20/04/2024 lúc 08:00 (GMT+7)
Breaking News

Phú Xuyên (Hà Nội): Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống

Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, được mệnh danh là “đất trăm nghề”, trong đó có 43 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề hoạt động đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, được mệnh danh là “đất trăm nghề”, trong đó có 43 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề hoạt động đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Tận dụng tiềm năng

Với lợi thế về vị trí địa lý, đầu mối giao thông kết nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, Phú Xuyên là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: Giày da Phú Yên; may mặc Vân Từ; khảm trai Chuyên Mỹ; đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; cơ kim khí Đại Thắng; sản xuất mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; làm tò he ở Thôn Xuân La, xã Phượng Dực; các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm...

https://bizweb.dktcdn.net/100/367/062/files/mua-ban-giay-da-nam-tai-phu-xuyen.jpg?v=1605862076604

Tính chung trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 156/156 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển cho đến nay. Trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Đáng chú ý, đã có 43 làng được TP công nhận làng nghề. Toàn huyện có 22.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN), chiếm 39%, số lao động sản xuất TTCN là 41.000 người, chiếm 40%. Thu nhập từ làng nghề đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm...

https://phuxuyen.hanoi.gov.vn/documents/1071288/1366454/xa-phu-tuc-3.png/4aeb1814-0ee7-408e-9e63-9af34f2fa75a?t=1492161929608

Làng nghề đan cỏ tế huyện Phú Xuyên (Hà Nội).

Những năm gần đây, các làng nghề đã tạo ra sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng biệt, tìm được thị trường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Một số sản phẩm mây giang đan còn được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Huyện cũng phát huy thế mạnh các làng nghề để quảng bá giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững cho địa phương.

Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp làng nghề luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, làng nghề ngày một phát triển góp phần giải quyết việc làm cho trên 80% lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận.

Phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững

Trong những năm qua, thành phố và huyện luôn quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều nhiều giải pháp nhằm quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy các làng nghề trong huyện phát triển. Trên địa bàn huyện có tổng số 11 cụm công nghiệp làng nghề được Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch. Từ năm 2018 đến năm 2020, UBND TP HN đã ra quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp là cụm CN Phú Túc, Phú yên, Đại Thắng và Vân Từ. Hiện 4 cụm công nghiệp này Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng đang triển khai thủ tục bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng. Đối với 7 cụm CN làng nghề nằm trong quy hoạch còn lại gồm cụm CN Hồng Minh, Sơn Hà, Phượng Dực, Bạch Hạ, Tri Trung, Hoàng Long, Văn Hoàng đang được UBND huyện tiếp tục kêu gọi chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở đề nghị UBND TP quyết định thành lập các cụm công nghiệp này.

Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên).

Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, Huyện và các xã, thị trấn đã chú trọng đầu tư phát triển giao thông làng nghề, được triển khai với xây dựng NTM, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa đường trục xã, liên xã được 210 km, với kinh phí 736,2 tỷ đồng, đường trục liên thôn được 125 km, với kinh phí 285 tỷ đồng, đường ngõ xóm được 115 km với kinh phí 241,4 tỷ đồng. Cũng từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở được 73 lớp dạy nghề, với trên 2500 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng. Huyện cũng phối hợp với Sở LĐTBXH TP, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tổ chức được một số phiên giao dịch việc làm, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Bên cạnh đó, môi trường làng nghề luôn được huyện quan tâm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và đang triển khai xây dựng Đề án bảo vệ môi trường cho 43 làng nghề đã được công nhận. Việc xử lý chất thải tại làng nghề tiếp tục được quan tâm; chất thải rắn làng nghề tiếp tục được các xã, thị trấn thu gom, xử lý theo quy định; nhiều cơ sở đã đầu tư kinh phí để mua sắm hệ thống xử lý nước thải, khí thải trong sản xuất, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/Uploads/images/tuandiep/2020/08/24/Nho-Da-Dang-Mau-Ma%2C-San-Pha.jpg

Sản phẩm đồ gỗ của làng nghề truyền thống Đại Nghiệp, xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Cùng với các hoạt động trên, công tác quảng bá, giới thiệu làng nghề tiếp tục được huyện và các xã quan tâm, triển khai thực hiện, đặc biệt là thông qua việc tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện và cấp xã, gắn với các hoạt động phát triển du lịch làng nghề. Đây là dịp để các làng nghề trong huyện trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các làng nghề trong huyện ngày càng phát triển không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn xa ra nhiều nước trên thế giới. Huyện cũng luôn quan tâm đến công tác xây dựng nhãn hiệu tập thể; đề nghị xét công nhận làng nghề và các nghệ nhân; triển khai công tác tập huấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…. Hiện nay trên địa bàn huyện có 97 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được Thành phố chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Tin rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền, cùng với những cố gắng của toàn thể nhân dân, làng nghề Phú Xuyên sẽ ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện.