20/04/2024 lúc 11:42 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình: Ứng dụng trong việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời

VNHN - Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống năng lượng mặt trời đang dần phổ biến trong vài năm trở lại đây, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

VNHN - Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống năng lượng mặt trời đang dần phổ biến trong vài năm trở lại đây, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hệ thống điện mặt trời áp mái đang được triển khai rộng tại Ninh Bình

Hệ thống năng lượng mặt trời là hệ thống chuyển năng lượng mặt trời (bức xạ ánh sáng và nhiệt) sang dạng năng lượng cần sử dụng. Theo các nhà khoa học, Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2. Để tiến hành khai thác thành công năng lượng mặt trời thành điện mặt trời, các kỹ thuật tiến hành ghép nối nhiều thiết bị lại với nhau tạo thành một hệ thống. Trong hệ thống điện mặt trời, mỗi thiết bị sẽ có một nhiệm vụ riêng được kết nối mật thiết với nhau, bao gồm các thành phần chính:

Thứ nhất là tấm pin năng lượng mặt trời: Là thiết bị quan trọng nhất được ghép nhiều tấm pin mặt trời lại với nhau gắn trên mái nhà để thu nhiệt độ, ánh sáng từ mặt trời chuyển thành điện năng.

Thứ hai là bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời: Đây là thiết bị có nhiệm vụ điều khiển quá trình sạc điện từ pin mặt trời sang hệ thống ắc quy lưu trữ. Thiết bị này bảo vệ cho ắc quy không nạp quá tải hay xả điện quá sâu, đặc biệt giúp hệ thống luôn hoạt động đúng chiều của nó, không để điện từ bình ắc quy trào ngược trở lại tấm pin mặt trời, giúp bảo vệ tuổi thọ của ắc quy cũng như của hệ thống điện mặt trời.

Thứ ba là bộ kích điện mặt trời inverter: Có nhiệm vụ chuyển đổi dòng điện một chiều từ bình ắc quy từ 12V, 24V hay 48V lên dòng điện xoay chiều 220V. Dòng điện 220V này sẽ phù hợp với tất cả các thiết bị điện năng đang sử dụng cũng như cùng thông số với điện lưới. Tùy theo công suất hệ thống điện mặt trời mà chúng ta lựa chọn các loại inverter có công suất khác nhau từ 300VA – 10kVA.

Thứ tư là đồng hồ điện 2 chiều: Dùng để đo nguồn điện dư thừa nếu sử dụng không hết.

Với việc không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong kinh doanh, hiện Chi nhánh Vietltel Ninh Bình là một trong những đơn vị đi đầu triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo đó, nhờ vào việc tận dụng diện tích mái nhà, năng lượng từ mặt trời chiếu xuống các tấm pin năng lượng mặt trời như thế này đã tạo ra năng lượng điện năng để sử dụng hiệu quả tại các trụ sở công tác.

Qua tìm hiểu và nhận thấy lợi ích kinh tế đem lại từ hệ thống năng lượng mặt trời, gia đình anh Vũ Anh Khoa, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình quyết định lắp đặt hệ thống này. Với chi phí bỏ ra ban đầu gần 80 triệu đồng cho công suất 5 kWp (Kilowatt peak), sẽ tạo ra được 750 Kwh số điện/tháng. Sau khoảng 2 tháng, nhiều gánh nặng chi tiêu trong gia đình anh Khoa đã được giảm bớt. Trước khi lắp hệ thống điện mặt trời, gia đình phải chi trả số tiền điện là hơn 2 triệu đồng, hiện tại chỉ phải trả khoảng 600-700 nghìn đồng/tháng đối với điện sinh hoạt trong gia đình.

Tiếp đến là hệ thống năng lượng mặt trời của gia đình anh Phạm Quốc An, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan. Theo tính toán của anh An, lợi ích đem lại của hệ thống năng lượng mặt trời ở ngôi nhà là chủ động được nguồn điện, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Còn chất lượng điện từ nguồn điện mặt trời ngang bằng với chất lượng điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, phần mái nhà được cách nhiệt bằng việc phủ lên hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời như thế này đã giúp giảm nóng cho ngôi nhà của anh An. Nếu như trước kia hàng tháng gia đình anh An phải nộp tiền điện lên đến gần 2 triệu đồng/ tháng thì nay mỗi tháng gia đình anh hầu như không phải chi trả tiền điện, có tháng cao điểm như mùa hè nắng nóng nhiều, cường độ bức xạ cao sẽ dư thừa nguồn điện mặt trời, do đó thiết bị thông minh hệ thống năng lượng mặt trời của gia đình anh sẽ tự động hòa vào từ nguồn điện lưới quốc gia và Điện lực sẽ mua với giá gần hơn 1.943 đồng/kwh.

Theo các chuyên gia năng lượng mặt trời, mức lắp điện mặt trời thấp nhất đủ dùng trong gia đình nhỏ với một số tiện nghi nhất định cần công suất 2,5 kWp, nếu trời nắng đủ 5 tiếng mỗi ngày, sẽ được 12 kWh, chi phí đầu tư ban đầu là gần 50 triệu đồng thì hộ gia đình mất khoảng 6 năm sẽ bù lại số tiền đầu tư ban đầu tính theo số điện dư bán cho nhà nước. Nhưng suốt 6 năm đó, dùng điện miễn phí. Qua tìm hiểu một số đơn vị lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số: 08/2020/QĐ-TTg, về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó có chính sách khuyến khích nhân dân lắp đặt sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời sẽ được bán điện trực tiếp cho EVN với mức giá cố định là 1.943 đồng/1kw điện. Do đó, từ đầu năm đến nay có rất nhiều hộ dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đăng ký lắp điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Có thể thấy, với ưu điểm của năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, có sẵn trong thiên nhiên, sử dụng ở tất cả mọi nơi, chỉ cần có ánh nắng mặt trời, không gây ô nhiễm môi trường và giúp giảm thiểu chi phí và làm chủ về năng lượng. Xu hướng trong thời gian tới, việc áp dụng năng lượng mặt trời của các hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp tăng cao, sẽ góp sức vì một xã hội sử dụng năng lượng sạch, giảm bớt gánh nặng cho các nhà máy điện khi mà các nguồn tài nguyên như than đá, thủy điện đang dần cạn kiệt. Có thể thấy việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ góp giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành Điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Vũ Thủy – PC Ninh Bình