19/04/2024 lúc 20:53 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển văn hóa đọc - sâu rễ mới bền gốc

VNHN - Những năm qua, nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực phát triển văn hóa đọc được triển khai, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Để văn hóa đọc tiếp tục khởi sắc, quan trọng nhất là cần sự chung tay của toàn xã hội trong thời gian liên tục với phương châm “sâu rễ bền gốc”.

VNHN - Những năm qua, nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực phát triển văn hóa đọc được triển khai, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Để văn hóa đọc tiếp tục khởi sắc, quan trọng nhất là cần sự chung tay của toàn xã hội trong thời gian liên tục với phương châm “sâu rễ bền gốc”.

Ảnh minh họa

Hai nhiệm vụ then chốt

Phát triển văn hóa đọc về cơ bản tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ then chốt: Tạo thói quen đọc và hình thành kỹ năng đọc cho người dân.

Thói quen đọc rõ ràng phải chú trọng vào đối tượng người chưa trưởng thành. Đặt trong bối cảnh thời kỳ truyền thông, mạng xã hội bùng nổ lấn át văn hóa đọc, vai trò của gia đình và nhà trường định hướng con trẻ tìm đến với sách, hình thành thói quen đọc sách một cách tự nhiên là vô cùng quan trọng. Nhận thức vấn đề này, các tổ chức, cá nhân đã chung tay thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình thiết thực, như: Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, chương trình tủ sách lớp học ở Nam Định, chương trình “Sách hóa nông thôn”… Đơn cử như cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2019 lần đầu tiên tổ chức trên phạm vi toàn quốc thu hút hơn nửa triệu học sinh các cấp đến từ 4.400 trường học tham gia. Đây là minh chứng cho thấy nếu có quyết tâm và cách làm phù hợp sẽ dẫn lối chỉ đường cho giới trẻ tìm đến những cuốn sách, đọc sách mỗi khi có thời gian rảnh thay vì dán mắt vào màn hình thiết bị điện tử.

Ngành xuất bản những năm qua liên tiếp đạt mức tăng trưởng tốt, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng năm 2019, số đầu sách được xuất bản là 37.000 với 441 triệu bản sách. Đã qua thời kỳ “đói sách”, nay người dân lại gặp vấn đề lựa chọn sách bổ ích, phù hợp trong “biển sách”. Cũng như thói quen đọc, kỹ năng đọc cũng cần sớm được hình thành để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, nâng cao tri thức, nhận thức cho mỗi người.

Phát triển văn hóa đọc hiện nay còn cần lưu ý thêm ứng dụng yếu tố khoa học công nghệ (KHCN) để hình thành phương thức đọc mới, phù hợp với tình hình mới. Ngày càng có nhiều độc giả chỉ cần ngồi nhà đặt mua sách giấy hay sách điện tử sẽ được phục vụ tận tình; đọc tài liệu số hóa cũng được chia sẻ rộng khắp thay vì phải đến hiệu sách hay vào các thư viện truyền thống. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Trong bối cảnh KHCN phát triển, nhu cầu đọc bằng nhiều hình thức hiện đại của người dân không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng, sản xuất các loại sách điện tử, sách nói... của các nhà sách, nhà xuất bản vẫn còn hạn chế. Công tác số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện tại nhiều nơi chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, việc thực hiện còn thiếu tính đồng bộ, chuẩn hóa”.

Một khi đã có thói quen đọc, kỹ năng đọc cộng với sự hỗ trợ của KHCN, chắc chắn văn hóa đọc ở nước ta sẽ khởi sắc, con số thời gian người Việt Nam dành cho đọc sách 1 giờ/tuần thuộc nhóm thấp trên thế giới chỉ còn là quá khứ.

Kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp

Văn hóa đọc thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần, khó có thể đo đếm hiệu quả trực tiếp mà chỉ gián tiếp góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, để phát triển văn hóa đọc cần phải có đơn vị, cá nhân nhận thức đúng đắn về vai trò văn hóa đọc, sáng tạo, tâm huyết trong thực hiện mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Ngân sách Nhà nước có hạn, nếu không huy động nguồn lực xã hội hóa sẽ rất khó phát triển văn hóa đọc. Những tập đoàn lớn, như: Vingroup, Sungroup, Trung Nguyên… bước đầu tài trợ xe thư viện lưu động, in ấn sách, đồng hành với Giải thưởng Sách Quốc gia… là đáng quý và cần tiếp tục phát huy. Hiện nay, rất khó để một cá nhân có thể lập dự án huy động nguồn lực xã hội hóa, chỉ có cơ quan nhà nước mới có đủ uy tín, thẩm quyền đứng ra vận động. Thành công của chương trình xây dựng tủ sách lớp học ở tỉnh Nam Định là một ví dụ. Từ năm 2016, UBND tỉnh Nam Định vận động doanh nhân người Nam Định tài trợ cho mục tiêu xây dựng 12.622 tủ sách lớp học trên địa bàn tỉnh. Đến giữa năm 2019, đã xây dựng được 8.995 tủ sách lớp học với hơn 199.000 đầu sách, hơn 725.000 bản sách, tổng trị giá hơn 14 tỷ đồng. Nhưng đáng tiếc là những cách làm hay như ở Nam Định rất ít, chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm phát triển văn hóa đọc, chỉ đề ra các hoạt động thường xuyên vào dịp cao điểm, như Ngày Sách Việt Nam.

Văn hóa đọc phát triển tỷ lệ thuận với số lượng độc giả và thời gian dành cho đọc sách tăng lên. Muốn vậy, phải sáng tạo nhiều hoạt động, mô hình để “kéo” độc giả, nhất là những người trẻ quan tâm đến văn hóa đọc. Tổng số 24.080 thư viện công cộng với gần 44 triệu bản sách là lợi thế, nền tảng quan trọng để phát triển văn hóa đọc ở nước ta. Nhưng chính sức ì, cung cách làm việc thiếu đổi mới, sáng tạo, chậm ứng dụng KHCN nên trung bình người tới thư viện đọc chưa đến 1 cuốn/năm. Đã rất nhiều lần lãnh đạo Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các thư viện công cộng phải đổi mới hoạt động thu hút người dân tìm đến sách nhưng tình hình chưa mấy tiến triển, thư viện hiện nay vẫn chỉ là nơi chứa sách.

Bạn đọc trẻ tham quan Tuần sách Việt Nam-Hungary.

Ngày 1-7 tới đây, Luật Thư viện sẽ có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện. Hy vọng khi đó, ngành thư viện sẽ có những bước chuyển mình, bảo đảm cho người dân có điều kiện tiếp cận thư viện và tri thức tốt hơn, để thực hiện việc học tập suốt đời thuận lợi. Điều đáng chờ đợi tiếp theo là khi đổi mới giáo dục chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, các nhà trường sẽ phối hợp với gia đình tăng cường thêm thời lượng để trẻ em tiếp xúc với sách, hướng dẫn tìm sách và kỹ năng đọc.

Văn hóa đọc luôn gắn chặt với ngành xuất bản, về số lượng có thể yên tâm nhưng chất lượng, cơ cấu mảng sách vẫn còn chưa hợp lý. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Mảng sách khoa học xã hội nhân văn, nhất là sách lịch sử; sách thiếu nhi đã có nhiều đầu sách chất lượng do tác giả là người Việt Nam viết. Trong khi đó, mảng sách khoa học kỹ thuật chỉ chiếm 1,2% số đầu sách, 0,8% số bản sách xuất bản hằng năm, rõ ràng là không đáp ứng được yêu cầu của xã hội”.

 “Bức tranh” văn hóa đọc hiện nay đã có nhiều mảng sáng nhưng vẫn còn đó những tồn tại, bất cập cần giải quyết. Mấu chốt vấn đề là các bên liên quan cần chung tay, kiên trì xây dựng văn hóa đọc phát triển bề rộng, tiến tới đi vào chiều sâu.