29/03/2024 lúc 09:19 (GMT+7)
Breaking News

Phản biện và phản bội

VNHN-Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, trình độ dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa được nâng cao, một số người lợi dụng xu thế đó mang danh phản biện xã hội để đưa ra ý kiến trái chiều mà thực chất là các quan điểm phản động, thù địch. Do vậy, phải có nhận thức đúng đắn chúng ta mới có cơ sở vạch rõ chân tướng của những kẻ mang danh phản biện mà thực chất là phản bội.

VNHN-Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, trình độ dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa được nâng cao, một số người lợi dụng xu thế đó mang danh phản biện xã hội để đưa ra ý kiến trái chiều mà thực chất là các quan điểm phản động, thù địch. Do vậy, phải có nhận thức đúng đắn chúng ta mới có cơ sở vạch rõ chân tướng của những kẻ mang danh phản biện mà thực chất là phản bội.

Phản biện, theo Từ điển Tiếng Việt là “đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi”(1). Tuy nhiên, khái niệm phản biện hiện nay được sử dụng trong phạm vị rộng hơn, là phản biện các chủ trương, chính sách trực tiếp liên quan đến lợi ích của các thành viên trong cộng đồng, từ đó giúp các cơ quan hữu quan điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phản biện là quá trình tương tác, kết nối cá thể với cộng đồng tạo ra một bàn tròn dân chủ đối thoại góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, từng bước hình thành môi trường dân chủ, tiến bộ. Phản biện giúp cơ quan kiến tạo chính sách nhận ra những vết rạn hay lỗ hổng của bản thân chính sách, nâng cao hiệu quả quá trình hoạch định chính sách, thu hẹp vòng tiệm cận tiến tới sự hợp lý. Phản biện là hành động có trách nhiệm mang tính chất xây dựng, là sự kết hợp giữa trí tuệ tập thể của cộng đồng xã hội với trí tuệ của cả hệ thống chính trị để tạo ra tính đúng đắn, chính xác cho các quyết định chính trị.

Vì vậy, xét về nội dung, hình thức, tính chất và mục đích, phản biện xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xã hội thông tin phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí được nâng lên và quá trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh.

Ngược lại với phản biện là phản bội. Theo Từ điển Tiếng Việt, “phản bội là thay đổi hẳn thái độ đứng về phía người hay cái  mà nghĩa vụ bắt buộc mình phải trung thành, tôn trọng và bảo vệ”(2).

Sự phản bội có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Nhưng trước hết, xuất phát từ nhận thức lệch lạc, kém hiểu biết; sự xâm lấn thường xuyên của những cảm xúc, tình cảm tiêu cực và sự non nớt về bản lĩnh, ý chí. Con người dần đánh mất chính mình, bị dẫn dắt bởi những ý nghĩ mù quáng và đen tối. Khi con người phản bội, tức là đã đi đến bước đường cùng của sự tha hóa về nhân cách. Bởi, phản bội, xét về bản chất là vong ân bội nghĩa, gây thù kết oán, quay lưng lại với quá khứ, chà đạp lên những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc. Sự phản bội để lại những vết nhơ nhuốc không bao giờ tẩy sạch, họ là nỗi hổ thẹn của gia đình, người thân và xã hội.

Như vậy, sự phản bội diễn ra trên nhiều khía cạnh, biểu hiện ở những cấp độ khác nhau nhưng đều gây ra những tác hại to lớn đối với sự phát triển của xã hội và hủy hoại nhân cách của mỗi cá nhân.

Mở rộng và thực hành dân chủ là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta nhằm tạo mọi điều kiện phát huy quyền, nghĩa vụ của công dân đối với cộng đồng xã hội. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân... Mọi đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh tới lợi ích của đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước” (3). Đó là cơ sở để Đảng đề ra chủ trương “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức cán bộ”(4). Quan điểm đó được phát triển thêm một bước mới ở Đại hội XI: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” (5), trong đó đặc biệt “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội” (6). Có thể nói, các chủ trương, quan điểm trên của Đảng đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công luận, minh chứng sâu sắc cho tính dân chủ, tính khoa học trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa đường lối của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Chỉ 2 tuần sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Lần đầu tiên, quyền giám sát và phản biện xã hội của nhân dân đã được

Hiến định thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Có thể nói chưa bao giờ, việc cụ thể hóa một nội dung của Hiến pháp lại được triển khai nhanh chóng như nội dung giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều đó minh chứng sâu sắc về sự cụ thể hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, là phương thức mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện tối đa cho nhân dân góp phần xây dựng các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo tính đúng đắn, sát thực và khả thi cao.

Tiếc thay, với cách nhìn thiển cận và quan điểm thiếu thiện chí, xuất phát từ sự thôi thúc của những động cơ chính trị, thời gian qua một số trang web, blog cá nhân xưng danh đại diện cho giới trí thức và phản biện xã hội đã đưa ra nhiều ý kiến bàn luận, góp ý với các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước với một thái độ sốt sắng, lo xa… Nói chung là với đủ chiêu trò, mánh khóe, thi nhau tung hứng, suy diễn, thổi phồng, bôi đen những tiêu cực xã hội, tung ra nhiều thông tin nhạy cảm rất khó kiểm chứng nhằm lung lạc dư luận, kích thích sự hiếu kỳ của người dân. Thực chất đó là những kiểu thông tin gây nhiễu loạn thông tin với mục đích gây ra sự nghi ngờ, gieo rắc lòng thù hận, chia rẽ nội bộ, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chúng ta tôn trọng và đánh giá giá trị của các ý kiến phản biện không chỉ ở nội dung, tính khoa học mà cả ở tính chất và thái độ của nó. Do vậy, nếu không thực sự tâm huyết và mang tính chất xây dựng, không xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm, từ trí tuệ và lương tâm mọi ý kiến đóng góp sẽ trượt dần từ phản biện sang phản bội.

________

(1)Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, trang 764.

(2) Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, trang 764.

(3)Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, trang 44

(4)Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, trang 135

(5)Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, trang 87

(6) Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, trang 242