26/04/2024 lúc 03:59 (GMT+7)
Breaking News

Phụ nữ Nghệ An học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

VNHN- Trong 05 năm qua, các cấp Hội phụ nữ Nghệ An đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, hội viên, phụ nữ; xây dựng hình ảnh người cán bộ Hội có tinh thần trách nhiệm, có năng lực công tác, sâu sát thực tiễn; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

VNHN- Trong 05 năm qua, các cấp Hội phụ nữ Nghệ An đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, hội viên, phụ nữ; xây dựng hình ảnh người cán bộ Hội có tinh thần trách nhiệm, có năng lực công tác, sâu sát thực tiễn; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Các cấp Hội đã tập trung triển khai cuộc vận động “Phụ nữ rèn luyện phẩm chất: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW một cách sáng tạo, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Với phương châm “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể”, Hội đã có những cách làm hay, phối hợp nhuần nhuyễn trong nhiều hoạt động như: Tổ chức học tập các chuyên đề; phát động sâu rộng việc đăng ký làm theo Bác với những việc làm cụ thể, rõ ràng, thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; hướng về cơ sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc của cán bộ Hội theo các tiêu chí 03 đúng, 04 có, 05 phải (03 đúng gồm: Tư tưởng đúng, định hướng đúng, việc làm đúng;  04 có gồm: Có tâm huyết, có trình độ, có trách nhiệm, có tinh thần đoàn kết liên hiệp; 05 phải gồm: Phải gương mẫu, nói đi đôi với làm; phải gần gũi giúp đỡ lẫn nhau; phải tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; phải tôn trọng pháp luật; phải bảo vệ uy tín, danh dự của Hội). Trên cơ sở đổi mới, sáng tạo cách thức tiếp cận trong học tập và làm theo Bác, các cấp Hội đã xây dựng các mô hình thiết thực, vừa phát huy được vai trò của tổ chức Hội, vừa huy động được sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ như: Mô hình “Cán bộ Hội trách nhiệm”; “Cán bộ Hội gương mẫu”; “Thực hành tiết kiệm”, “Tương thân tương ái”; “Nhật ký thăm hộ”; “Phụ nữ rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, “Phụ nữ đạt 4 chuẩn mực”;  “Mỗi ngày làm 01 việc tốt”, “Tiết kiệm xanh”... Điển hình mô hình “Nhật ký thăm hộ” của Hội LHPN huyện Yên Thành được triển khai từ năm 2016, với hình thức mỗi tháng mỗi cán bộ tham dự sinh hoạt với 02 Chi hội và thăm ít nhất 05 hộ hội viên. Quy trình thăm hộ bao gồm: Định hướng phương pháp, mục đích thăm hộ từng đợt, chọn hộ đến thăm, chuẩn bị nội dung, ghi những nội dung cần phản ánh, cần kiến nghị, cần hỗ trợ vào nhật ký; đồng thời lưu lại những hình ảnh đẹp, mô hình hay tuyên tuyền trên facebook, zalo. Đến nay, Hội đã trực tiếp thăm 18.960 hộ. Thông qua thăm hộ, cán bộ Hội nắm bắt được nhiều thông tin, những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của hội viên; đồng thời giúp cán bộ Hội thấu hiểu hơn những khó khăn của hội viên và tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện với chị em; từ đó, kịp thời động viên những mảnh đời éo le, bất hạnh giúp họ vượt qua khó khăn. Qua thăm hộ nhiều phong trào, hoạt động Hội được tổ chức một cách thiết thực và hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ nhân dân tham gia. Kết quả đến nay, Từ năm 2016 đến nay, mô hình đã được nhân rộng 39/39 xã, thị trấn trong toàn huyện, hỗ trợ cho 2.860 gia đình hội viên đặc biệt khó khăn, giúp 390 phụ nữ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1,37%, mô hình “Nhật ký thăm hộ” đã được Hội LHPN tỉnh biểu dương, tuyên truyền nhân rộng cho 07 huyện triển khai thực hiện. Mô hình "Đoàn kết yêu thương giữa lương và giáo" của Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh với Hội LHPN xã Nghi Vạn thành lập năm 2017 đến nay; thông qua mô hình Hội PN BCH quân sự tỉnh đã hỗ trợ Trung tâm khuyết tật mồ côi đóng trên địa bàn xã nấu các suất  ăn cho các cháu Trung tâm mỗi tháng 2 lần và mỗi lần 40 - 50 suất; tặng quà cho các cháu vào các dịp lễ, tết và đầu năm học mới; ngoài ra hỗ trợ bò giống, xây nhà cho hội viên phụ nữ khó khăn trên địa bàn xã, mua sắm máy móc, trang thiết bị, khu vui chơi cho các cháu tại Trung tâm Khuyết tật mồ côi với tổng số tiền trên 300 triệu đồng.

Làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất; mô hình “Tiết kiệm xanh” được Hội LHPN của Hội LHPN huyện Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Hoàng Mai, Tân Kỳ,... thực hiện đồng loạt trên địa bàn toàn huyện và phát huy hiệu quả từ việc vận động hội viên, phụ nữ phân loại rác tại gia đình, thu gom phế liệu bán để gây quỹ và số tiền thu được giành để hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mua con giống, thẻ bảo hiểm y tế, làm đường hoa xây dựng cảnh quan môi trường; ngoài ra một số đơn vị còn sáng tạo trong việc tái sử dụng các phế liệu thu gom được để làm khu vui chơi cho các cháu trường mầm non thông qua cuộc thi “Biến rác thải thành khu vui chơi giải trí” của Hội LHPN huyện Thanh Chương và chương trình “Hành trình thứ hai của bánh xe” của Hội LHPN huyện Hưng Nguyên. Làm theo Bác bằng các việc làm cụ thể khác như: nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng và tiết kiệm để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khó khăn của Hội LHPN tỉnh; mô hình “Nhận con nuôi” của Hội LHPN huyện Nghi Lộc; vận động quyên góp sách giáo khoa cũ, xe đạp cũ để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ huyện Đô Lương, Nam Đàn, thành phố Vinh...; kết nối các mạnh thường quân để nhận đỡ đầu cho các cháu hộ nghèo, mồ côi, gia đình khó khăn được đến trường. Tại các huyện miền núi cao, các cấp Hội lựa chọn hình thức cầm tay chỉ việc: Đối với cán bộ Hội cơ sở hướng dẫn chị em sử dụng thành thạo máy tính, thao tác xử lý văn bản trên máy và các kỹ năng của người cán bộ Hội; đối với hội viên, phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số hướng dẫn chị em cách xếp quần áo, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Phối hợp với các ban, ngành mở 65 lớp xoá mù chữ, tái mù chữ cho 1.333 hội viên, phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, mạnh thường quân hỗ trợ ngày công, tiền, nguyên vật liệu để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 837 mái ấm tình thương, trị giá 16.756 tỷ đồng cho hội viên nghèo chưa có nhà ở, nhà tạm bợ, dột nát. Từ các hoạt động, các mô hình, các việc làm cụ thể các cấp Hội đã giúp đỡ cho 18.086 phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn với tổng số tiền 12,9 tỷ đồng.

Trong hai năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và đặc biệt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các cấp Hội phụ nữ đã tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương chung tay phòng, chống dịch; kêu gọi chị em tiết kiệm ủng hộ lực lượng tuyến đầu và các khu cách ly tập trung...với tổng trị giá trên 14,8 tỷ đồng, đồng thời giúp đỡ nhân dân thu hoạch mùa, giải cứu nông sản cho các địa phương bị phong toả. Vận động cán bộ, hội viên hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các hoạt động “90 hành động vì phụ nữ và trẻ em”; “Đồng hành cùng phụ nữ yếu thế 90+1”; “BCH + 1 vì phụ nữ nghèo”… Thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, sau 02 tháng triển khai, toàn tỉnh đã trao 8.436 suất quà, với tổng trị giá 3,2 tỷ đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lụt, các cấp Hội đã kêu gọi, vận động ủng hộ tiền mặt và nhu yếu phẩm, quà với tổng giá trị là 13,824 tỷ đồng.

Những hành động thiết thực, những mô hình hay mà các cấp Hội triển khai trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nhờ đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và nhân rộng mô hình “Làm theo” của các cấp Hội đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ. Những điển hình tiêu biểu được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh của Hội đã lan tỏa những hành động đẹp, những việc làm ý nghĩa, góp phần gây dựng hình ảnh người phụ nữ Nghệ An trong thời đại mới, thời kỳ hội nhập và phát triển; đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.