”-  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị: "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”1; Ngày 26/9/1969, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị quyết số 189-CP về viêc mở đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”2.

Như vậy, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cũng như sau ngày thống nhất đất nước, căn cứ vào “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Người, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn để thực hành đoàn kết trong Đảng, tiến hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giáo dục cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên”; tiến hành nhiều kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội; không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, góp phần đắc lực vào việc khôi phục khối đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế.

Để Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế được biết một cách đầy đủ về tư tưởng, đường lối, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời để giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chính trị và tư tưởng, ngày 07/01/1978, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về việc xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập3. Trên tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong 10 năm, từ năm 1980 đến cuối năm 1989, 10 tập Hồ Chí Minh toàn tập đã xuất bản đầy đủ các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh trọn vẹn quá trình hoạt động cách mạng của Người. Từ báo cáo, luận văn chính trị, lời kêu gọi, lời huấn thị, diễn văn, trả lời phỏng vấn, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các thư từ, điện văn và các văn kiện của Đảng, Nhà nước do Người ký tên đều lần lượt xuất bản. Đặc biệt, văn bản cuối cùng của tập 10 đã in toàn văn “Tài liệu tuyệt đối bí mật” – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được báo Nhân Dân, Nhà in Tiến bộ công bố.

Tuy nhiên, trước khi “Tài liệu tuyệt đối bí mật” – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trong tập 10 Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà in Tiến bộ in tới 100.000 bản, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh4. Thông báo được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân dân số ra ngày 01/9/1989. Nội dung thông báo nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Di chúc được công bố ngay sau khi Bác qua đời và đã trở thành một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI) thấy có trách nhiệm thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời”.

Về tài liệu gốc “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông báo khẳng định:

- Năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm 3 trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

- Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay.

Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước. Trong đó đoạn viết về chỉnh đốn lại Đảng và chăm sóc đối với thương binh, Bác viết rồi lại gạch chéo; đoạn nói về xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá, chuẩn bị thống nhất đất nước, Bác gạch dọc ở bên trái ngoài lề.

- Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay.

- Các năm 1966, 1967 Bác không có những bản viết riêng.

Về bản Di chúc công bố tháng 9/1969, Thông báo khẳng định:“Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965 là hoàn toàn hợp lý vì Bác qua đời năm 1969, và nội dung bản viết năm 1969 cũng phong phú hơn”.

Bên cạnh việc khẳng định tài liệu gốc “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông báo còn giải thích rõ lý do tại sao chưa công bố một số nội dung như: Một số vấn đề như những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, cho bà con nông dân cũng như đề nghị của Người về hoả táng thi hài chưa được công bố.

Trước thời điểm Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 151-TB/TW, Ban Bí thư đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm kiện toàn bộ máy Lưu trữ Trung ương Đảng; thành lập Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Phông Lưu trữ Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý tập trung, thống nhất toàn bộ tài liệu lưu trữ về thân thế sự nghiệp Hồ Chí Minh về Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng nhằm bảo quản an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Viêt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Ngày 23/9/1987, Ban Bí thư ra Quyết định số 20-QĐ/TW về Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam 5; Quyết định số 21-QĐ/TW về việc thành lập Cục Lưu trữ Đảng trực thuộc Ban Bí thư6.

- Ngày 19/5/1989, Ban Bí thư ra Quyết định số 89-QĐ/TW về việc quản lý tập trung toàn bộ tài liệu về thân thế sự nghiệp và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh7.

- Ngày 10/10/1989, Ban Bí thư ra Quyết định số 94-QĐ/TW về Phông Lưu trữ Chủ tịch Hồ Chí Minh8.

Có thể khẳng định, việc Ban Bí thư chủ trương ban hành hàng loạt các văn bản nhằm kiện toàn bộ máy Lưu trữ Trung ương Đảng; thành lập Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Phông Lưu trữ Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý tập trung, thống nhất toàn bộ tài liệu lưu trữ về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm quan trọng và hết sức có ý nghĩa.

Thứ nhất, việc làm này không chỉ giúp cho Ban Bí thư Trung ương Đảng tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác lưu trữ tài liệu của Đảng; quản lý tập trung thống nhất Phông Lưu trữ của Đảng nói chung và Phông Lưu trữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, mà còn tránh được tình trạng phân tán tư liệu, gây khó khăn trong việc nghiên cứu về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai, việc làm này còn có ý nghĩa phát huy tối đa giá trị vốn có của tài liệu lưu trữ Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, với việc quy định thẩm quyền cho phép công bố tài liệu lưu trữ của Đảng, nhất là những tài liệu, tư liệu chưa từng công bố về thân thế và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã cho thấy việc nâng chất lượng công bố các tài liệu của Đảng và về thân thế và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất được chú trọng. Không những vậy, việc quy định thẩm quyền cho phép công bố này còn hạn chế tối đa tình trạng công bố tùy tiện từ phía các cơ quan, tổ chức và các cá nhân liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở một góc nhìn khác, bên cạnh việc cung cấp các nội dung thông tin trong Thông báo số 151-TB/TW, xin xem xét toàn bộ quá trình công bố toàn văn “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của khoa học công bố tài liệu văn kiện.

Trước tiên, cần phải nhìn nhận toàn bộ quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện đã thể hiện thái độ trân trọng, thành kính của toàn Đảng, toàn dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Điều này khẳng định, Đảng ta, Nhân dân ta luôn coi tác phẩm này của Người là văn kiện có tính chất như một cương lĩnh chính trị, một Nghị quyết, một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm lên sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Không những vậy, toàn bộ quá trình công bố này do Bộ Chính trị thực hiện đã thể hiện rõ quan điểm chính trị vững chắc của Đảng ta - “Đảng cẩm quyền”, cũng như cơ sở lý luận và thực tiễn của khoa học công bố tài liệu văn kiện.

