20/04/2024 lúc 08:57 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Nguyễn Đình Hựu: Còn sức là còn làm việc, cống hiến

VNHN - Biết đến ông qua nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu, nhưng phải đến khi được gặp trực tiếp, tôi mới hiểu hết chặng đường dài cống hiến của nhà khoa học ấy. Đến nay, khi đã ở tuổi nghỉ ngơi, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, Trưởng ngành Kế toán – Kiểm toán sau ĐH của ĐH Đông Á vẫn miệt mài nghiên cứu, đưa ra bao sáng kiến, phương pháp cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính quốc gia.

VNHN - Biết đến ông qua nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu, nhưng phải đến khi được gặp trực tiếp, tôi mới hiểu hết chặng đường dài cống hiến của nhà khoa học ấy. Đến nay, khi đã ở tuổi nghỉ ngơi, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, Trưởng ngành Kế toán – Kiểm toán sau ĐH của ĐH Đông Á vẫn miệt mài nghiên cứu, đưa ra bao sáng kiến, phương pháp cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Đình Hựu sinh ngày 20/5/1944 tại thôn Phú Hậu, xã Xuân Vinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình Nho học. Tuổi thơ ông đã đi qua bao cuộc chiến tranh gian khó của quê hương. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dậy ở khoa kế toán. Nhìn lại chặng đường gắn với nghề giáo, ông đã đào tạo biết bao lớp học trò sau này nắm giữ nhiều cương vị cao của đất nước. Trong số đó, nhiều cán bộ hiện nay là Vụ trưởng, Thứ trưởng …nhưng dấu ấn về người thầy năm xưa vẫn không hề phai nhạt trong tâm thức mỗi người.

 

 Chân dung PGS.TS Nguyễn Đình Hựu bên bức thư pháp phác họa cuộc đời ông

 Khi còn ở ĐH Tài chính – Kế toán Hà Nội ( Học viện Tài chính hiện nay), ông làm giảng viên, rồi làm trợ lý hiệu trưởng cho ba thời hiệu trưởng về khoa học và đào tạo. PGS.TS Nguyễn Đình Hựu là ủy viên thư ký Hội đồng Khoa học nhà trường, là thư ký tòa soạn đầu tiên tờ “ Thông tin Khoa học Tài chính – Kế toán( nay là Tạp chí Khoa học của Học viện Tài chính). Tháng 10/1984, theo yêu cầu của Viện nghiên cứu Tài chính, ông về làm trưởng phòng tổng hợp và quản lý khoa học của Viện, Ủy viên thư ký Hội đồng Khoa học ngành tài chính. Theo đề nghị của ông, Bộ đã đổi tên Viện thành Viện Khoa học Tài chính với hai chức năng nghiên cứu và quản lý khoa học . Viện đã góp phần cùng Bộ Tài chính đi vào công cuộc cải cách sâu rộng nền tài chính quốc gia, xây dựng một nền kinh tế có hạch toán, đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả.

 Thời gian ở Viện Khoa học Tài chính từ năm 1984 đến năm 1990 là thời kỳ ông học hỏi và giao tiếp với mọi vấn đề tài chính vĩ mô, tiếp cận với thực tế đa dạng của hoạt động tài chính ngân sách, tài chính doanh nghiệp, công tác thuế, thanh tra tài chính và kế toán. Gần 6 năm làm việc tại đây, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu đã trực tiếp tham gia, triển khai những NCKH như “ Chính sách Tài chính quốc gia ( cấp NN, ông là thư ký) hay “ Hệ thống đòn bẩy kinh tế trong xây dựng cơ bản” ( Phó chủ nhiệm).  Ngoài ra, ông còn là đồng tác giả cuốn “ Từ điển thuật ngữ Tài chính – tín dụng” do NXB Tài chính ấn hành ( 1996). Năm 1991, ông đã bảo vệ thành công luận án Phó TS kinh tế. Đây là luận án thứ 100 của ĐH KTQD được bảo vệ thành công và vinh dự được Hiệu trưởng nhà trường khi đó chọn để kỷ niệm 35 năm ĐH KTQD .

