20/04/2024 lúc 03:17 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS.NGƯT Trần Thị Như Mai: Thầm lặng gieo tri thức cho đời

VNHN - Mái tóc dài, nụ cười chân phương, hiền hậu cùng vẻ thanh lịch, cởi mở và dễ mến là những ấn tượng ban đầu khi tôi gặp Chị trong dịp thực hiện bài viết mới đây. Bên trong hình ảnh đôn hậu, rất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, PGS.TS.NGƯT Trần Thị Như Mai - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Hóa học, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa học Dầu mỏ - ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội, Giám đốc Trung Tâm Hóa Dầu, Thư ký Hội đồng KH & ĐT Ngành Hóa ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Đồng Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Lọc Hóa dầu

VNHN - Mái tóc dài, nụ cười chân phương, hiền hậu cùng vẻ thanh lịch, cởi mở và dễ mến là những ấn tượng ban đầu khi tôi gặp Chị trong dịp thực hiện bài viết mới đây. Bên trong hình ảnh đôn hậu, rất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, PGS.TS.NGƯT Trần Thị Như Mai - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Hóa học, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa học Dầu mỏ - ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội, Giám đốc Trung Tâm Hóa Dầu, Thư ký Hội đồng KH & ĐT Ngành Hóa ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Đồng Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Lọc Hóa dầu - Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch Hội Xúc Tác & Hấp phụ Việt Nam - đã có những dấu ấn đáng tự hào trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học thầm lặng mà cao quý.

PV: Chào Chị, nhìn lại hành trình đã qua, cơ duyên nào đã đưa chị đến và gắn bó với chuyên ngành hóa học vốn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ tìm tòi, nghiên cứu ?

Tôi sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, trong một gia đình gốc Hà Nội gồm nhiều thế hệ trí thức. Cha tôi nguyên là Phóng viên Nhiếp ảnh Báo Văn Nghệ Trần Nguyệt Diệu, còn mẹ là bà Nguyễn Thị Loan - từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã Thêu Xuất khẩu. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi dự thi và đỗ vào trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ngày đó, vốn say mê chuyên ngành Hóa học, tôi quyết tâm học thật tốt để theo đuổi lĩnh vực này. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp khoa Hóa học, được nhà trường giữ lại làm giảng viên phụ trách công tác giảng dạy, tôi đã gắn bó với khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên từ đó đến nay.  Trong công việc, tôi luôn cố gắng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó, hết lòng với công tác đào tạo, truyền thụ tri thức cho đội ngũ sinh viên, học viên. Song song với công tác chuyên môn, tôi kết hợp học hỏi thêm và nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức, trình độ. Năm 1993, tôi bảo vệ thành công luận án TS Hóa học và năm 2002 vinh dự được HĐCDGSNN phong tặng học hàm PGS. Năm 1996, tôi được đi trao đổi khoa học tại CH Pháp. Đến năm 2010, tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho những cống hiến vì sự nghiệp trồng người của mình. Nhiều năm qua, tôi vẫn thầm lặng làm việc, nghiên cứu tại Khoa Hóa học, trường ĐH KHTN.

NGƯT.PGS.TS Trần Thị Như Mai

PV: Chị có thể cho tôi biết thêm về những hướng nghiên cứu chính và những công trình khoa học tiêu biểu của mình trong những năm qua, thưa Chị ?

