23/04/2024 lúc 22:57 (GMT+7)
Breaking News

Những kỷ niệm của đồng chí Lê Đức Thọ với quê hương thành phố Nam Định

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 – 10-10-2021), Tòa soạn Việt Nam Hội nhập trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 – 10-10-2021), Tòa soạn Việt Nam Hội nhập trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. Ảnh TL

1.Xã Nam Vân, Thành phố Nam Định - quê hương cách mạng đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách nhà cách mạng Lê Đức Thọ

Nam Vân là mảnh đất được hình thành khá sớm, nổi tiếng là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Vùng đất này được phù sa sông Hồng, sông Vị Hoàng (nay là sông Đào) và một nhánh sông chảy qua các thôn Địch Lễ, Đồng Vân, Thượng Hữu mà người dân Nam Vân thường gọi đoạn sông này là sông Nam Vân bồi tụ. Khoảng thế kỷ IX, X vùng đất Nam Vân đã có cư dân đến sinh sống ở một số nơi như Vấn Khẩu, Địch Lễ và Đồng Vân… Trải qua tiến trình lịch sử hình thành và phát triển, mảnh đất Nam Vân đã thực sự trở thành nơi quy tụ của nhiều người tài giỏi, có nhiều công lao to lớn, được người đời tin yêu, mến mộ và kính trọng như: bà Hoàng Phi vợ vua Lý Nhân Tông (1072 - 1138) sinh ra và lớn lên ở Địch Lễ người đã góp phần xây dựng vương triều Lý hưng thịnh; Thái sư Dương Quế Công Lại Thế Vinh (đầu thế kỷ XVI) tuy không sinh ra ở đây nhưng ông lấy đây là quê hương thứ hai của mình, người đã góp phần xây dựng nước Đại Việt vững mạnh trong giai đoạn lịch sử nửa sau thế kỷ XVI; đồng chí Lê Đức Thọ, Đại tướng Mai Chí Thọ, Thượng tướng Đinh Đức Thiện là những chiến sỹ cộng sản kiên trung, những cán bộ lãnh đạo xuất sắc có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu nhất trong số những bậc anh tài của mảnh đất Nam Vân là đồng chí Lê Đức Thọ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày mồng 10 tháng 10 năm 1911 tại xã Địch Lễ, tổng Đồng Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định), trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Ông nội là cụ Đồ nho Phan Đình Hiến, mở trường dạy học và làm nghề thuốc chữa bệnh cho dân. Bác ruột là Tổng đốc Phan Đình Hòe, đỗ Cử nhân khi mới tròn 25 tuổi, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, nhân từ. Thân phụ là Phan Đình Quế (1882 - 1928), một tri thức nho học được dân làng kính trọng, bầu làm Hương trưởng, rồi Chánh hương hội. Thân mẫu là bà Đinh Thị Hoàng (1882 - 1956), một người phụ nữ đôn hậu, đảm đang, tháo vát, hết lòng thương yêu chồng con. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh cơ cực của quê hương Nam Vân dưới chế độ thực dân phong kiến, ông thấu hiểu câu ca dao của người dân Nam Vân:

