26/04/2024 lúc 04:02 (GMT+7)
Breaking News

Phụ huynh cần biết để bảo vệ trẻ trước dịch sốt xuất huyết

VNHNO- Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 77.355 ca sốt xuất huyết và 11 ca tử vong ở khu vực phía Nam. Hiện nay bệnh số xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vacxin phòng ngừa. Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, một số vấn đề phụ huynh cần biết để bảo vệ trẻ trước các nguy cơ dịch bệnh.

VNHNO- Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 77.355 ca sốt xuất huyết và 11 ca tử vong ở khu vực phía Nam. Hiện nay bệnh số xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vacxin phòng ngừa. Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, một số vấn đề phụ huynh cần biết để bảo vệ trẻ trước các nguy cơ dịch bệnh.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 390 triệu ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu, 96 triệu người phải nhập viện cấp cứu và đa phần là trẻ em. Cũng theo tổ chức này, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia là những quốc gia đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á có báo cáo số ca nhiễm bệnh tăng lên đột biến.

Theo ghi nhận tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết khiến 24 trường hợp tử vong. Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 77.355 ca sốt xuất huyết và 11 ca tử vong ở khu vực phía Nam.

Nhận biết sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra và được lây truyền bởi muỗi vằn aedes aegypti. Khi bị muỗi cái mang mầm bệnh đốt, Virus dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt. Sau thời gian ủ bệnh, muỗi mang virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó. Sau khi bị muỗi đốt 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có triệu chứng, biểu hiện của sốt xuất huyết, thể hiện rõ qua 3 giai đoạn tiến triển bệnh:

Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng điển hình ở giai đoạn này là sốt cao 39-40 độ C kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, chán ăn, buồn nôn. Một số bé lớn hơn sẽ cho bạn biết tình trạng nhức đầu, đau hốc mắt, mệt mỏi, đau nhức khắp các cơ và khớp. Cơn sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày có thể kèm co giật. Một số trẻ có biểu hiện sốt 2 pha: sốt 1-2 ngày đầu, ngưng sốt 3-4 ngày, sốt trở lại ngày thứ 5-6. Sau sốt 2-3 ngày, trẻ có thể xuất huyết dưới da (ban đỏ dạng chấm, mảng bầm tím), niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ).

Cần sớm nhận biết các dấu hiệu của trẻ bị sốt xuất huyết

Cha mẹ có thể dùng 2 ngón tay căng vùng da phát ban để phân biệt sốt xuất huyết với các loại bệnh khác. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại, là sốt xuất huyết.

Giai đoạn nguy cấp: Lúc này virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể… Ngoài ra, ở giai đoạn này, bé còn có các dấu hiệu bệnh điển hình như tràn dịch phổi khiến bé sưng phù ở bụng, xuất huyết nghiêm trọng, phù nề vùng ổ mắt, tiểu ra máu, chảy máu mũi, tụt huyết áp, đầu và tứ chi lạnh. Ở giai đoạn này, nếu trẻ không được chữa trị kịp thời, tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và trụy tim mạch xuất hiện rất dễ khiến trẻ tử vong.

Giai đoạn hồi phục: Đây là giai đoạn bé dần hồi phục nếu được chăm sóc và chữa trị kịp thời. Sau 2-3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, bé sẽ dấu hiệu điển hình là bắt đầu hạ sốt; có cảm giác thèm ăn, khát nước; số lượng tiểu cầu, bạch cầu tăng lên (khi làm xét nghiệm).

Làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?

Nếu gia đình có người mắc bệnh, mọi thành viên trong gia đình phải ngủ trong màn, cách ly người bệnh để tránh trường hợp muỗi đốt người bệnh và truyền virus gây bệnh cho người khác.

Cha mẹ cần chú ý bù nước cho trẻ bằng nước sôi để nguội, nước trái cây (dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối, tốt nhất là oresol. Trẻ đang sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, cha mẹ không được tự ý truyền nước để tránh gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng. Không ít trường hợp tử vong đáng tiếc là do cha mẹ tự ý mang trẻ đến các phòng khám tư truyền dịch.

Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, bé cần uống thuốc hạ sốt chứa paracetamol (tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ), phụ huynh có thể chọn thuốc vị cam dễ uống để trẻ hợp tác hơn, tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Nếu thân nhiệt của bé vẫn không hạ thì có thể nới lỏng quần áo, lau mát hoặc nằm phòng điều hòa 27-28 độ C.

Trường hợp bệnh diễn biến nặng trẻ cần được nhập viện theo dõi và chăm sóc kịp thời

Về chế độ ăn, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ. Phụ huynh không nên cho bé dùng thực phẩm có màu đen hoặc đỏ sẫm như thanh long, dưa hấu, củ dền… để tránh trường hợp trẻ đi ngoài phân đen hoặc đỏ, gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Trẻ cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong giai đoạn sốt để tránh xuất huyết nặng.

Nếu trẻ tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã, lừ đừ, đau bụng vùng gan tăng, da sung huyết nhưng chân tay lạnh, nôn tăng đột ngột, nôn ra máu hoặc đi ngoài máu tươi, tiểu ít… thì phải nhập viện ngay. Đối với trường hợp bệnh diễn biến nặng, nếu bé được nhập viện theo dõi và chăm sóc kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ giảm từ 20% xuống còn 1%.

Tại bệnh viện bác sĩ sẽ xét nghiệm máu, đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm phù nề, tràn dịch, gan to, tiểu cầu giảm để xác định trẻ bệnh nặng. Nếu được điều trị hợp lý, trẻ sẽ dần hồi phục, chân tay ấm lên, ra mồ hôi, mạch và huyết áp ổn định dần, lượng nước tiểu nhiều hơn, tỉnh táo, bắt đầu ăn ngon miệng và sinh hoạt bình thường.

Cần làm trong mùa dịch

Loài muỗi vằn aedes aegypti là vật chủ truyền bệnh sốt xuất huyết, chúng sống chủ yếu ở các vũng nước đọng nhân tạo như bể chứa lâu ngày, chậu cây thủy sinh, nước đọng trong lốp xe… Không giống như loài muỗi khác hoạt động vào ban đêm, muỗi vằn aedes aegypti hút máu vào ban ngày, giờ hoạt động cao điểm trong ngày của loài muỗi này là vào sáng sớm và chiều tà, trước khi mặt trời lặn. Đây là 2 thời điểm trẻ nhỏ thường vui đùa, đặc biệt ở những nơi ao tù, nước đọng, thiếu ánh sáng nên rất dễ bị muỗi đốt nhưng không hề hay biết...

Cần loại bỏ môi trường sống của muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Để phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, phụ huynh không được cho bé chơi gần những nơi ao tù nước đọng, nhiều cây cối, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi trời tối; cho con mặc quần áo dài tay khi vui chơi ngoài trời, mắc màn khi ngủ. Ngoài ra, bạn có thể dùng bình diệt muỗi hoặc nhang để xua muỗi; thường xuyên dọn dẹp nhà sạch sẽ nhất là những vị trí như gầm bàn, gầm tủ, kệ sách để muỗi không có nơi trú ẩn.

Bên cạnh đó việc thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh khu vực sinh sống như chai, lon, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng hay bọ gậy.

Cuối cùng, các gia đình cần phối hợp với chính quyền và cơ sở y tế địa phương trong các đợt phun xịt hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết bùng phát./.