25/04/2024 lúc 22:37 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT sau đại dịch

VNHN – Hiện nay, Chính phủ đã công bố hết thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lao động trong nước quay trở lại, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương cần có những giải pháp nhằm nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để bù lại số lao động đã giảm...

VNHN Hiện nay, Chính phủ đã công bố hết thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lao động trong nước quay trở lại, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương cần có những giải pháp nhằm nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để bù lại số lao động đã giảm...

Đối tượng tham gia sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Được biết, tính đến 30/4/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,419 triệu người, giảm 421.000 người so với tháng 3/2020 và giảm 780.000 người so với năm 2019. Số người tham gia BHXH bắt buộc của BHXH các tỉnh đều giảm mạnh so với thời điểm tháng 12/2019. Đặc biệt, một số địa phương đối tượng tham gia BHXH bắt buộc giảm nhiều như: TP. Hồ Chí Minh (giảm 210.982 người), Bình Dương (giảm 101.628 người), Hà Nội (giảm 65.038 người), Đà Nẵng (giảm 38.247 người), Đồng Nai (giảm 46.924 người)...

Đáng chú ý, một số BHXH tỉnh mặc dù số người tham gia BHXH trong tháng 4/2020 vẫn giảm so với năm 2019 nhưng đã tăng đáng kể như Bắc Giang (tăng 4.156 người), Tây Ninh (tăng 1.753 người), Phú Thọ (tăng 1.640 người)…

Tuy nhiên, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam cho biết: “Đến hết tháng 4/2020, có 28 BHXH tỉnh vẫn giữ được đối tượng tham gia BHYT tăng đều so với năm 2019 là An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc”.

Nhận định về nguyên nhân đối tượng tham gia BHXH, BHYT giảm, ông Dương Văn Hào cho rằng: Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các DN không nhập được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, NLĐ lo ngại không đến ứng tuyển tại các DN có nhiều chuyên gia người nước ngoài đến từ các quốc gia Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc gây khó khăn trong tuyển dụng lao động. Đặc biệt, trong tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng tránh dịch bệnh; dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công tác tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện chưa triển khai đúng tiến độ; đối tượng tham gia BHYT giảm một phần là do giảm đối tượng nghèo, cận nghèo, thoát nghèo.

Theo BHXH tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh đã giảm 32.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc (tạm dừng đóng BHXH là 18.500 lao động, nghỉ không lương 13.300 lao động và giảm do nghỉ hưu là 200 lao động). Đến hết ngày 7/5/2020, đã có 58 đơn vị với 12.253 lao động nộp hồ sơ dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và trong sáng 8/5 có thêm 3 DN xin tạm dừng đóng do Sở LĐ-TB&XH chuyển sang cơ quan BHXH. Nếu tính theo tiến độ phát triển BHXH thì chỉ trong 4 tháng đầu năm, số lao động tham gia BHXH bắt buộc đã giảm bằng số lao động mở rộng trong 5 năm qua của Khánh Hòa. Do vậy, cơ quan BHXH đã báo cáo UBND tỉnh, đồng thời tỉnh có nhiều biện pháp khắc phục ngay khi DN quay trở lại hoạt động sẽ phát triển số lao động tham gia BHXH bắt buộc đã bị sụt giảm. Cùng với đó, cơ quan BHXH cũng khai thác, vận động số DN còn lại chưa tham gia BHXH cho NLĐ qua dữ liệu cơ quan thuế chuyển sang đến cuối năm trong năm 2019. Đồng thời, tích cực vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện (phối hợp từng tổ dân phố tuyên truyền, người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trực tuyến với cơ quan BHXH…); thanh tra đột xuất, chuyên đề với các đơn vị nợ, đơn vị tham gia BHXH chưa đủ số lao động…

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù có nhiều giải pháp kết hợp, song do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên những tháng đầu năm 2020 công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, thu BHXH, thu nợ tại TP. Hồ Chí Minh đều không đạt yêu cầu. Cụ thể, số lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm sâu nhất với 210.000 người trong 4 tháng (nhóm DN NQD giảm 105.000 lao động, DN FDI giảm 79.000 lao động và DN trong nước giảm 14.000 lao động). Trong số 210.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm thì có 86.000 lao động nghỉ không lương, 17.000 lao động giải quyết chế độ hưu trí và 106.000 lao động bảo lưu. “Số người tham gia BHYT cũng giảm 210.000 nên dù cơ quan BHXH đã vận động trên 100.000 người tham gia BHYT hộ gia đình trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng không bù được số tham gia BHYT bắt buộc giảm”- ông Mến khẳng định.

Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển đối tượng trong thời gian tới

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Trần Đình Liệu khẳng định, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, đặc biệt khối DN bước vào khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ngành BHXH cần bám sát tình hình dịch bệnh, hoạt động của DN để giải quyết thu nộp BHXH cũng như giải quyết chính sách BHXH cho các đối tượng. BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH triển khai Quyết định 15, trong đó có việc giải quyết chính sách trên trục cổng thông tin điện tử quốc gia đảm bảo đúng tiến độ, thời gian…

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu: “Giám đốc BHXH các tỉnh chủ động làm việc với UBND tỉnh để được tham dự hội nghị Chính phủ với các DN diễn ra vào ngày mai; từ đó xây dựng phương án phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng như nguồn thu phù hợp với địa phương mình. “Các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản báo cáo ban lãnh đạo Ngành từng tháng kể từ khi Việt Nam công bố hết dịch thì thế giới thế nào- điều này ảnh hưởng đến nguồn thu và cũng như chi BHXH. BHXH các địa phương tạo điều kiện khi DN khôi phục sản xuất, lao động quay trở lại thị trường tiếp tục tham gia BHXH cũng như phải tập trung giải quyết các vướng mắc theo Quyết định 15 của Thủ tướng chậm nhất đến ngày 15/5; phối hợp cùng Bưu điện triển khai chiến dịch phát động người dân tham gia BHXH trong tháng 5…”

Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, cơ quan Bưu điện đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp đến các cơ quan, DN và người dân. Duy trì, kịp thời gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT đến đơn vị SDLĐ, đơn vị quản lý đối tượng; danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho đại lý thu BHXH, BHYT để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia. Đồng thời, các địa phương tăng cường tổ chức hội nghị khách hàng tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với giãn cách xã hội.

Tiếp tục triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp nhằm khai thác, phát triển đối tượng; nghiệm thu kết quả thực hiện khai thác phát triển người tham gia BHXH bắt buộc theo Công văn số 3045/BHXH-BT. Chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT chuyển hết số tiền phải đóng BHYT, BHXH tự nguyện quý I/2020 và số tiền phải đóng quý II/2020; thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng (đột xuất) đối với đơn vị nợ kéo dài, đơn vị trốn đóng (trừ các đơn vị tạm dừng đóng) theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Kịp thời giải quyết việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; đôn đốc DN đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ...