20/04/2024 lúc 06:19 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Nguyễn An Lương - Sáng trong một tấm lòng cống hiến

Ông là một nhà khoa học, nhà giáo giàu nhiệt tâm và đã có nhiều cống hiến ý nghĩa và tâm huyết cho ngành Bảo hộ lao động nước nhà. Với niềm say mê khoa học, sự tâm huyết, lòng nhiệt thành của mình, ông đã có những đóng góp đáng trân trọng với sự phát triển của đất nước thông qua những công trình, đề tài khoa học cũng như những dấu ấn chỉ đạo quan trọng, ý nghĩa của mình. Ông chính là PGS.TS Nguyễn An Lương - nguyên Viện trưởng Viện Bảo hộ lao động (BHLĐ), nguyên Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liê

Ông là một nhà khoa học, nhà giáo giàu nhiệt tâm và đã có nhiều cống hiến ý nghĩa và tâm huyết cho ngành Bảo hộ lao động nước nhà. Với niềm say mê khoa học, sự tâm huyết, lòng nhiệt thành của mình, ông đã có những đóng góp đáng trân trọng với sự phát triển của đất nước thông qua những công trình, đề tài khoa học cũng như những dấu ấn chỉ đạo quan trọng, ý nghĩa của mình. Ông chính là PGS.TS Nguyễn An Lương - nguyên Viện trưởng Viện Bảo hộ lao động (BHLĐ), nguyên Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn An Lương xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh - quê hương miền Trung nắng gió nhưng giàu truyền thống cách mạng, lịch sử của cả nước. Ông là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em đều thành đạt, là nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ nhà nước, trong đó có 2 người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ. Đó là người anh thứ 2, cố GS.TS Nguyễn Đình Tứ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị TƯ Đảng khóa VIII - về Vật Lý nguyên tử và người em út, GS.TSKH Nguyễn Tự Cường về Toán học hiện đại. Năm 1959, ông thi đỗ vào khóa 4 Trường ĐH Bách khoa, Hà Nội. Sau khi ra trường, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Bộ môn Công nghệ chế tạo máy thuộc Khoa Cơ khí. Ngày đó, thầy giáo trẻ An Lương đã nhiều lần đi thực tế vùng mỏ Quảng Ninh, chui vào mỏ than hầm lò Hà Lầm để khảo sát và lấy tư liệu phục vụ việc thiết kế phần cơ khí ở mỏ mới Tây Khe Sim. Cũng tại đây, ông đã tiếp cận và quan tâm đến các công việc BHLĐ và vệ sinh công nghiệp, ông không ngờ rằng đấy chính là cái “nghiệp” nhiều năm sau này của mình. Giữa 1968, ông được nhà trường cử đi NCS tại Tiệp Khắc. Trên đường qua Matxcơva (Liên Xô) đã có một cuộc hội ngộ thú vị, 4 anh em trai trong gia đình ông đều có mặt ở thủ đô nước bạn do có những người đang công tác, làm NCS, học tập tại đây vào thời điểm đó.

PGS.TS Nguyễn An Lương

 Bảo vệ thành công luận văn, năm 1974, ông về nước với học vị TS. Lại bắt đầu những năm tháng vừa giảng dạy vừa nghiên cứu ở khoa Cơ khí... Đầu năm 1975, TS Nguyễn An Lương được nhận Quyết định là Phó Phòng Quản Lý Khoa học. Ông bén duyên với hoạt động công đoàn khi tại Đại hội đầu năm 1978 của Liên hiệp Công đoàn Tp. Hà Nội, lúc ông lên đọc tham luận trở về chỗ ngồi, thì Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (TCĐVN) Hoàng Quốc Việt nắm tay ông nói: “Đây là trí thức của giai cấp công nhân”.  Câu nói đó đã trở thành động lực để sau này Ông gắn bó với sự nghiệp của Tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tháng 5/ 1978, tại Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam, Ông được bầu vào BCH TCĐVN Khóa 4. Ông tham gia liên tiếp các Khóa BCH 5 và 6 và được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) khóa 7 (1993 - 1998) và Phó Chủ tịch Thường trực TLĐLĐVN khóa 8 (1998 – 2003).