 Với yêu cầu cải cách nền tài chính, năm 1990, ông được chuyển sang làm Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước.  Nơi đây, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu cùng bạn bè đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý, vận hành ngành Kho bạc Nhà nước. Từ năm 1991 – 2002, ông làm cố vấn tài chính cho GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên – Giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ. Ông đã có nhiều đóng góp thiết lập hệ thống kế toán cho ngành vệ sinh dịch tễ, áp dụng cho cả hệ thống Viện Pasteur toàn quốc. Năm 1994, khi thành lập Kiểm toán Nhà nước, ông được chuyển sang làm việc ở Kiểm toán NN. Lúc đầu là Phó Vụ trưởng, Phó Kiểm toán trưởng phụ trách Kiểm toán Nhà nước, chuyên ngành Đầu tư và Dự án Chính Phủ. PGS.TS Nguyễn Đình Hựu cùng đồng nghiệp bắt tay ngay vào nghiên cứu, biên soạn hàng loạt cơ chế chi phối hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Đến năm 1997, khi Chính phủ thành lập Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng Cán Bộ Kế toán, ông lại được điều sang làm giám đốc. Với tư cách Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Đào tạo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học ngành Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiểm toán, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu cùng đồng nghiệp đã cho ra mắt hàng loạt cuốn sách quan trọng như : Cẩm nang Kiểm toán viên Nhà nước (NXB Chính trị Quốc gia, đồng tác giả), Vai trò của KTNN trong NN pháp quyền XHCN Việt Nam ( NXB chính trị Quốc gia, đồng tác giả), Kiểm toán nội bộ trong các cơ quan, tổ chức kinh tế NN ( NXB chính trị Quốc gia, đồng tác giả), Kiểm toán căn bản ( NXB chính trị quốc gia , tác giả)…Năm 2002, với những cống hiến đầy giá trị của mình trong nghiên cứu khoa học, ông đã vinh dự được NN phong tặng học hàm PGS kinh tế. Những năm gần đây, những cuốn sách về tài chính, kế toán, kiểm toán vẫn được ông cho ra mắt bạn đọc liên tục, như minh chứng cho sức làm việc không mỏi nơi ông.

 Đến năm 2005, ông về hưu và đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học kế toán, Kiểm toán của Hội kế toán, Kiểm toán Việt Nam. Nơi đây, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu cùng đồng nghiệp đã góp phần bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho hàng ngàn cán bộ kế toán, tài chính ở TƯ và địa phương, đặc biệt với các ngành Kho bạc Nhà nước, giáo dục, ngành thuế và các cơ quan hành chính. Và rồi, năm 2010, ông  lại về làm cố vấn cho hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TƯ, đồng thời là chủ nhiệm bộ môn kế toán – kiểm toán cho ĐH Nguyễn Trãi. Đến năm 2011, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu là trưởng khoa Kế toán – kiểm toán cho ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội. Tháng 4/2013 ông lại chuyển sang Hội Luật gia Việt Nam, làm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và Kinh tế Asean, kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tài chính, Kế toán và kiểm toán và góp phần đào tạo sau ĐH ở nhiều trường ĐH : HV Tài chính, HV Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia, HV Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Đại Nam, ĐH Đông Á…  

 

 Những cuốn sách chuyên khảo chứa đựng nhiều tâm sức, trí lực nghiên cứu và những tập thơ tự tình khắc họa hồn thơ lộng gió, khoáng đạt của PGS.TS  Nguyễn Đình Hựu.       

 Xuyên suốt chặng đường dài đã qua của ông, cuộc sống muôn nơi đã hun đúc nên một hồn thơ lộng gió, lãng mạn. Nếu không đọc qua, có lẽ, ta cũng chẳng thể ngờ, một nhà khoa học, nhà nghiên cứu miệt mài với những công thức,những con số đó lại làm thơ hay đến vậy. Những bài thơ về tài chính, kế toán, kiểm toán đã làm nên thương hiệu nhà thơ Hữu Nguyện giữa làng thơ Hà Nội cũng như của cả nước. Trong đó có Tự khúc (Tập 1, 2, 3 - NXB Văn học, 2014); Tình khúc (Tuyển thơ - NXB Văn học, 2014), cùng hàng chục tuyển tập, tổng tập thơ của Quốc gia. Ông cũng đã in 3 tập thơ ở NXB Văn học (Tự khúc I, Tự khúc II và Tự khúc III). Năm 2014, ông in tuyển tập thơ TÌNH KHÚC ở NXB Văn học, tuyển từ 3 tập Tự khúc và thêm các phần mới: CHÂN DUNG (41 bài), THƠ CHO BẦU BẠN (29 bài), HỒN THU(113 bài). Như vậy tuyển tập TÌNH KHÚC có hơn 500 trang với 370 bài thơ. Thơ ông chan chứa tình yêu đời, yêu con người, trân trọng cuộc sống và khát cháy một tình yêu đôi lứa. Hồn thơ lộng gió, tươi mát của ông còn được bồi đắp qua hàng chục chuyến công tác, làm việc ở nhiều quốc gia tại Châu Á, châu Âu, châu Úc…

 Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp, ông đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Vì Sự nghiệp Công đoàn, Huy chương Vì Sự nghiệp Tài chính, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước, Kỷ niệm chương Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bảng vàng và Cúp vàng “Trí thức Việt Nam có Tâm, có Tầm và có Tài” của Viện KH Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, Liên hiệp KH & KT Việt Nam, Bằng và Cúp vinh danh “Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến” của Tổ chức UNESCO Việt Nam, Bằng khen “Vì sự nghiệp Khoa học, Giáo dục và Văn hóa” theo tiêu chí UNESCO của Tổ chức UNESCO Thế giới và Việt Nam trao tặng tháng 12/ 2017.