Về quan điểm lịch sử trong công bố tài liệu văn kiện

Theo khoa học công bố tài liệu văn kiện tài liệu lưu trữ là di sản được thể hiện ở hai phương diện: về mặt nội dung: tài liệu phản ánh các sự kiện, các hiện tượng, các nhân vật lịch sử; về mặt hình thức: tài liệu của thời kỳ nào cũng thể hiện trên vật liệu, kỹ thuật làm ra nó. Do vậy, khi công bố tài liệu lịch sử đó, cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử hình thành nên tài liệu, qua đó lựa chọn những tài liệu có giá trị nhất để công bố.

 Như vậy, nếu ta đặt bối cảnh lịch sử sản sinh ra “Tài liệu tuyệt đối bí mật” – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn cảnh lịch sử công bố tài liệu này, thì thấy việc Bộ Chính trị thực hiện việc lựa chọn những tài liệu giá trị nhất trong tài liệu này để công bố năm 1969, năm 1989 là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học vững chắc.

Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tuy đã giành được những thắng lợi quan trọng nhưng đang trải qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, đất ta nước vẫn còn chia cắt. Lúc này, Người cũng dự  liệu cuộc kháng chiến của dân tộc ta còn có thể kéo dài. Vào thời điểm Người mất, cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn đang diễn ra quyết liệt, chưa giành được thắng lợi cuối cùng, cho nên thời điểm này chưa thích hợp cho việc công bố một số ý người viết bổ sung năm 1968.

Sau 20 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đất nước hoàn toàn độc lập, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa - con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn, đồng thời bước vào công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đây là thời điểm rất thích hợp để Bộ Chính trị quyết định việc công bố toàn văn Tài liệu tuyệt đối bí mật – di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến toàn Đảng, toàn dân.

Về quan điểm chính trị trong công bố tài liệu văn kiện

Theo khoa công bố tài liệu văn kiện, bất cứ một tài liệu nào được hình thành đều nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền. Do đó, khi xem xét, lựa chọn công bố tài liệu đều phải đứng trên lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đối với người chịu trách nhiệm công bố tài liệu văn kiện phải có thái độ, có trách nhiệm đầy đủ về những loại hình tài liệu mà mình công bố, tuyệt đối tránh tình trạng lợi ích cá nhân mà công bố những tài liệu sai sự thật, gây nên sự hiểu lầm. Người chịu trách nhiệm công bố tài liệu văn kiện phải mở rộng đấu tranh phê bình và tự phê bình để nâng cao hơn nữa chất lượng tài liệu công bố (có thể công bố nhiều lần trên cơ sở những lần sau có bổ sung, xác minh thêm do người đọc phê bình góp ý). Khi công bố tài liệu phải xuất phát từ yêu cầu chung của xã hội phải biết kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ giáo dục lâu dài.

Như vậy, dựa trên quan điểm chính trị trong công bố tài liệu văn kiện, chúng ta thấy việc công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện năm 1969 và năm 1989 đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố về quan điểm chính trị như: đứng trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, phù hợp với yêu cầu chung của xã hội, đảm bảo được các yêu cầu trước mắt và chiến lược lâu dài của sự nghiệp cách mạng.

Năm 1969, khi Bác mất, cuộc kháng chiến còn đang diễn ra rất khó khăn và ác liệt, vì vậy để đảm bảo nguyên tắc chính trị, Bộ Chính trị đã quyết định sửa lại mấy chữ trong câu sau đây của Bác: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa” thành “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Đến năm 1989, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) thấy cần có kế hoạch thực hiện những điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung trong Tài liệu tuyệt đối bí mật năm 1968  (mà năm 1969, Đảng và Nhà nước ta chưa có điều kiện để thực hiện) như: hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp,... nên đã công bố toàn bộ những nội dung chưa được công bố của “Tài liệu tuyệt đối bí mật” – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ phù hợp với nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta, mà còn có ý nghĩa đối với thực tiễn của cách mạng trong thời kỳ mới, khi mà toàn Đảng, toàn dân bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh việc đảm bảo quan điểm lịch sử, quan điểm chính trị trong công bố tài liệu văn kiện, toàn bộ quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện còn đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc và phương pháp công bố tài liệu văn kiện, đó là: xác định chủ đề; lựa chọn hình thức công bố đảm bảo tính chân thực độ tin cậy cao của tài liệu; ngôn ngữ truyền đạt bản văn được trình bày một cách chính xác; hệ thống các tài liệu được trình bày theo niên biểu, theo quá trình tạo tác tài liệu,...

Qua góc nhìn của khoa học công bố tài liệu văn kiện, có thể khẳng định toàn bộ quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện cho thấy thái độ thành kính, trân trọng của Đảng ta với một văn kiện lịch sử, mà còn cho thấy quá trình công bố này được thực hiện một cách bài bản, đúng nguyên tắc, phương pháp theo khoa học công bố tài liệu văn kiện. Đặc biệt, quá trình công bố này còn thể hiện rõ quan điểm lịch sử, quan điểm chính trị của Đảng ta, phù hợp yêu cầu khách quan của cách mạng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.

----------------------------------------

Ghi chú:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Công báo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 29/9/1969, tr 207-210.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Công báo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 29/9/1969, tr 211-214.

3. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 39, năm 1978, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H-2005, trang 28 - 31.

4. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, năm 1988 - 1989, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H-2005, trang 704- 710. Báo Nhân dân ra ngày 01/9/1989.

5. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, năm 1987, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H-2005, trang 391-396.

6. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, năm 1987, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H-2005, trang 396-398.

7. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, năm 1988 - 1989, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H-2005, trang 690-693.

8. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, năm 1988 - 1989, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H-2005, trang 814-820.