Chặng đường vừa qua, tôi tập trung theo đuổi những hướng nghiên cứu chính quan trọng như: Tổng hợp vật liệu xúc tác và hấp phụ thế hệ mới, ứng dụng làm xúc tác trong tổng hợp hữu cơ hóa dầu, hóa dược, chuyển hóa sinh khối và xử lý môi trường: MCM-41, MCM-22, ZSM-5, SBA-15, vật liệu xốp mao quản nano… và các xúc tác nano Au, Pt, Ag,Pd, La, Ce…phân tán trên các chất mang xốp chứa Si, C, Zr, Al… Nghiên cứu các phản ứng chuyển hóa trong lọc hóa dầu, chuyển hóa sinh khối thành sản phẩm nhiên liệu và hóa học, chế tạo nhiên liệu sinh học sử dụng xúc tác dị thể; Nghiên cứu chế tạo các ống nano titan dropping bằng kim loại và phi kim ứng dụng cho nguồn năng lượng mới, xúc tác quang hóa; Nghiên cứu chế tạo các hệ hóa phẩm, các Polimer ưa nước, các chất hoạt động bề mặt, các phụ gia phục vụ cho khai thác dầu khí, tuyển quặng...  Nghiên cứu trong các quá trình chiết tách các hợp chất thiên nhiên, tổng hợp hóa dược, thực phẩm chức năng…Với những hướng nghiên cứu trên, đến nay, tôi đã chủ trì 11 đề tài các cấp trong đó có 1 đề tài cấp trường, 4 đề tài cấp ĐHQG, 2 đề tài nghiên cứu cơ bản, 2 đề tài hợp tác với Tập đoàn Dầu Khí và 2 đề tài cấp NN. Bên cạnh đó, tôi cũng đã tham gia 5 đề tài trong đó có 2 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp Nhà nước.  Tiêu biểu trong đó phải kể đến những đề tài như: Nghiên cứu quy trình công nghệ oxi hoá glucozơ thành gluconic axit và chế tạo các muối calci, kali và natri gluconat. Đề tài cấp nhà nước (2010 - 2012), thuộc chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ Hoá dược đến năm 2020 tầm nhìn 2025; Nghiên cứu phục hồi xúc tác FCC thải của nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái sử dụng cho các quá trình cracking các chất thải hữu cơ và các quá trình lọc hóa dầu khác. Đề tài độc lập cấp nhà nước- Bộ Khoa học Công nghệ (2012- 2014); Nghiên cứu quy trình bán tổng hợp tetrahydro-curcumin từ curcumin trong củ nghệ, làm nguyên liệu cho dược mỹ phẩm Đề tài cấp nhà nước (2015 - 2017), thuộc chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ Hoá dược đến năm 2020 tầm nhìn 2025.” Đồng thời, tôi cũng đã công bố hơn 120 bài báo khoa học trên các Tạp chí trong nước và 6 bài báo khoa học trên các Tạp chí uy tín trên thế giới. Rất mừng là những đề tài này đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực về xúc tác hấp phụ, năng lượng sinh học, dầu khí, hóa dược và môi trường với mục tiêu góp phần xây dựng định hướng, chiến lược để phát triển nền KHCN Việt Nam và năng lượng Việt Nam. Tôi cũng luôn tham gia đóng góp tích cực cho các vấn đề liên ngành trong các vấn đề khai thác và chế biến dầu khí cũng như làm Chủ tịch trong các Hội đồng tư vấn và phản biện để xây dựng các định hướng phát triển về các lĩnh vực mới như: Năng lượng mới, Khai thác và chế biến dầu khí, Chương trình Hóa dược Việt Nam, Vật liệu mới...

PV: Tham gia giảng dạy tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội nhiều năm qua, mong Chị có thể chia sẻ thêm cùng tôi về những tâm huyết cũng như dấu ấn trong công tác đào tạo của mình ?

Đến nay, tôi đã tham gia hướng dẫn 25 Thạc sỹ bảo vệ thành công luận văn và 12 Tiến sỹ bảo vệ thành công luận án. Tôi cũng đã hướng dẫn gần 150 sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thành công. Một dấu ấn sâu đậm là suốt từ năm 1998 đến nay, tôi thường xuyên tham gia giảng dạy cho khối THPT chuyên Hóa của trường ĐHKHTN cũng như được Bộ GD & ĐT trong nhiều năm liền tín nhiệm giao phụ trách chủ nhiệm và huấn luyện Đội tuyển dự thi Olympic Hóa học Quốc tế. Trong đó, hai em Phạm Minh Châu và Nguyễn Đức Anh đã 2 lần đạt Huy chương Vàng tại các kỳ thi Olympic Hóa học dành cho học sinh khối THPT. Đến nay, những học trò năm xưa của tôi đều đã thành đạt và đang đảm đương nhiều cương vị công tác quan trọng tại nhiều trường ĐH, nhiều Viện cũng như các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học quan trọng trên khắp mọi miền Tổ quốc như ĐH Quy Nhơn, ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội; HV Nông nghiệp Việt Nam; Viện Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí), Văn phòng Chính phủ, ĐH Hải Phòng, Cục Hóa chất (Bộ Công thương), ĐH Sư phạm ĐH Đà Nẵng, Sở NN & PTNT Bắc Ninh... Những thành công của các thế hệ học trò chính là niềm vui, sự tự hào và là tài sản lớn nhất trong sự nghiệp trồng người của tôi.

NGƯT.PGS.TS Trần Thị Như Mai tham gia Hội đồng chấm Luận án Tiến Sĩ tại Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam.

PV: Công việc bộn bề luôn vây quanh là thế, liệu chị còn thời gian dành cho gia đình, hậu phương của mình ?

Tôi luôn tâm niệm gia đình là điều quan trọng nhất với mỗi chúng ta. Sau những giờ phút miệt mài bên công việc, hạnh phúc là được trở về bên tổ ấm yêu thương và làm tròn thiên chức của người vợ đảm đang, người mẹ chu toàn của các con các cháu. Chồng tôi trước đây từng là Kỹ sư Xây dựng của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà. Tôi cảm thấy mình thật sự may mắn vì chồng rất hiểu, quan tâm lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ cùng tôi mọi chuyện trong gia đình, trong cuộc sống. Anh luôn là điểm tựa, là hậu phương cho những thành công của tôi trong sự nghiệp những năm qua. Con gái tôi từng bảo vệ thành công luận án TS tại Pháp năm 27 tuổi và hiện đang giảng dạy tại Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội. Có thể nói, không ai trong chúng ta có thể thành công trong sự nghiệp mà không có một gia đình hạnh phúc phía sau.

PV: Xin trân trọng cám ơn Chị vì cuộc trò chuyện rất ý nghĩa ! Chúc Chị luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục làm việc, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học !