29/03/2024 lúc 18:50 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển năng lượng sạch: Chính sách chưa đi vào thực tiễn!

VNHN - Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang cạn dần và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm thì phát triển NLTT là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế từ nguồn năng lượng này phục vụ mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang vướng nhiều “rào cản” từ chính sách.

VNHN - Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang cạn dần và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm thì phát triển NLTT là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế từ nguồn năng lượng này phục vụ mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang vướng nhiều “rào cản” từ chính sách.

ảnh minh họa

Muốn đầu tư mà …vướng!

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó trưởng Ban Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên của EVN đang triển khai các bước Quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 3.100MW. Tập đoàn đã xác định địa điểm và lập quy hoạch:04 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 575MW.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều thay đổi về các quy định trong đầu tư xây dựng, dẫn đến những khó khăn vướng mắc khi triển khai các thủ tục xây dựng. Công tác chuẩn bị đầu tư bị chi phối bởi nhiều Luật và nhiều Nghị định, thông tư. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện trường hợp khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư cho một Dự án điện khi áp dụng các Luật khác nhau...Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp....

Các quy hoạch NLTT/ Điện mặt trời nói riêng (trừ thuỷ điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Công suất phát của NLTT không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời...

Xung quanh việc đầu tư cho NLTT, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Trưởng phòng NLTT, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 cho rằng, chi phí đầu tư cho dự án NLTT tương đối cao là thách thức để phát triển lĩnh vực này. Trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn thì giá bán điện thấp khiến các nhà đầu tư không mặn mà.

Ông Dũng cũng bày tỏ: “NLTT là mảng rất mới với các doanh nghiệp Việt Nam. Dù quyết tâm, song chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm, năng lực về kỹ thuật và tài chính. Với các chính sách hỗ trợ về năng lượng gió, năng lượng mặt trời…, nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm về NLTT như: Ưu đãi về thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, đó là chính sách thực hiện sau khi dự án thành công. Hiện tại, nhà đầu tư chưa được hưởng chính sách ưu đãi nên phải tính toán, nếu có khả năng thu lợi nhuận thì mới thực hiện”.

Tại một số địa phương như Đà Nẵng việc phát triển NLTT vẫn còn những rào cản như: Thiếu cơ sở dữ liệu về tiềm năng NLTT, thông tin tản mạn nên các nhà đầu tư, kinh doanh rất khó thu thập, phân tích, đánh giá hiệu quả trước khi quyết định đầu tư; Thiếu thông tin về các mô hình sử dụng NLTT cho các loại hình kinh doanh, sản xuất và tiêu dùng. Trong khi, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương còn chưa đồng bộ...

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù có tiềm năng phát triển nguồn điện mặt trời nhưng đến nay, thành phố mới chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn có kết hợp với thu hồi năng lượng để phát điện.

Phải thay đổi bằng nhiều cách làm mới

Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng. Để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững không đánh đổi kinh tế lấy môi trường thì phát triển NLTT là một giải pháp quan trọng.

Để làm được điều này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng phải tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn NLTT. Các địa phương cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển NLTT…

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Tiềm năng NLTT, đặc biệt thuỷ điện của Việt Nam vẫn còn, chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao Quốc hội đã quyết định xoá bỏ hàng trăm dự án thuỷ điện trong thời gian vừa qua? Đây có phải là lỗi của bản thân các dự án thuỷ điện hay không? “Lý do không phải là bản thân các dự án mà do cách làm, do cơ chế, chính sách và chủ trương của chúng ta thời gian qua. Một thời chúng ta cho phát triển ồ ạt các dự án thuỷ điện, không có quy hoạch nên tác động lớn đến môi trường sinh thái và hiệu quả. Vấn đề khôi phục các dự án NLTT hiện nay không phải quay lại với mô hình cũ mà phải có cách làm, có mô hình mới, bền vững hơn, an toàn hơn..” – Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo; xác định giá trị đầu tư hợp lý cho các dự án. Ông Trần Viết Ngãi cũng đưa ra đề xuất: Nhà đầu tư trong lĩnh vực này cần được miễn, giảm thuế để tăng tính khuyến khích; tổ chức nghiên cứu tiềm năng tổng thể, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn phát triển về năng lượng như ngành điện, dầu khí, than khoáng sản./.

Theo TNMT