20/04/2024 lúc 04:47 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS.NCVCC Nguyễn Đình Hưng đam mê nhiệt huyết với nghề

VNHN - Không chỉ là một nhà quản lý tận tâm, ông còn là một nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết với nghề nghiệp. Trong suốt thời gian công tác, để có được những kết quả nghiên cứu khoa học, ông đã không ngừng nghiên cứu và làm việc quên giờ giấc. Ông là PGS.TS Nguyễn Đình Hưng nguyên Chủ nhiệm Khoa chế biến cơ lý Gỗ, Viện Lâm nghiệp; Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Gỗ - Viện Công nghiệp rừng; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Tài nguyên thực vật rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Thành viên Hội Giải p

VNHN - Không chỉ là một nhà quản lý tận tâm, ông còn là một nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết với nghề nghiệp. Trong suốt thời gian công tác, để có được những kết quả nghiên cứu khoa học, ông đã không ngừng nghiên cứu và làm việc quên giờ giấc. Ông là PGS.TS Nguyễn Đình Hưng nguyên Chủ nhiệm Khoa chế biến cơ lý Gỗ, Viện Lâm nghiệp; Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Gỗ - Viện Công nghiệp rừng; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Tài nguyên thực vật rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Thành viên Hội Giải phẫu Gỗ Thế giới.

 

PGS.TS.NCVCC Nguyễn Đình Hưng.

Khởi nguồn đam mê

PGS.TS Nguyễn Đình Hưng sinh năm 1937 tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Quê hương ông được biết đến là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Những giá trị truyền thống quê hương đã nuôi dưỡng ông thành tài, trở thành người con ưu tú của đất nước.

Vốn là người ham học, những năm ngồi trên ghế nhà trường ông luôn lấy những tấm gương sáng để noi theo và học tập. Tốt nghiệp cấp 3 năm 1955 ông rời xa vùng đất quê nhà để đến với thủ đô ngàn năm văn hiến và trở thành sinh viên của trường Đại học Nông Lâm, Khoa Lâm học. Giảng đường đại học chính là nơi giúp ông tích lũy những tri thức và kinh nghiệm cần thiết làm hành trang cho sự nghiệp sau này. Tốt nghiệp đại học ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên môn Khoa học Gỗ (năm 1961). Đứng lớp chưa lâu, trong cùng năm có chuyên gia của cộng hòa Dân chủ Đức sang hướng dẫn công tác nghiên cứu Khoa học Gỗ, là một giảng viên trẻ lại có tinh thần cầu tiến ông được nhà trường đề cử phân công đi học chuyên gia. Một lần nữa may mắn mỉm cười với ông khi ông được chuyên gia người Đức Tiến sĩ Harzmann hướng dẫn nghiên cứu toàn diện về cây Sau Sau (Liquidambar formosana Hance). Và rồi chính ông cũng không ngờ rằng tất cả những kinh nghiệm mà ông tích lũy được trong khoảng thời gian quý báu ấy đã đưa ông đến với niềm đam mê vô tận với nghiên cứu khoa học sau này. Cuối năm 1961, Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp thành lập, nhận thấy tố chất của người làm khoa học trong ông cùng lời khuyên chân thành của vị chuyên gia người Đức ông được Viện trưởng xin về làm công tác nghiên cứu, tạm gác lại sự nghiệp giảng dạy tại trường Nông Lâm.

Cống hiến hết mình trong vai trò của nhà khoa học

Là một nhà khoa học nghiên cứu về Gỗ nên hầu khắp mọi khu rừng trên toàn quốc, không nơi nào là không có dấu chân của ông đi qua. Hiếm ai có thể tưởng tượng được rằng một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm lại sẵn sàng hòa đồng với những người công nhân thực thụ. Mỗi lần vào rừng lấy mẫu Gỗ là mỗi lần ông phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm đến bản thân. Theo ông kể: Ngay chuyến đi công tác đầu tiên vào sau Tết năm 1962, ông đã được cấp trên giao nhiệm vụ khảo sát tài nguyên cây Gỗ quý của rừng Sapa Hòang Liên Sơn. Đó là khoảng thời gian trời rất rét, đường trơn không có xe để đi, ông đã cùng với những người lính địa phương đi bộ hàng chục cây số vào rừng, vừa đi vừa trống gậy, leo núi, lội suối và phải đề phòng thổ phỉ tấn công bất ngờ… Tuy có nhiều lo lắng, khó khăn nhưng bản thân ông luôn nghĩ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cuối cùng ông đã phát hiện ra rừng Pơ Mu đang bị khai thác trái phép, kết quả của chuyến khảo sát này đã giúp cho lãnh đạo Trung ương và Địa phương có chủ trương quản lý bảo vệ rừng.

