19/04/2024 lúc 18:56 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển đa dạng các sản phẩm từ Quế (Văn Yên - Yên Bái)

VNHN - Huyện Văn Yên (Yên Bái) hiện có hơn 40.000 ha quế, những năm qua huyện đã coi quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương. Để khai thác tối đa giá trị của loại cây này, huyện đã có nhiều giải pháp để giữ gìn thương hiệu, phát triển đa dạng các sản phẩm từ quế cùng với đó vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích trồng quế tập trung theo vùng với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

VNHN - Huyện Văn Yên (Yên Bái) hiện có hơn 40.000 ha quế, những năm qua huyện đã coi quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương. Để khai thác tối đa giá trị của loại cây này, huyện đã có nhiều giải pháp để giữ gìn thương hiệu, phát triển đa dạng các sản phẩm từ quế cùng với đó vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích trồng quế tập trung theo vùng với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, cây quế đã phủ ở cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng diện tích trên 40.000 ha. Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, Văn Yên được xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô, 55.000 tấn cành, lá quế, 290 tấn tinh dầu quế và 62.000 m3 gỗ quế, mang lại nguồn thu cho người dân khoảng trên 540 tỷ đồng. Đã có rất nhiều sản phẩm được chế tác tinh xảo và có tính nghệ thuật cao như: đồng hồ, đèn ngủ, lô-gô, khung ảnh, mô phỏng ngôi nhà, lọ tăm, lọ hoa, hộp đựng trà, bộ ấm chén hoặc các sản phẩm mô hình khác, tất cả đều làm từ vỏ quế. So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên mọi người rất ưa chuộng. Đặc biệt, đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế đã tạo nên sức hút và nét độc đáo rất riêng biệt với hàm lượng tinh dầu cao, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

dự Khai mạc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn

và Hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế huyện Văn Yên năm 2017.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung - Thị trấn Mậu A, chuyên bán những đồ thủ công Mỹ nghệ từ quế Cho biết: Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ quế, từ trà quế, tinh dầu quế, bột quế, điếu quế, đồ thủ công mỹ nghệ từ quế các sẩn phẩm từ quế được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ngoài ra, thời gian qua, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế còn đem đi giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài huyện như: Lễ hội đền Đông Cuông (xã Đông Cuông), Hội chợ huyện Sa Pa (Lào Cai), Hội chợ thương mại của Sở Khoa học - Công nghệ… Kết quả cho thấy, thị hiếu của người dân đối với các đồ thủ công mỹ nghệ từ quế khá lớn. Ông Lưu Trung Kiên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “Tất cả các phần của cây quế từ cành, vỏ cho đến thân cây quế qua công đoạn sơ chế và bàn tay khéo léo của người thợ là có thể trở thành những vật dụng gắn với đời sống hàng ngày như: hộp đựng trà, đựng tăm, bộ ấm chén hoặc là các sản phẩm mô hình dùng để trưng bày, trang trí... So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên mọi người rất ưa chuộng”. 

Lễ Hội Quế được tổ chức hàng năm để quảng bá thương hiệu Quế Văn Yên đến bạn bè trong và ngoài nước.

Cây quế mang lại giá trị rất lớn cho người trồng quế, bởi tất cả các bộ phận của cây quế như: vỏ, thân gỗ, lá, rễ đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống nên đều có thể trở thành hàng hóa. Với giá trị như vậy, cây quế ngày càng khẳng định được vị thế kinh tế chủ lực trên địa bàn huyện. Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế đạt khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000 m3/năm. Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm gần 600 tỷ đồng. Góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Đồng chí Phạm Trung Lân, Phó Giám đốc Sở Công thương (áo xanh) thăm gian hàng giới thiệu tinh dầu quế.

Đến nay trên địa bàn huyện có 11 cơ sở chưng cất tinh dầu quế, 16 doanh nghiệp, HTX gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế; trên 200 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế trên địa bàn, trong đó có 03 HTX sản xuất, kinh doanh giống quế, còn lại là sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Hàng năm huyện Văn Yên gieo ươm trên 30 triệu cây giống quế cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện.

Niềm vui thu hoạch vỏ quế của người Dao huyện Văn Yên.

Một số sản phẩm từ cây Quế huyện Văn Yên.

Đồng chí Vũ Quang Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế, huyện Văn Yên đã quản lý thực hiện tốt quy hoạch vùng quế nguyên liệu, trong đó tập trung phát triển ở các xã đã có chỉ dẫn địa lý, và những địa bàn có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây quế; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng quế. Đồng thời tếp tục mời gọi, tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến các sản phẩm từ quế, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân./