19/04/2024 lúc 23:07 (GMT+7)
Breaking News

Những trăn trở và kỳ vọng trong đề án thành lập "Thành phố Thủ Đức"

VNHN - Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực cho đề án xây dựng Thành phố Thủ Đức – “Thành phố trong thành phố”. Theo đó, nếu xây dựng TP mới cần thiết lập cơ quan quản lý hành chính độc lập, môi trường pháp lý, chính sách rõ ràng cũng như ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông.

VNHN - Ngày 4/9 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa thành phố Thủ Đức – Thành phố sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” do Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư Tài chính tổ chức.

Sự kiện vinh dự có sự tham gia của ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM; ông Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam,Bộ Xây dựng; ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM; Giáo sư Trần Ngọc Thơ – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; cùng nhiều đại diện các ban ngành liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia quy hoạch đô thị, chuyên gia kinh tế cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên khắp cả nước.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM phát biểu tại sự kiện.

Trao đổi tại sự kiện, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực cho đề án xây dựng Thành phố Thủ Đức – “Thành phố trong thành phố”. Theo đó, nếu xây dựng TP mới cần thiết lập cơ quan quản lý hành chính độc lập, môi trường pháp lý, chính sách rõ ràng cũng như ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - CEO Phúc Khang Corporation, cho biết: Cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược cho toàn vùng bao gồm cả TP.HCM, các đô thị vệ tinh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời chú trọng việc phát triển hợp lý hạ tầng để tránh các vấn đề ngập lụt, kẹt xe và quá tải như nội đô đang phải đối mặt. “TP sáng tạo và TP công nghệ không thể là TP suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để trở thành TP sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế”, bà Mẫu cho biết.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - CEO Phúc Khang Corporation chia sẻ thông tin tại Buổi Tọa đàm.

Bà Lưu Thanh Mẫu nhấn mạnh, việc cần hiểu rõ các đặc trưng và tiềm năng của khu vực này để khai thác triệt để thế mạnh vùng, song song với đó là việc giữ gìn bản sắc vốn có, tạo dựng sự khác biệt của riêng TP Thủ Đức trong mắt nhà đầu tư, “Không thể và không nên gọi Thủ Đức là “Singapore” hay “Phố Đông Thượng Hải” của TP.HCM, TP. Thủ Đức cần là chính nó, tạo dựng vị thế mới mẻ và riêng biệt nhưng cũng đầy sức thu hút”.


Quang cảnh Hội nghị.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Để phục vụ cho việc thành lập thành phố Thủ Đức, ngay từ tháng 4-2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này... Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tăng cường cải cách hành chánh, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp; nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính thành phố hướng Đông …