20/04/2024 lúc 20:13 (GMT+7)
Breaking News

“Nỗi buồn hoa phượng” và lời cảm ơn với người thầy không chịu “gù lưng”

VNHN - Cây phượng là biểu tượng của học trò ngây thơ. Nhưng trong những ngày này hình ảnh cây phượng vĩ lại trở thành nỗi buồn man mác cho thầy cô và học trò cả nước, đặc biệt là của trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) khi chính “người bạn” của bao thế hệ học trò lại khiến cho 18 học sinh thương vong. Cũng chính “sự cố trên trời rơi xuống” này đã mang lại cho ngành giáo dục nước nhà những bài học đáng giá về quản lý, giáo dục.

VNHN - Cây phượng là biểu tượng của học trò ngây thơ. Nhưng trong những ngày này hình ảnh cây phượng vĩ lại trở thành nỗi buồn man mác cho thầy cô và học trò cả nước, đặc biệt là của trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) khi chính “người bạn” của bao thế hệ học trò lại khiến cho 18 học sinh thương vong. Cũng chính “sự cố trên trời rơi xuống” này đã mang lại cho ngành giáo dục nước nhà những bài học đáng giá về quản lý, giáo dục.

“… Đếm bao xác phượng là bao nỗi buồn
Tiếng ve sầu như mắt ai lệ tuôn
Lời xưa đã hứa vẫn nhớ nhau luôn
Mỗi mùa hè sẽ có phượng”.

(Ảnh minh họa).

Điều đáng nói là người quản lý của Trường THCS Bạch Đằng, thầy Nguyễn Vạn Phúc – Hiệu trưởng nhà trường khẳng khái nói:“Cây đổ trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi!” đã khiến cả xã hội phải kính nể về người lãnh đạo có trách nhiệm.

Sự việc đau lòng trên xảy ra vào sáng 26/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) bật gốc đè trúng 18 học sinh, 1 học sinh không may thiệt mạng. Nạn nhân tử vong là học sinh N.T.K., được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện. Sự cố này đã gây đau đớn, ám ảnh trong dư luận, nhiều phụ huynh trở nên bàng hoàng mỗi khi đưa con đến trường. Chia sẻ với báo chí về những sự việc xảy ra, thầy Nguyễn Vạn Phúc cho hay, mọi thứ diễn ra quá nhanh, thầy chẳng kịp nghĩ gì, chỉ lo giải quyết từng vấn đề đổ ập đến: Cấp cứu cho học sinh, lo đám tang cho bé K.., giải thích với phụ huynh, giải trình, họp báo, đốn cây, trấn an học sinh và giáo viên...

Thầy Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng trong buổi họp báo

Khi vụ việc này xảy ra, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chẳng cần phân trần, đùn đẩy trách nhiệm cho ai, thầy Nguyễn Vạn Phúc đã nhận lỗi về mình, khiến nhiều người phải khâm phục và kính nể, đồng thời còn giúp xã hội lại một lần tin tưởng vào hai chữ “đạo đức nghề giáo”.

Thầy Phúc nói:“Tài sản trong khuôn viên nhà trường thì trường đó phải chịu trách nhiệm, vì vậy cây xanh ngã chính tôi là người đứng đầu Nhà trường thì sẽ là người chịu trách nhiệm chính của vụ việc”.Trước sự việc đau lòng này Nhà trường cũng đã đề nghị các đơn vị chuyên trách về cây xanh cho đốn luôn cây phượng vĩ còn lại trong trường!

Chỉ mới nhận nhiệm vụ tại trường 3 năm nay nên không nắm rõ hết vụ việc, nhưng với tai ương “trên trời rơi xuống”, thầy Phúc vẫn thấy mình là người có lỗi lớn nhất. Là một người thầy gắn bó với nghề giáo, với thầy Phúc hình ảnh cây phượng chắc chắn lúc nào cũng đẹp, là biểu tượng, là kỷ nhiệm đối với giáo viên và học sinh nhưng bây giờ lại là nỗi đau lớn không gì bù đắp được.

Cũng chính biến cố xảy ra với người thầy đáng kính như thầy Phúc đã dấy lên những cái nhìn tích cực, đẩy lùi những tiêu cực mà những vụ việc bê bối trong ngành đã gây ra trước đó. Những vụ bế bối của ngành giáo mới đây nhất phải kể đến là vụ việc nhận tiền để nâng điểm thi cho thí sinh tại Hòa Bình với hai câu nói khiến mọi người phải giật mình chính là “Cứ nhận một mình, công việc bên ngoài, đời sống vợ con, che chắn, các anh bên ngoài sẽ lo”, “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ khuyết tật”. Hay vụ việc tại tỉnh Hà Giang, bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, cho rằng: “Việc nhờ vả rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”. Thiết nghĩ liệu những lời lẽ bạo biện, không chút liêm sỉ của những người làm trong ngành giáo dục như vậy có làm gương cho thế hệ sau sống tử tế?

Và thầy Phúc lại khác, người thầy ấy không chấp nhận “gù lưng” mà chịu đứng thẳng để nhận kỷ luật về mình. Thầy không những không bị chê trách mà còn được cả xã hội nghiêng mình kính nể và tin tưởng về giá trị đạo đức mà thầy đã và đang ươm mầm tri thức cho bao lớp trẻ. Đã là ngành giáo thì không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người. Nếu như giáo viên tiếp tay cho cái xấu, thỏa hiệp trước cái xấu, sẵn sàng “gù lưng” thì người học sẽ mất dần niềm tin vào người thầy của mình. Thầy Phúc đang sống xứng đáng với những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Chính trong hoàn cảnh “bất đắc dĩ” như vậy mới giúp xã hội nhận ra không thể để “một con sâu làm rầu nồi canh”. Thầy Phúc đã xây dựng lại hình ảnh người thầy mẫu mực đầy chính trực và trách nhiệm. Thầy sẽ còn là tấm gương tốt, người thật việc thật về tinh thần trách nhiệm - Một bài học liêm sỉ về sự tự trọng mà các phụ huynh sẽ gửi gắm đến con em của mình về sau. Xin cảm ơn thầy!