Ông tâm sự rằng trong quá trình nghiên cứu 06 tháng mùa khô, ông dành cho việc đi lấy mẫu, 06 tháng còn lại ông làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trước khi mỗi lần đi lấy mẫu ông đều phải trang bị rất kỹ về kiến thức từ sách vở và mẫu vật đã có để tránh sự trùng lặp với mẫu mới lấy, nên 06 lần ông bị chảy máu dạ dày phải đi cấp cứu vì mải nghiên cứu, làm việc tới độ quên ăn. Nhiều lần, ngước nhìn lên đồng hồ kim giờ đều dừng lại ở con số 2h sáng. Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ thấy ông than trách một lời, trước mặt mọi người ông vẫn cùng đồng nghiệp hòa đồng, vẫn chăm lo cho đời sống cán bộ. Cũng chính vì tình yêu dành cho khoa học vô bờ bến, đã giúp có được những thành công khi xây dựng nên một bộ sưu tập tiêu bản cây Gỗ hiện lưu giữ tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hơn 700 loài cây Gỗ, gần 200 mẫu loài tre; Sau khi miền Nam được giải phóng từ năm 1977 - 1980, ông đã cùng đồng nghiệp điều tra tài nguyên cây Gỗ của rừng Tây Nguyên để làm cơ sở xây dựng 3 nhà máy chế biến gỗ nhân tạo ở Kontum, Đắk Lắk; Bình Dương trong thập kỷ 80 của Thế kỷ trước đây.

Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu cấu tạo giải phẫu Gỗ một số loài cây Gỗ ở Việt Nam để định loại theo đặc điểm cấu tạo thô đại và hiển vi”. Ông đã có hơn 70 công trình khoa học được công bố ở trong nước và quốc tế như: Nghiên cứu những tính chất cơ bản của Gỗ rừng Việt Nam để sử dụng Gỗ hợp lý và tiết kiệm; Nghiên cứu đặc điểm của các loài thực vật rừng chủ yếu, chọn và phát triển một số loài cây đặc sản mới có giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường và xuất khẩu”… Ông là đồng tác giả của 20 đầu sách đã được xuất bản, trong đó có 5 cuốn được ông viết sau khi về hưu như: Nghiên cứu đa dạng sinh học; Át lát cấu tạo, tính chất Gỗ và Tre Việt Nam tập 1, tập 2; Tên cây rừng Việt Nam; Các loại Gỗ thông dụng ở Việt Nam đặc điểm cấu tạo, tính chất vật lý, cơ học và hướng sử dụng và một báo cáo Khoa học ở Hội nghị Quốc tế Kyoto năm 2005…

PGS.TS.NCVCC Nguyễn Đình Hưng chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình.

 Mặc dù về hưu từ năm 2000 nhưng PGS.TS Nguyễn Đình Hưng vẫn không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi, ông vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy nhiều khóa cao học, hướng dẫn học viên bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ ở một số trường Đại học và Viện nghiên cứu trong nước. Câu nói “còn sức khỏe có nghĩa là vẫn còn phải làm việc và cống hiến” đó là quan điểm sống của cá nhân ông. Đúng như tình yêu và nhiệt huyết trên con đường nghiên cứu, không ngần ngại gian khó và làm việc gấp đôi so với nhiều người khác, từ các nguồn tài nguyên có sẵn trong tự nhiên, điều kiện nghiên cứu còn thiếu thốn ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Hưng vẫn quyết định dấn thân và theo đuổi niềm đam mê đến cùng để rồi những thành công ông đạt được ngày hôm nay mà nhiều người khác không dễ làm được, ông vẫn chỉ khiêm tốn nhận rằng chắc là do ông may mắn mà thôi.

Ghi nhận những đóng góp của ông cho khoa học và giáo dục, nhà nước đã phong hàm Phó giáo sư năm 1996; tặng Huân chương lao động hạng Ba (1999), Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn (1997); Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ (1995); Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (1995); Huân chương Kháng chiến hạng Ba…

Năm tháng đã qua đi, một chặng đường học tập, nghiên cứu không ngừng nghỉ, giờ đây PGS.TS Nguyễn Đình Hưng đã khẳng định được những hướng đi và con đường mình lựa chọn. Những ký ức tuổi thơ, những khó khăn trong cuộc sống đã trở thành động lực, sức mạnh tinh thần giúp ông vượt lên trên số phận và trở thành một nhà khoa học chân chính, đem niềm đam mê làm rạng danh ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Ông nói: “Những kiến thức ông có và thành quả khoa học đã công bố là công sức đóng góp của những người thầy, những bạn đồng nghiệp nhiều thế hệ, ông vô cùng biết ơn bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ và cả nhà giáo Vũ Thị Thuận - người vợ thân yêu của cuộc đời ông. Đã luôn bên cạnh động viện, hi sinh thầm lặng, thay ông chăm sóc gia đình, con cháu để ông yên tâm công tác. Ông chân thành cảm ơn tất cả”.