Năm 1979, Ông được điều động về công tác ở TLĐLĐVN và được bổ nhiệm làm Viện Phó Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động (Viện BHLĐ). Đến tháng 7/1984 thì làm Viện Trưởng cho đến tháng 7/1999 thì thôi nhiệm vụ để tập trung cho công tác Phó Chủ tịch Thường trực và Thủ trưởng Cơ quan TLĐLĐ Việt Nam. Như vậy là trong hơn 25 năm kể từ ngày chuyển về TLĐ cho đến ngày nghỉ hưu (Tháng 5/ 2004), PGS.TS Nguyễn An Lương đã chuyển hẳn sang công tác ở một lĩnh vực mới, vừa tham gia công tác trong BCH TLĐ, trong đó nhiều năm thay mặt TLĐ chỉ đạo công tác BHLĐ của toàn hệ thống, vừa trực tiếp điều hành hoạt động một Viện Nghiên cứu khoa học về BHLĐ, một lĩnh vực khoa học liên ngành, bao gồm các nội dung về pháp luật, chế độ chính sách, về khoa học công nghệ và cả về tổ chức hoạt động quần chúng về BHLĐ. Ông đã làm chủ nhiệm 2 Chương trình Nhà nước về KHKT BHLĐ do Chính phủ giao cho TLĐLĐVN, mà trực tiếp là Viện BHLĐ chủ trì thực hiện, đó là Chương trình 58.01 với 19 đề tài cấp Nhà nước (1981 - 1985) và Chương trình 58.A với 16 đề tài cấp Nhà nước (1986 - 1990). Cả 2 chương trình đều được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Từ năm 1991 trở đi, Viện BHLĐ tiếp tục được giao chủ trì thực hiện một số đề tài KHCN về BHLĐ nằm trong các chương trình khoa học công nghệ tổng hợp của Nhà nước do Ông làm chủ nhiệm. Đó là các đề tài KX.07.15 (1991 - 1995), KHCN.11.07 (1996 - 2000) và đề tài độc lập KHCN- ĐL - 02 (2000 - 2004). Được TLĐ giao, Ông cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí BHLĐ của TLĐ (1992 - 2002), Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành đào tạo Kỹ sư BHLĐ của TLĐ tại Trường ĐH Công đoàn (1992 - 2005). Ông đã phát huy vai trò đại diện TLĐLĐVN tham gia 3 nhiệm kỳ trong Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam khóa 2,3 và 4 (1988 - 2003); tham gia làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC trong hơn 10 năm (1992 - 2003).

 Sau khi nghỉ hưu, Ông vẫn còn nhiều duyên nợ với BHLĐ, lại có nhiều thời gian nên Ông đã dồn tâm sức cho hoạt động của Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam (VOSHA) mà ông đã được bầu làm Chủ tịch tại Đại hội thành lập Hội tháng 3/2003. Ông đã cùng các đồng nghiệp tiếp tục thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học về ATVSLĐ, tổ chức nhiều hội thảo khoa học, nhiều lớp tập huấn về ATVSLĐ. Đặc biệt, một tập thể các nhà khoa học của Hội do ông chủ biên đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Bảo hội lao động” dày hơn 700 trang (NXB Lao động, 2012), trở thành sách gối đầu giường cho cán bộ nghiên cứu, cán bộ chuyên trách BHLĐ. Được sự đồng ý của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và sự giúp đỡ của Cơ quan ATVSLĐ Hàn Quốc (KOSHA), VOSHA đã tập hợp hơn 30 nhà khoa học, do ông làm Chủ tịch Hội đồng biên tập, biên soạn phần tiếng Việt và tiếng Hàn bổ sung vào cuốn Tự điển thuật ngữ về ATVSLĐ gồm 5 thứ tiếng do ILO xuất bản năm 1993 để cho ra mắt ở nước ta cuốn Tự điển “Thuật ngữ về ATVSLĐ gồm 7 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Hàn và Việt. Ông cũng đã tham gia với nhiều nhà khoa học thảo luận, đề xuất kiến nghị lên Chính Phủ có chính sách dừng sử dụng amiang trắng, một vật liệu gây ung thư, đang được sử dụng để sản xuất tấm lợp Fibro ximăng ở nước ta, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ILO và đông đảo các quốc gia trên thế giới, để bảo vệ người lao động và cộng đồng dân cư của nước ta.

 Sau 13 năm làm 2 Khóa Chủ tịch VOSHA, tại Đại hội lần thứ 3 của Hội (3/ 2016), PGS.TS Nguyễn An Lương xin thôi làm Chủ tịch và được Đại hội suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội. Bước qua tuổi 80, ông vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động về ATVSLĐ như dự các Hội thảo, tham gia các Hội đồng Khoa học, viết các nhận xét, góp ý với tất cả nhiệt tình, tâm huyết của mình. Ông còn tham gia sinh hoạt trong “Tổ những người yêu thơ” thuộc Chi hội Người cao tuổi ở cụm dân cư, gặp nhau đàm đạo, bình và ngâm vịnh những bài thơ mới sáng tác. Ông tâm sự: “Thấm thoắt nay đã tuổi tám mươi/ Đón mừng Xuân mới sống vui tươi/ Gia đình con cháu vui sum họp/ Bè bạn lân bàng ghé lại chơi/ Vẫn có thời gian ngồi vi tính/ Vẫn rèn trí tuệ, nghĩ và chơi/ Tuổi già chẳng bợn vòng danh lợi/ Tâm sáng, lòng trong sống thảnh thơi”.