Cuộc đời cơ cực lầm than

Bắt dân ta sống như đàn ngựa trâu

Kế thừa truyền thống của quê hương và gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước và đấu tranh cách mạng nên đồng chí Lê Đức Thọ đã giác ngộ lòng yêu nước và đến với cách mạng từ sớm. Năm 1925, khi 14 tuổi, đồng chí được gia đình cho theo học tại Trường tiểu học Cửa Bắc, thành phố Nam Định, trọ tại nhà ông chú Phan Đình Ngô ở phố Hàng Cau, một trong những khu phố buôn bán sầm uất nhất của thành phố lúc bấy giờ. Những tháng năm theo học dưới mái trường Cửa Bắc, đồng chí đã được tận mắt chứng kiến cảnh sống xa hoa của bọn thực dân, quan lại cùng cảnh sống lam lũ, cơ cực của những người công nhân làm việc trong các nhà máy, những người dân nghèo thành thị. Từ đó, đồng chí nhận thức được rằng ở đâu người dân nô lệ cũng khổ cực như nhau, kẻ sang người hèn có sự phân biệt rất lớn, bọn thực dân phong kiến ở đâu cũng dã man tàn bạo, sống trên lưng của người dân lao động. Cũng trong thời gian này, đồng chí được tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng yêu nước tiến bộ của các nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... nhất là những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của hội viên trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng thời được tận mắt chứng kiến các phong trào đấu tranh liên tiếp mạnh mẽ của công nhân thành phố Nam Định, điển hình là cuộc đấu tranh của 2.500 công nhân Nhà máy Sợi nổ ra ngày 30/4/1925 đòi tăng lương và phản đối việc sa thải thợ, đã gây tiếng vang lớn, khiến thực dân Pháp hết sức lo sợ. Từ phong trào đấu tranh của công nhân đã phát triển và lan nhanh ra các tầng lớp nhân dân khác. Trong các trường học, học sinh bí mật chuyền tay nhau đọc các sách báo yêu nước, tiến bộ như báo Người cùng khổ (Le Paria), báo Thần Chung, L' An Nam, Việt Nam hồn và nhiều tác phẩm văn học yêu nước như Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Tiếng cuốc kêu của Việt Quyên. Cùng trong năm này, trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Nam Định dấy lên phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc đưa về nước và xử tại phiên tòa Hội đồng Đề hình Hà Nội. Tại phiên tòa xét xử, tú tài Nguyễn Khắc Doanh (tức Tú Khách), người làng Dầm, xã Nam Bình, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã tự nguyện chịu án thay cho cụ Phan Bội Châu. Hành động đó đã được nhiều tờ báo đăng tải làm xúc động lòng dân và thôi thúc tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân cả nước, bọn cầm quyền buộc phải thả cụ Phan, đưa về an trí tại kinh thành Huế. Những sự kiện đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức, tư tưởng của người thanh niên Phan Đình Khải, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và quyết tâm làm cách mạng đánh đuổi đế quốc thực dân, giành độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Trong khi dư âm về cuộc đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu chưa kịp lắng xuống thì tháng 3/1926, tin cụ Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn được lan truyền đi cả nước. Trên khắp mọi miền đất nước, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ trường học đến xưởng thợ, đâu đâu cũng tổ chức truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Hoảng sợ trước sự phát triển rầm rộ của phong trào, thực dân Pháp tìm cách phản công lại. Chúng ra lệnh cấm tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh trong các trường học và cấm không cho học sinh để tang Cụ. Ngay lập tức, ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Sài Gòn và một số nơi khác, học sinh đã bãi khóa để phản đối, buộc bọn thống trị phải nhượng bộ. Tại Nam Định, trong buổi lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh được tổ chức tại nghĩa trang Bắc Tế (thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định) có hàng trăm người tới tham dự, trong đó có người thanh niên Phan Đình Khải. Sau khi tham gia phong trào đấu tranh tổ chức lễ truy điệu nhà trí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh, đồng chí đã bị chính quyền thực dân phong kiến đuổi học. Giữa lúc phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ dâng cao như vậy, nhiều sách báo, tài liệu yêu nước từ nước ngoài bí mật chuyển về thành phố. Một số trí thức, học sinh đã bắt liên lạc được với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - Tổ chức yêu nước do Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), nhằm huấn luyện, đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng Việt Nam. Từ cuối năm 1925, một đường dây liên lạc bí mật được tổ chức, địa điểm tại nhà số 7 phố Bến Ngự (thành phố Nam Định) để đưa người yêu nước Nam Định sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng. Sau đó, họ trở về nước hoạt động. Giữa năm 1927, tại Nam Định đã hình thành một số chi hội của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trong đó có học sinh trường Thành Chung mà nòng cốt là “Học sinh đoàn”. Từ trường Thành Chung “Học sinh đoàn” đã lan nhanh sang các trường học khác. Năm 1928, dưới sự dìu dắt của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, đồng chí Phan Đình Khải đã được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và trở thành một nhân tố tích cực của Trường tiểu học Cửa Bắc và phong trào học sinh Nam Định thời kỳ đó.

