29/03/2024 lúc 14:41 (GMT+7)
Breaking News

Những người thầm lặng chống chọi 'cơn bão' Covid-19

VNHN - Chưa bao giờ ngành Y lại có một tháng 2 - tháng kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đặc biệt như năm nay khi tất cả căng mình, dồn sức chống chọi với “cơn bão” mang tên Covid-19. Họ bỏ lại phía sau những bó hoa rực rỡ, những lời chúc mừng để đối mặt với ngày tháng ăm ắp nỗi lo, nhọc nhằn và vất vả. Cuộc chiến đấu chưa biết được ngày kết thúc khi số ca mắc và tử vong trên thế giới mỗi ngày lại tăng.

VNHN - Chưa bao giờ ngành Y lại có một tháng 2 - tháng kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đặc biệt như năm nay khi tất cả căng mình, dồn sức chống chọi với “cơn bão” mang tên Covid-19. Họ bỏ lại phía sau những bó hoa rực rỡ, những lời chúc mừng để đối mặt với ngày tháng ăm ắp nỗi lo, nhọc nhằn và vất vả. Cuộc chiến đấu chưa biết được ngày kết thúc khi số ca mắc và tử vong trên thế giới mỗi ngày lại tăng.

Có biết bao lời đồn thổi về dịch bệnh, cả những lời đe dọa và không ít kỳ thị bủa vây những “chiến sĩ” y tế dự phòng đang khoác trên mình tấm áo blouse nhưng tất cả không khiến họ nản lòng. Dường như những thách thức đó còn tiếp thêm sức mạnh để họ mỗi ngày lại quyết tâm chiến đấu đến cùng bảo vệ cho đồng bào mình. Tại huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) vào một ngày bất ngờ đầy nắng giữa những ngày mưa ẩm, rét buốt.

Thoáng thấy bóng dáng quen thuộc đi lại thoăn thoắt ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), tôi định cất tiếng gọi, chợt nghe bác sĩ Doãn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên gọi giật lại: “Em đợi tí, anh Khoa quay lại ngay”. Chừng 10 phút sau, vừa vuốt những giọt mồ hôi trên trán, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa đi lại chỗ chúng tôi, gương mặt anh không giấu được niềm vui khi đã có những bệnh nhân đầu tiên được điều trị khỏi Covid -19 tại tuyến huyện.

Bác sĩ Khoa là thành viên của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế được tăng cường lên điểm nóng Bình Xuyên giữa những ngày Covid -19 gây sóng gió tại đây. Người đàn ông với gương mặt hiền từ, giọng nói trầm ấm nhưng rất quyết liệt khi chia sẻ về nỗ lực ngăn chặn virus corona mới lây lan ra cộng đồng. Mấy chục năm gắn bó với ngành Y nhưng đây là lần đầu tiên anh “trần mình” với cuộc chiến mà đối thủ còn hết sức mơ hồ.

Được Bộ Y tế biệt phái lên tâm dịch Covid -19 để hỗ trợ đồng nghiệp tuyến dưới từ ngày 12/2, chưa một lần anh rời trận tuyến. Ngày nào cũng một vài lần đến xã Sơn Lôi, nơi được khoanh vùng, cách ly và trở thành điểm nóng của dịch Covid-19 tại Việt Nam. “Chưa bao giờ có chiến dịch như thế này. Công việc khá thách thức nhưng anh em chúng tôi cũng an lòng vì có sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Quốc gia và các lãnh đạo tỉnh, công an, quân đội Vĩnh Phúc.

Những ngày vừa rồi, áp lực công việc căng thẳng, bận rộn tới mức nhiều hôm quên không gọi điện về cho vợ con xem tình hình ở nhà thế nào”, bác sĩ Khoa trải lòng. Tôi kể cho anh nghe về việc trước khi đến Bình Xuyên, tôi có dịp gặp vợ anh tại cuộc họp ở Bộ Y tế về dịch Covid - 19. Nụ cười xuất hiện trên gương mặt người đàn ông khi thấy người đối diện nhắc đến “một nửa” của mình. Hai vợ chồng cùng làm ngành Y, đợt dịch này hai anh chị quay cuồng với công việc đến nỗi vợ anh trêu “chồng đi lâu khéo quên mặt”.

