29/03/2024 lúc 22:16 (GMT+7)
Breaking News

Non nước Cao Bằng 520 năm lịch sử

VNHN - Tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương tổ chức các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trải qua 520 năm xây dựng và phát triển, quảng bá hình ảnh non nước, con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

VNHN - Tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương tổ chức các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trải qua 520 năm xây dựng và phát triển, quảng bá hình ảnh non nước, con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây cũng là hoạt động thiết thực để kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) gắn với chương trình “Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Chung tay xây dựng Cao Bằng”.

Cao Bằng có bề dầy lịch sử hình thành và phát triển với các tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội: Trấn Cao Bằng tách ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên Cao Bằng dưới triều Lê Hiến Tông (1498 - 1504), năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) - là tỉnh miền núi biên giới lịch sử lâu đời, giữ vị trí trọng yếu nơi Biên cương của Tổ quốc. Ngay từ ngày đầu dựng nước, Cao Bằng đã là bức “phên dậu” vững chắc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cộng đồng các dân tộc Cao Bằng đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đứng lên chống xâm lược, từ thời kỳ Thục Phán An Dương Vương thế kỷ II trước Công nguyên đến đấu tranh chống ách đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc và sau đó là chủ nghĩa thực dân, phát xít, đế quốc bảo vệ quê hương, đất nước.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, ngày 28/1/1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã đặt chân đến mảnh đất Trùng Khánh- Cao Bằng, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch cách mạng Việt Nam, trải qua ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần cách mạng cùng với nhân dân cả nước đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ yên bờ cõi. Có thể nói, Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, gắn liền với những hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà hoạt động cách mạng khác.

Thác Bản Giốc (Trùng Khánh - Cao Bằng)

Cao Bằng là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế cửa khẩu như: Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu quốc gia Hùng Quốc, Sóc Giang và nhiều lối mở, cặp chợ biên giới, thuận lợi cho việc giao lưu thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, là tỉnh có 214 di tích lịch sử văn hoá với 92 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 03 Di tích Quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An. Có 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh di sản địa chất, địa mạo cổ sinh với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó nổi bật là các danh thắng nổi tiếng: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình), Hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), Hang Ngườm Pục (Thạch An)... tạo nên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; nhiều sản vật đặc hữu (lê, thạch đen, hạt dẻ, gạo nếp Pì pất, quýt, chè Giảo cổ lam,...),…

Để gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, giới thiệu tiềm năng du lịch “Non nước Cao Bằng” đến với đông đảo nhân dân cả nước và du khách quốc tế, trong những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đang gấp rút chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ôn lại truyền thống lịch sử 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đón nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước; chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa…

Động Ngườm Ngao, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

Bên cạnh các hoạt động chính, tỉnh Cao Bằng cũng tổ chức Tuần VHTTDL với các hoạt động: Triển lãm ảnh chủ đề “Thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh Cao Bằng; Du lịch - Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”; Trưng bày gian hàng giới thiệu đặc sản, ẩm thực, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch; Tổ chức các hoạt động thể thao; Lễ cắt băng, khai trương tuyến phố đi bộ trên địa bàn Thành phố; Lễ cắt băng khánh thành, khởi công, gắn biển một số công trình chào mừng kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác; Cuộc thi “Người đẹp du lịch Non nước Cao Bằng” năm 2019; Liên hoan Hát then, đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ II năm 2019…

Đặc biệt, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc lần thứ III năm 2019 diễn ra tại huyện Trùng Khánh ngày 5-6/10, gồm các hoạt động: Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc; Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa; Trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trùng Khánh; Triển lãm ảnh “Khám phá miền non nước Trùng Khánh” và “Cao Bằng - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian (lày cỏ, kéo co, tùng còn, nhảy bao, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, bóc hạt dẻ…), chèo xuồng Kayak; Liên hoan dân ca của các phân chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc của huyện, xã, thị trấn huyện Trùng Khánh…

Nói về ý nghĩa của sự kiện kỷ niệm 520 năm thành lập Cao Bằng, 50 năm thực hiện di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh và chương trình nghệ thuật Ngàn năm non nước cao Bằng, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: “Lễ kỷ niệm là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của tỉnh, là dịp để quảng bá hình ảnh non nước, con người Cao Bằng đến nhân dân trong và ngoài nước, do đó, các sự kiện cần được tổ chức trang trọng, tiết kiệm và có sức lan tỏa”.