28/03/2024 lúc 18:45 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Đinh Duy Kháng: Sẻ chia những hoài bão, khát vọng

Bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học và sáng tạo, ông đã có những đóng góp đáng tự hào với nền khoa học nước nhà, đặc biệt là  chuyên ngành công nghệ sinh học. Ông là PGS.TS Đinh Duy Kháng - nguyên Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Gen, nguyên Trưởng phòng Vi sinh vật phân tử, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học và sáng tạo, ông đã có những đóng góp đáng tự hào với nền khoa học nước nhà, đặc biệt là  chuyên ngành công nghệ sinh học. Ông là PGS.TS Đinh Duy Kháng - nguyên Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Gen, nguyên Trưởng phòng Vi sinh vật phân tử, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

 

PGS.TS Đinh Duy Kháng 

 PGS.TS Đinh Duy Kháng sinh năm 1952 tại quê hương cố đô Ninh Bình. Tốt nghiệp PTTH, ông được Nhà nước cử đi thi và học tập ở nước ngoài. Năm 1970, ông lên đường tới Tiệp Khắc học ĐH mang theo bao hoài bão, khát vọng chinh phục tri thức để góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đến năm 1976, ông tốt nghiệp bằng Đỏ và được ĐSQ tạo điều kiện cho đi thực tập nghiên cứu sau tốt nghiệp tại 2 Viện Nghiên cứu nổi tiếng của Tiệp Khắc lúc bấy giờ là Viện Vi sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Kháng sinh và Chuyển hóa sinh học.

 Cuối năm 1976, PGS.TS Đinh Duy Kháng trở về và nhận công tác tại Viện Sinh vật học, Viện Khoa học Việt Nam. Từ năm 1977 đến năm 1983, trải qua 6 năm gắn bó với Viện, ông đã điều tra, nghiên cứu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên vi sinh vật nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội…Tưởng như sẽ mãi đồng hành và gắn bó với nơi đây, nhưng một cơ duyên tình cờ đã đưa ông đến với Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ thuộc Bộ Y tế. Chặng đường 9 năm làm việc tại đây, PGS.TS Đinh Duy Kháng có cơ hội đi và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đặc biệt là CHDC Đức với vai trò là một thực tập sinh khoa học. Tại Đức, ông được theo học về Công nghệ tế bào, vắc xin và miễn dịch. Năm 1996, ông đã bảo vệ thành công Luận án TS về Virus học. Từ năm 1997 đến năm 1998, PGS.TS Đinh Duy Kháng đến với Viện Lương thực Quốc gia Nhật Bản thực tập sau TS về chuyên ngành Sinh học phân tử. Về nước, ông đảm nhiệm những cương vị quan trọng như: Phó Phòng Viện Công nghệ Sinh học (CNSH), Trưởng Phòng Viện CNSH, Phó Giám đốc PTN TĐCN Gen - Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam…

 Thời điểm năm 1992, Việt Nam có rất nhiều  người bị loạn khuẩn đường ruột do kháng sinh, PGS.TS Đinh Duy Kháng đã nghiên cứu sản xuất thành công men tiêu hóa Biolactomen. Biolactomen chứa 2 chủng vi sinh trợ sinh là L.acidophilus và L.casei có khả năng ức chế vi khuẩn có hại như E.coli, salmonella… Nhiều công trình nghiên cứu còn chứng minh khả năng hỗ trợ điều trị loại bỏ vi khuẩn HP. Men vi sinh giúp bổ sung vi khuẩn có lợi, ức chế vi khuẩn có hại, lập lại cân bằng vi sinh đường ruột của ông đã được 3 cơ sở y tế uy tín là BV Nhi TƯ, BV TƯQĐ 108 và Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ kiểm nghiệm an toàn. Đến nay sau gần 30 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, loại men vi sinh của ông vẫn đang được sản xuất và bán ra hàng triệu lọ mỗi năm.