Những năm 1929 - 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Định, phong trào cách mạng có bước chuyển mạnh, hoạt động của “Học sinh đoàn” ngày càng sôi nổi, đồng chí đã cùng với các đoàn viên, thanh niên cảm tình cách mạng đã tổ chức rải truyền đơn ở nhiều đường phố, cổ vũ tinh thần đấu tranh của công nhân, vạch mặt kẻ thù đàn áp phong trào. Với tinh thần, nhiệt huyết cách mạng và những hoạt động rất sôi nổi, tích cực, tháng 10/1929, người thanh niên ưu tú Phan Đình Khải vinh dự được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng tại Chi bộ trường Cửa Bắc, thành phố Nam Định.

Ngay sau khi hoàn thành xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã xây dựng Nam Định thành thành phố trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 của miền Bắc. Sự phát triển kinh tế ở một trung tâm công nghiệp tất yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân Nam Định, một bộ phận cấu thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Là người con ra đời trên vùng đất có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, lại được chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, đồng chí Lê Đức Thọ sớm ý thức được vai trò, vị trí của mình trong cuộc đấu tranh trên quê hương Nam Định. Các phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định diễn ra liên tục, sôi nổi, có tiếng vang trong cả nước và trở thành một trong những cái nôi đấu tranh của công nhân Việt Nam đồng thời tác động sâu sắc và cổ vũ mạnh mẽ phong trào yêu nước của nông dân, thanh niên, học sinh, trí thức.... tạo thành làn sóng đấu tranh liên tục, sôi nổi của nhân dân trong toàn tỉnh. Đó cũng chính là những điều kiện cơ bản thuận lợi để thành phố Nam Định sớm tiếp nhận được ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin tiến tới thành lập chi bộ Đảng - một trong những chi bộ Đảng ra đời sớm nhất ngay trên mảnh đất Thành Nam. Khác với các vùng nông thôn, các chi bộ Đảng của thành phố đã phát động được phong trào cách mạng hết sức mạnh mẽ ở thành phố cho tới ngày khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân thành phố Nam Định đã được tập dượt qua các cao trào cách mạng: 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945, đặc biệt là giai cấp công nhân Nam Định luôn luôn đi đầu trong các cao trào đấu tranh chung của cả nước nên dù bị địch khủng bố hết sức dữ dội, có thời kỳ kéo dài suốt mấy năm liền, cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ nhiều lần bị phá vỡ nhưng nhờ phong trào cách mạng đã ăn sâu, bám rễ trong quần chúng nên khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của các cán bộ, đảng viên, của xứ ủy, nhân dân thành phố đã vùng lên đấu tranh tiến tới giành chính quyền hoàn toàn thắng lợi.

Có thể nói, quê hương Nam Định có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng yêu nước, lý tưởng cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Cái nôi quê hương cách mạng đã sản sinh ra một con người kiệt xuất; từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản kiên trung bất khuất của Đảng, là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ.

Đồng chí Lê Đức Thọ gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh năm 1976. Ảnh tư liệu

2. Đồng chí Lê Đức Thọ, người chiến sỹ cộng sản kiên trung luôn in đậm trong tâm trí người dân quê hương cách mạng

Thắng lợi của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cao trào “đồng khởi” ở miền Nam cuối năm 1959 đầu năm 1960 đã mở ra thế và lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi ấy, miền Bắc bước vào thời kỳ tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Tháng 5/1963, đồng chí Lê Đức Thọ về dự Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ IV, đồng chí Lê Đức Thọ đã căn dặn “Các đồng chí và nhân dân Nam Định đấu tranh cách mạng rất anh dũng. Chúng ta đã dành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải dũng cảm tiến lên để dành những thắng lợi cách mạng to lớn hơn nữa”. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ, Thành ủy Nam Định đã ban hành nghị quyết thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và giành nhiều thành tích, nhất là trong phong trào “Sóng duyên hải”, “Gió đại phong”, “Cờ Ba nhất” và “Hai tốt Bắc lý”. Đây là những chuyển biến tích cực tạo tiền đề để Đảng bộ và nhân dân thành phố bước vào thực hiện và kế hoạch nhà nước 1964 đạt nhiều kết quả mới.

Năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ về thăm và làm việc với tỉnh Nam Định. Đồng chí đã đến thăm chùa Tháp Phổ Minh, thành phố Nam Định và nhắc nhở Đảng bộ Thành phố phải giữ gìn, bảo tồn Tháp Phổ Minh vì đây chính là biểu tượng, niềm tự hào của người con Nam Định, của quê hương. Tháp Phổ Minh là một trong số ít công trình còn giữ được tương đối toàn vẹn nhiều dấu tích nghệ thuật thời Trần dưới bàn tay tài hoa cùng với niềm tự hào chiến thắng trong võ công hiển hách của những người thợ Đại Việt đã kết tinh lại để tạo nên một tháp Phổ Minh kiêu hùng; một dấu tích quan trọng, một thời của Hào khí Đông A - Nhà Trần; là nơi gắn liền với Triều đại nhà Trần đã để lại cho dân tộc ta những thành tựu to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quân sự…

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Lê Đức Thọ đã về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nam Ninh lần thứ nhất (năm 1976). Tại thành phố Nam Định, đồng chí Lê Đức Thọ trồng cây đa lưu niệm tại công viên Vị Xuyên. Gặp gỡ, nói chuyện với các đồng chí lão thành cách mạng, đồng chí nói: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Thực hiện tư tưởng, chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI đã cụ thể hóa và đề ra phương hướng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng; khai thác tốt nhất khả năng tiềm tàng của địa phương, dấy lên cao trào sôi nổi trên mọi lĩnh vực tạo một sự tiến bộ mới trong công nghiệp, một bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp; chuyển biến mạnh mẽ sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, xuất khẩu và phục vụ nông nghiệp, xây dựng hoàn chỉnh vùng thực phẩm ngoại thành. Kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, nội thành với ngoại thành, tập trung xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống; tăng cường quản lý kinh tế, quản lý thành phố về mọi mặt; phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định thành thành phố xã hội chủ nghĩa”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đồng chí Lê Đức Thọ luôn dành cho quê hương những tình cảm thiêng liêng và sâu nặng. Ngày 24/10/1988, đồng chí Lê Đức Thọ về thăm quê hương. Với tình cảm chân tình, gần gũi với tất cả mọi người, đồng chí đồng chí đã thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Địch Lễ, xã Nam Vân. Tại nhà ông Phan Đình Nghĩa, là cháu họ; khi ấy mọi người sum vầy, trò chuyện thật cảm động. Lúc này, đồng chí Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam Ninh mạnh dạn đề nghị nguyện vọng của Tỉnh và địa phương mong muốn được xây dựng Khu lưu niệm về gia đình đồng chí để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Sau một hồi trầm tư, suy nghĩ, đồng chí quay sang hỏi: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và địa phương có thường xuyên chăm lo đến đời sống các gia đình chính sách không? Bà con ta có đủ cơm ăn, áo mặc không?

Một cụ già đứng lên trả lời:  Thưa đồng chí, gia đình chúng tôi còn đói lắm ạ. Nghe xong, đồng chí Lê Đức Thọ xúc động nói: Cả 3 anh em chúng tôi cống hiến cho cách mạng là để chăm lo cuộc sống nhân dân. Vậy các đồng chí hãy lấy số tiền đó để lo cho đời sống các gia đình chính sách. Nghe xong mọi người đều thấm thía.

Đồng chí tâm sự: Tôi rất muốn về thăm quê nhưng còn bận nhiều việc của đất nước nên không thể đi được. Mong bà con thông cảm cho tôi.

Quê hương luôn trong trái tim người cộng sản Lê Đức Thọ. Bài thơ “Tình quê hương” đã nói lên tấm lòng cũng như mong muốn, nhắc nhở các thế hệ con, cháu phải tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng họ, gia đình để xây dựng quê hương, đất nước.

