19/04/2024 lúc 18:15 (GMT+7)
Breaking News

Những 'chuyển động' quan trọng tại Đông Nam Á trong năm 2019

VNHN - Trong khi Đông Nam Á được dự báo là sẽ chứng kiến những “chuyển động” chính trị quan trọng vào năm 2019, khu vực này cũng được đánh giá sẽ tiếp tục duy trì “sự bùng nổ” về đầu tư trong thời gian tới.

VNHN - Trong khi Đông Nam Á được dự báo là sẽ chứng kiến những “chuyển động” chính trị quan trọng vào năm 2019, khu vực này cũng được đánh giá sẽ tiếp tục duy trì “sự bùng nổ” về đầu tư trong thời gian tới.

Các cuộc bầu cử

Trong một bài viết mới đây, tờ The Straits Times cho rằng Indonesia, Thái Lan và Malaysia chính là 3 quốc gia cần phải được xướng tên trong bức tranh chính trị Đông Nam Á của năm nay. Theo bài viết, hơn 192 triệu cử tri Indonesia sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 17-4-2019. Đây cũng là lần đầu tiên người dân xứ Vạn đảo lựa chọn tổng thống và các nghị sĩ quốc hội trong cùng một ngày. 

Tuy nhiên, tờ The Straits Times cho rằng mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc đua gay cấn giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và đối thủ cũ Prabowo Subianto-một cựu tướng lĩnh quân đội. “Mặc dù cuộc chạy đua tổng thống năm 2019 này được coi là màn tái đấu giữa hai chính khách, nhưng lần này ông Joko Widodo không còn là một ứng cử viên không tên tuổi, mà là tổng thống đương nhiệm và cử tri sẽ đánh giá kỹ lưỡng những thành tích của ông. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Joko Widodo đã hoàn thành trọng trách của mình, nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và tăng lương, đủ để thuyết phục người dân Indonesia trao cho ông nhiệm kỳ 5 năm thứ hai hay không”, tờ The Straits Times viết.

Không chỉ có Indonesia, Thái Lan cũng sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong 8 năm qua vào ngày 24-3-2019. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Super Poll thực hiện cho thấy đa số người dân Thái Lan được hỏi chưa quyết định ủng hộ một lực lượng chính trị cụ thể nào trong cuộc bầu cử sắp tới. Tờ The Straits Times đánh giá cuộc bầu cử này sẽ là cuộc ganh đua quyết liệt vì “hệ thống bầu cử mới cho phép thu hẹp khoảng cách giữa các đảng phái mạnh nhất và các đảng phái mạnh thứ hai”. Theo bài viết, việc chính quyền quân sự Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị hồi cuối năm ngoái đã cho phép các đảng phái có “khoảng chạy đà” ngắn ngủi cho cuộc bầu cử. “Hiến pháp mới được thông qua sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 làm cho các đảng phái chính trị lớn khó có thể thống trị chính trường. Thay vào đó, các đảng nhỏ và tầm trung sẽ giành được “sân chơi”, nhiều khả năng hình thành nên một chính phủ liên minh”, tờ The Straits Times cho biết.

Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục duy trì “sự bùng nổ” về đầu tư dài hạn. Trong ảnh: Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: The Spectator.

Năm ngoái, thắng lợi của Liên minh Hy vọng (PH) trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 tại Malaysia cùng với việc ông Mahathir Mohamad, 92 tuổi, trở thành thủ tướng đương nhiệm cao tuổi nhất thế giới từ trước đến nay đã tạo ra một “cơn địa chấn chính trị” như cách gọi của truyền thông quốc tế. Có lẽ cử tri Malaysia chưa bao giờ quên những chính sách kiên quyết và đúng đắn của ông Mahathir Mohamad trên cương vị thủ tướng trong giai đoạn 1981-2003 để hiện đại hóa nhanh chóng, đưa quốc gia này trở thành một trong những “đầu tàu” kinh tế của khu vực Đông Nam Á. 

Vì vậy, việc gương mặt cũ Mahathir Mohamad giành chiến thắng thể hiện niềm hy vọng của cử tri Malaysia vào cam kết “Xây dựng lại đất nước” của ông. Và năm nay được xem là thời điểm để Thủ tướng Mahathir Mohamad và PH thực hiện cương lĩnh tranh cử, trong đó có cải cách bộ máy hành chính quốc gia, giảm gánh nặng thuế cho người dân, xây dựng nền kinh tế đất nước theo hướng công bằng và hợp lý, xây dựng một đất nước Malaysia ôn hòa và tươi sáng trên trường quốc tế, như đã cam kết trước cử tri.

“2019 sẽ là năm kiểm nghiệm liệu PH có thể đưa ra chương trình cải cách mới hay không. Một số cải cách đã sẵn sàng được triển khai trong các lĩnh vực như chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đối lập trên bờ vực sụp đổ, chính phủ có thể thúc đẩy các chính sách và luật mới mà không vấp phải rào cản nào”, tờ The Straits Timesviết.

“Sự bùng nổ” về đầu tư

Đó là bức tranh chính trị. Còn trong lĩnh vực kinh tế, Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được “sự bùng nổ” về đầu tư dài hạn. Trong một bài viết mới đây, tờ The Jakarta Post cho rằng đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á đã không ngừng gia tăng khi các nhà đầu tư mới đổ xô đến khu vực này. “Nhu cầu vốn và nguồn cung tăng là tín hiệu cho thấy khu vực Đông Nam Á ngày càng dễ tiếp nhận hơn các dòng vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân… Theo nghiên cứu, trị giá các giao dịch có vốn tư nhân trong 5 năm tới có thể tăng gấp đôi, lên 70 tỷ USD, tạo ra ít nhất thêm 10 “unicorn” (“kỳ lân”-chỉ các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD)”, bài viết nhận xét.

Tờ The Jakarta Post cho rằng mặc dù Singapore vẫn là trung tâm đầu tư của khu vực, nhưng các hệ sinh thái khởi nghiệp đang mọc lên khắp Đông Nam Á, tạo nền tảng rộng lớn hơn cho đầu tư tương lai. Trong 5 năm qua, Indonesia và Việt Nam đã chiếm 20% giá trị đầu tư vốn tư nhân trong khu vực và con số này có thể tiếp tục tăng. Trong khi đó, tờ The Straits Times dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho biết 90% các nhà đầu tư đều nhận định trong năm 2019, ngoài Singapore, các thị trường Đông Nam Á được quan tâm nhiều nhất sẽ là Indonesia và Việt Nam./.

Theo Qdnd.vn