25/04/2024 lúc 20:24 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

VNHN-Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ rõ là “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Để tham gia giải quyết có hiệu quả vấn nạn nhức nhối này, Nghị quyết T.Ư 4 xác định phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

VNHN-Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ rõ là “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Để tham gia giải quyết có hiệu quả vấn nạn nhức nhối này, Nghị quyết T.Ư 4 xác định phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Nghị quyết T.Ư 4 nhận diện và chỉ rõ là tình trạng “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Qua đó cho thấy hiện tượng tham nhũng và dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng trước hết nảy sinh từ người có chức vụ, quyền hạn mà Nghị quyết T.Ư 4 xác định là “tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Thực tế cho thấy, những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ vì trước hết đã trực tiếp giải quyết một vấn nạn nhức nhối của xã hội, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương… Dù quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng là kết quả tổng hòa từ hoạt động của các cơ quan chức năng, phát hiện của nhân dân, song phải khẳng định rằng, trong quá trình này có vai trò rất quan trọng của báo chí. Đó là cơ sở để nhiều bài báo về đề tài phòng, chống tham nhũng được trao giải báo chí quốc gia hằng năm của Hội Nhà báo Việt Nam, sự ra đời của giải thưởng “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” có quy mô toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức.

Có thể nói, tham nhũng là hiện tượng muôn hình, muôn vẻ, từ âm thầm, kín đáo gây tổn thất lớn về kinh tế đến “tham nhũng vặt” thể hiện qua nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định danh trong bài phát biểu tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 22-1-2018. Xưa kia, dù biết rõ những việc làm tiêu cực của “tham quan, ô lại” nhưng người dân thấp cổ, bé họng cũng chỉ biết than vãn. Ngày nay, việc giải quyết tệ nạn tham nhũng đã khác trước, bởi bản chất chân chính và ý thức trách nhiệm trước toàn dân của một nhà nước của dân, do dân, vì dân không có chỗ cho tham nhũng; đồng thời việc phòng, chống tham nhũng đã được luật hóa, mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý theo pháp luật. Điều đáng nói là bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng, cơ quan thực thi luật pháp, xã hội có một công cụ quan trọng trong phòng, chống tham nhũng là báo chí. Và chúng ta đã biết, những năm gần đây, báo chí có vai trò tích cực, phát hiện nhiều vụ việc, góp phần đẩy nhanh xử lý các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp liên quan một số cán bộ, đảng viên…; hoặc hiện tượng “tham nhũng quyền lực” liên quan “bổ nhiệm thần tốc” cán bộ… Bên cạnh các sự vụ lớn, thu hút sự chú ý của xã hội, báo chí có nhiều tin bài đề cập hiện tượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở tham nhũng, hà lạm công quỹ, ăn chặn tiền bồi thường, hạch sách khi thực hiện thủ tục hành chính, thậm chí ăn nhậu ghi nợ ở hàng quán… Đây là cố gắng rất lớn của báo chí, nổi lên là nỗ lực phát hiện, điều tra, phanh phui, cố gắng vượt qua sức ép của quyền lực, cám dỗ vật chất, thậm chí vượt qua sự đe dọa về tính mạng, công việc, gia đình. Với những cố gắng đó, báo chí không chỉ tham gia phòng và chống tham nhũng mà còn kịp thời giúp nhân dân nắm bắt bản chất của sự kiện, hiểu rõ từng vấn đề, ủng hộ sự nghiêm minh của luật pháp, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Nói như vậy song cũng không thể xem nhẹ một số hiện tượng tiêu cực đã và đang tồn tại trong hoạt động của báo chí mà trong những năm gần đây, nhiều hình thức xử phạt đối với báo chí do các cơ quan chức năng đưa ra có liên quan hiện tượng tiêu cực trong chính hoạt động báo chí như: lợi dụng danh nghĩa báo chí để tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; sử dụng thủ đoạn “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” để trục lợi; tổ chức “đánh hội đồng”; thậm chí tiếp tay cho tham nhũng qua các bài viết ca ngợi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương có dấu hiệu tham nhũng, tô vẽ hình ảnh người tham nhũng để làm chệch hướng dư luận, cản trở công việc của cơ quan chức năng… Các hành vi này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của báo chí, gây nghi ngờ, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Đó là điều đáng tiếc và phải sớm loại trừ khỏi hoạt động báo chí. Bởi, dù có sức mạnh như thế nào thì báo chí cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ tham gia phòng, chống tham nhũng khi chính người làm báo cũng có tì vết, không trong sáng. Đặc biệt, khi in-tơ-nét, mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch và một số người thiếu lương thiện sử dụng để lan truyền tin giả nhằm gây nghi ngờ, tác động tiêu cực đến uy tín của tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, của cán bộ, đảng viên thì người làm báo cần hết sức tỉnh táo để không khai thác một cách vô trách nhiệm, không bị cuốn theo, hoặc vì tin tức giật gân, câu khách mà tiếp tay lan truyền thông tin do kẻ xấu bịa đặt, gieo rắc. Bất luận trong hoàn cảnh, trường hợp nào thì khi tham gia phòng, chống tham nhũng, trước hết phải bắt đầu từ sự liêm chính, trung thực, trong sạch, bản lĩnh vững vàng của chính báo chí. Đó là điểm tựa tinh thần giúp người làm báo khám phá, điều tra có phương pháp, vượt qua mọi áp lực, tập hợp thông tin xác thực, cụ thể, có hệ thống để khi đưa ra công luận, tác phẩm báo chí không chỉ phanh phui tham nhũng mà còn là một nguồn tài liệu có khả năng giúp cơ quan chức năng tiếp cận, điều tra, kết luận và đưa các vụ án tham nhũng ra trước pháp luật. Như vậy, để có thể tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả, báo chí không được dựa trên các suy đoán, suy luận cảm tính, chỉ dựa vào dư luận, không ỷ vào sức mạnh báo chí mà gây sức ép lên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cần luôn ý thức rằng, mọi sự vội vàng, thiếu thận trọng đều có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn báo, mỗi cơ quan chủ quản báo chí cần có ý thức nghiêm túc về vai trò của mình, từ đó thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, báo chí mới có thể góp phần hiện thực hóa nội dung đã được Nghị quyết T.Ư 4 xác định: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”.