 Trong sự nghiệp NCKH, PGS.TS Đinh Duy Kháng tập trung theo đuổi về các lĩnh vực quan trọng là vi sinh và sinh học phân tử. Ông đã tích cực ứng dụng các kỹ thuật của vi sinh, miễn dịch và sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh ở người và vật nuôi. Đồng thời, ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh cho các đối tượng thủy sản chính lại là cái duyên đưa các hoạt động NCKH của ông sang lĩnh vực thủy sản. Năm 2011, khi được mời làm chủ nhiệm nhiệm vụ “Lập bản đồ gen tôm sú” trong quá trình Bộ KHCN khởi động nhiệm vụ Quỹ Gen Quốc Gia, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những nghiên cứu của ông đã góp phần giúp người nuôi chủ động hơn trong việc tạo giống tôm sạch bệnh, năng suất cao tạo điều kiện tốt cho người nuôi tôm.

 Trong lĩnh vực y học, những năm 2005 - 2006, PGS.TS Đinh Duy Kháng cùng các đồng nghiệp tại Viện CNSH kết hợp với các chuyên gia bên ngành Y cùng thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học, phương pháp, chẩn đoán sớm, phác đồ điều trị hiệu quả và dự phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus H5N1, virus cúm A và virus hợp bào hô hấp ở Việt Nam”. Trước đó, thời điểm cuối 2003, đầu 2004, khi đại dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, PGS. Kháng đã cùng cộng sự ở Viện CNSH ngay lập tức đã tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử giải quyết vấn đề về H5N1. Khi đó, GS.TS Lê Trần Bình (Viện trưởng Viện CNSH) đã đề xuất đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vaccine cúm A/ H5N1 cho gia cầm” và đề nghị ông kết hợp với TS. Trần Xuân Hạnh, Phó TGĐ NAVETCO cùng nghiên cứu sản xuất. Đề tài đã được nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng  mang lại hiệu quả thiết thực. Và từ năm 2012 đến nay đã có hàng triệu liều vắcxin cung cấp ra thị trường, góp phần giúp Việt Nam tự túc được nguồn vắcxin cúm gia cầm mà không phụ thuộc vào nước ngoài. Năm 2019, ghi nhận kết quả nghiên cứu trên, PGS.TS Đinh Duy Kháng đã được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cùng GS.TS Lê Trần Bình và TS. Trần Xuân Hạnh. Ngoài vắcxin cúm A/H5N1 dùng cho gia cầm, ông còn cùng tập thể nghiên cứu của Viện Vắc xin Nha Trang nghiên cứu sản xuất thành công vắcxin cúm A/H5N1 dùng cho người. Trên cơ sở của kết quả nghiên cứu này, Tổ chức Y tế Thế giới đã tài trợ cho Viện Vắcxin Nha Trang một nhà máy sản xuất vắcxin cúm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đặt tại Suối Dầu. Đây là nhà máy sản xuất vắcxin cúm đầu tiên đạt tiêu chuẩn GMP-WHO tại Việt Nam.

 Hơn 43 năm say mê NCKH, PGS.TS Đinh Duy Kháng đã có hơn 160 công trình nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao. Đặc biệt, ông đã cùng nhóm nghiên cứu đứng đầu là PGS.TS. Đồng Văn Quyền, Phó Viện trưởng Viện CNSH (Viện Hàn lâm KH&CN VN) đã tập trung nghiên cứu giải mã một phần bộ gen của SARS - Cov -2 và chế tạo thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán COVID - 19 (KIT phát hiện SARS-CoV-2 bằng Real-time PCR) đạt tiêu chuẩn WHO. Kết quả nghiên cứu khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất bộ KIT realtime RT - PCR dùng để chẩn đoán SARS - CoV - 2, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập ngoại KIT chẩn đoán hiện đang trong tình trạng khan hiếm. Hiện nay, ông vẫn đang miệt mài làm việc cùng nhóm nghiên cứu của tập đoàn DABACO và Công ty CP Dược và vật tư thú y (Hanvet) để nghiên cứu sản xuất vắcxin dịch tả lợn Châu Phi.

 Từ những đóng góp, dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp đã qua, PGS.TS Đinh Duy Kháng đã vinh dự được UNESCO Việt Nam tặng danh hiệu “Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến”, Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng “Bằng Lao động sáng tạo” hai lần được Viện Hàn Lâm KH & CN Việt Nam trao tặng Bằng khen và đạt Danh hiệu Chiến sỹ Thi đua của Viện Công nghệ Sinh học nhiều năm liền, từ năm 2007 - 2015.