“…Trở về thăm lại quê hương

Sáu mươi năm mấy dặm trường đã qua

Đường đi ngàn dặm dù xa

Tình quê vẫn thắm lòng ta dạt dào

(Trích bài thơ Tình quê hương, tháng 10/1988)

Trong quãng đời hoạt động cách mạng xa quê hương, gia đình, người mà đồng chí Lê Đức Thọ luôn giành trọn sự tôn kính và tình cảm thiêng liêng sâu sắc chính là bà Đinh Thị Hoàng (thân mẫu của đồng chí Lê Đức Thọ). Chồng mất sớm, một mình bà đảm đương công việc gia đình, tần tảo nuôi dạy 8 anh chị em khôn lớn trưởng thành. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà bà Đinh Thị Hoàng đã nuôi giấu các đồng chí cán bộ cách mạng Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Quốc Việt… Chính người mẹ mẫu mực ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm,  đạo đức, nhân cách của đồng chí. Trong lần về thăm quê năm 1988, thắp hương tại nhà thờ họ Phan, xã Nam Vân, đồng chí Lê Đức Thọ bồi hồi, xúc động:

“…Mẹ còn đâu nữa mà trông

Đã yên giấc mẹ giữa đồng xanh tươi

Quê hương mấy chục năm trời

Bao phen hào khí dập vùi gian nan”.

                                         (Trích bài thơ Tình quê hương, tháng 10/1988)

Tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ, năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, tỉnh Nam Định đã xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí ngay tại mảnh đất đồng chí sinh ra và lớn lên để trưng bày các hiện vật, tư liệu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Lê Đức Thọ. Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ, là địa chỉ văn hóa - lịch sử để nhân dân và du khách thăm viếng, tưởng niệm và tri ân đối với đồng chí Lê Đức Thọ.

Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt. Ảnh tư liệu.

3. Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Đức Thọ, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Nam Định không ngừng phấn đấu, vươn lên xây dựng thành phố giàu mạnh, văn minh, hiện đại

Bước vào thời kỳ đổi mới, trên nền tảng những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Nam Định đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoạch định đường lối, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện trên mọi lĩnh vực, mang lại sự đổi thay to lớn cho thành phố Nam Định.

Đến nay, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế phát triển nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 99,6%; nông nghiệp giảm còn 0,4% năm 2020. Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, diện mạo đô thị thay đổi. Nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn cho thành phố. Các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút nguồn đầu tư lớn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố. Công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Thành phố đang lập Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng… được quan tâm chăm lo phát triển toàn diện. Giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích là lá cờ đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được triển khai hiệu quả. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế, chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân nhất là các gia đình chính sách, các gia đình thương binh liệt sỹ, chất độc da cam, gia đình nghèo được coi trọng. Tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Công tác thanh tra, kiểm tra; phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Duy trì nền nếp công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định. Đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống chính trị từ thành đến cơ sở được củng cố và phát huy sức mạnh. 

Bước vào giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu đề ra đối với Thành phố Nam Định là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội. Phấn đấu xây dựng Thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, hình thành rõ nét một số chức năng Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Để mục tiêu đạt được hiệu quả, thành phố Nam Định đang xây dựng, phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch. Tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố. Khắc phục bất cập về hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông, kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển không gian, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Khai thác tối đa lợi thế trong việc kết nối các đô thị lớn trong Đồng bằng sông Hồng. Tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai. Bổ sung không gian công cộng với hạ tầng hiện đại phù hợp với thế hệ lao động mới - xu thế 4.0. Phát triển đặc trưng và bản sắc của Thành phố Nam Định như: Văn hóa nhà Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh… Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao. Quy hoạch và thực hiện vùng sản xuất chuyên canh ở các xã ven đô. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao: trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, thuỷ sản... Hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng: công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao. Đầu tư xây dựng khu hành chính tổng hợp, các công trình hạ tầng công cộng, thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí chất lượng cao. Sự phát triển của thành phố cần phải hướng đến cân bằng đô thị hóa, hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc độc đáo, đồng thời hỗ trợ mở rộng đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo quốc phòng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, giữ vững và nâng cao những thành tích, kết quả đạt được. Xây dựng, hoàn thiện theo quy hoạch mạng lưới trường học ở các cấp học, ngành học phù hợp với quy hoạch xây dựng chung của thành phố. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Nâng cao trình độ mọi mặt cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt. Tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế và giáo dục y đức. Chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về y tế. Quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí trên địa bàn. Phát huy bản sắc, giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Thành Nam.

Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định xin hứa với di nguyện của đồng chí, với Đảng và Nhà nước: Sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm phấn đấu đưa quê hương Nam Định ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 Nguyễn Anh Tun

 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định