Cùng với bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và các đồng đội khác trong tổ công tác đặc biệt trở nên quen mặt với bà con xã Sơn Lôi. Làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ tại Bình Xuyên để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Họ cùng ăn, cùng ở và cùng chống dịch với người dân nơi đây. Nhiều hôm nửa đêm, mới thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Tổ công tác lại bật dậy họp bàn xử lý tình huống phát sinh.

Nhân viên y tế xã Sơn Lôi làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát.

Giữa những ngày cháy hết mình vì cộng đồng đó, những người đàn ông vốn gắn cuộc đời với nghiệp áo blouse cũng có những lúc chạnh lòng nhớ nhà khi tự tay vào bếp nấu ăn, hoặc khi chứng kiến bữa tối sum vầy của những gia đình trong vùng tâm dịch. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế cắm chốt tại huyện Bình Xuyên, chia các nhóm dự phòng, môi trường, điều trị, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đến cán bộ y tế các cấp.

“Hằng ngày, chúng tôi tỏa đi các địa bàn nắm tình hình, thực hiện nhiều biện pháp chuyên môn khẩn thiết”, PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ. GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư nhiệt tình hỗ trợ trang phục bảo hộ cho phóng viên. Ông là người gắn bó với điểm nóng Bình Xuyên ngay từ những ngày đầu dịch Covid -19 xuất hiện tại đây. Với mấy chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hô hấp, ông nhận ra mối nguy hiểm mà loại virus mới này sẽ gây ra.

Ngay lập tức GS.TS Nguyễn Viết Nhung cho chuyển đến Bình Xuyên những thiết bị y tế cần thiết cho nhân viên y tế bởi ông biết nếu y bác sĩ không an toàn thì sẽ không khống chế và dập được dịch bệnh. Trạm Y tế xã Sơn Lôi những ngày này luôn túc trực nhiều bác sĩ, điều dưỡng có nhiệm vụ giám sát từng người dân, từng nhà, mỗi ngày 2 lần, đo nhiệt độ, chỉ cần có biểu hiện gai người, rét run, mệt đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. “Người ta sợ quá hay né mình đều nguy hiểm. Với xã Sơn Lôi, việc tuyên truyền đến tận thôn.

Câu thần chú của chúng tôi là “Phát hiện, phát hiện và phát hiện - cách ly, cách ly và cách ly”. Quan điểm đặt ra là không bỏ sót, cách ly nghiêm ngặt”, PGS.TS Trần Như Dương cho biết. Bác sĩ Trần Văn Tiến, Bệnh viện Quân Y 109 cùng các đồng nghiệp đóng quân tại Trạm Y tế xã Sơn Lôi từ ngày 12/2. Hằng ngày cùng với bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) lên tăng cường tại Sơn Lôi, các anh chia ca, trực 24/24 giờ. Mỗi ngày các bác sĩ ở đây khám cho 40-50 bệnh nhân.

Nhiệm vụ đặt ra là phân luồng bệnh nhân, có trường hợp nghi ngờ chuyển lên Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên). Những cán bộ y tế dự phòng không đối mặt trực tiếp với virus corona mới như những đồng nghiệp chuyên điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19. Nhưng họ mang sứ mệnh quan trọng và nặng nề khi trở thành “lá chắn thép” có nhiệm vụ sàng lọc, chẩn đoán trong số hàng trăm, hàng ngàn con người kia ai mang trong mình mối nguy nhiễm bệnh. Mỗi ngày, họ chia nhau đến từng ngõ xóm, từng ngôi nhà, phải tiếp xúc với biết bao con người nhưng nan giải ở chỗ họ không thể nhìn được “kẻ thù” của mình có tiềm ẩn trong những người dân mà họ tiếp xúc không.

Chứng kiến các anh, các chị lao vào ổ dịch không kể đêm ngày và sự nguy hiểm, đôi khi vì tính chất công việc mà lây bệnh mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Còn nhiều khó khăn khác mà họ vẫn thường xuyên phải đối mặt. Đó là sự hiểu nhầm, lảng tránh của mọi người, là sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác dự phòng với đội ngũ y - bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là về thu nhập. Nhưng không ai trong số đó lùi bước. Họ chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt bởi họ đã chọn cho mình con đường dấn thân vì cộng đồng.