20/04/2024 lúc 05:26 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình: Những dấu hỏi băn khoăn từ dự án hơn 100 tỷ đồng

VNHN – Dự án kè đê sông Vạc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh bình) được triển khai thi công với nhân sự, máy móc ít ỏi nhưng được coi là dự án cấp bách, được phê duyệt, chỉ định thầu với giá trị hơn 100 tỷ đồng.

VNHN – Dự án kè đê sông Vạc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh bình) được triển khai thi công với nhân sự, máy móc ít ỏi nhưng được coi là Dự án cấp bách, được phê duyệt, chỉ định thầu với giá trị hơn 100 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có nắm được tình hình thực tế?

 

 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc BQL Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNN tỉnh Ninh Bình cho biết: Dự án kè đê sông Vạc là dự án đảm bảo an toàn chống bão lũ ngăn chiều một cách chắc chắn lâu dài, chủ động, bảo vệ góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống dân sinh của nhân dân trong vùng. Cũng theo ông Vinh thì Dự án kè đê sông Vạc là dự án đột xuất cấp bách nên được phép chỉ định thầu (?).

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi đến những tài liệu, hồ sơ thể hiện của Dự án thuộc loại ưu tiên chỉ định thầu thì phía Ban quản lý lại cho rằng đây là “tài liệu mật” không thể cung cấp cho báo chí khi chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh Ninh Bình (?).

Việc công khai kết quả chỉ định thầu được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP, nhưng khi được hỏi về Văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ông Vinh khẳng định “Luật quy định bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật khác.., với chúng tôi thì đây là bí mật khác, chúng tôi có quyền giữ bí mật” !

Được cho là dự án cấp bách và thuộc loại dự án được chỉ định thầu không qua đấu thầu, nhưng khi được hỏi về số lượng lao động mỗi ngày và cán bộ giám sát, ông Vinh cho rằng còn tùy vào thủy triều, “nước lên không làm được…” và “báo chí các anh không cần quan tâm việc đó”(?).

Để mục sở thị dự án cấp bách và được ưu tiên chỉ định thầu như ông Phó Giám đốc nói, phóng viên đã ghi nhận hình ảnh thực tế hiện trường thi công. Trong thời tiết nắng ấm, tạnh ráo chỉ có một máy xúc đang thực hiện san gạt, không chỉ huy, không giám sát, không bảo hộ lao động, không biển hiệu, chỉ vài công nhân thi công làm kè các hạng mục (?). Và trong chúng tôi đặt lên câu hỏi: Liệu đơn vị được chỉ định thầu này có đủ năng lực, thiết bị và nhân công để thi công một công trình đặc biệt như thế này không?

Chiếc máy múc duy nhất đang thực hiện nhiệm vụ

Số lượng công nhân ít ỏi làm việc tại công trường

Dự án có giá trị hơn 100 tỷ đồng, Ban quản lý dự án tỉnh Ninh Bình cho rằng cấp thiết để chỉ định nhà thầu, nhiều người dân cũng không khỏi thắc mắc: Nếu thực sự là cấp thiết thì với số lượng công nhân và máy móc đang thi công như vậy liệu có đảm bảo tiến độ? Không biết vì lý do gì khi hồ sơ dự án có thể công khai để người dân cùng giám sát thì BQL dự án tỉnh Ninh Bình lại cho rằng “tài liệu mật” không thể công khai? Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét tính cấp bách của dự án trên để trả lời dư luận trong đó có cán bộ Đảng viên và nhân dân nơi đây.

Với những thông tin thu thập thực tế trên, áp dụng theo Điều 22 của Luật đấu thầu thì Dự án này có thực sự được coi là một gói chỉ định thầu?

Việt Nam Hội nhập sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc./.

Theo Điều 54 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hạn mức chỉ định thầu:

Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:

1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;

2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên."

Hình thức chỉ định thầu vượt hạn mức trên thì dự án đó phải là đang chống lũ thật sự, nguy hiểm thật sự, hoặc đang nguy hại đến chủ quyền quốc gia (theo Điều 22, Luật đấu thầu 2013)